BĐS vẫn luôn được coi là kênh đầu tư an toàn. Nguồn: internet |
Đối với nhà đầu tư, bất động sản (BĐS) vẫn là một kênh “hái ra tiền”, bởi về bản chất, giá trị đất đai, nhà cửa chưa bao giờ suy giảm so với các hàng hóa khác. Và trên thực tế, nhu cầu nhà ở trong dân là có thật và vẫn rất lớn, bởi tốc độ đô thị hóa của Việt Nam diến ra rất nhanh.
Phát biểu tại Hội nghị toàn cảnh thị trường bất động sản (BĐS) tài chính năm 2011 diễn ra tại Hà Nội mới đây, ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, khẳng định: “Tốc độ đô thị hóa của Việt Nam rất cao với 756 đô thị, chiếm 31%, trung bình mỗi tháng có thêm một đô thị được triển khai xây dựng và mỗi năm có 71 triệu m2 nhà ở được tăng thêm. Do vậy, BĐS vẫn là mảnh đất màu mỡ và giàu tiềm năng trong tương lai".
Tuy nhiên, nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển cho biết, thị trường BĐS nói chung và Hà Nội nói riêng lại chịu ảnh hưởng mạnh bởi kinh tế vĩ mô. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, doanh nghiệp cần có tư duy tốt, nhất là vàng và USD lên xuống thất thường, nhiều rủi ro nên BĐS vẫn là nơi trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư (NĐT).
Đồng quan điểm này, ông Lương Trí Thìn - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Đất xanh, cho rằng khi thị trường tiền tệ, tài chính biến đổi khó lường, vàng, chứng khoán ngoại tệ có xu hướng trầm lắng thì NĐT nghĩ đến BĐS như một kênh an toàn là điều dễ hiểu.
Còn theo ông Nguyễn Mạnh Hà - Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), thị trường BĐS đang trên đà hồi phục. Thể hiện rõ ở nguồn cung của thị trường tăng dồi dào (thêm mới 86 triệu m2 sàn nhà ở).
Tăng trưởng tín dụng trong kinh doanh BĐS trong năm 2010 chiếm khoảng 23.5 %, đạt tổng dư nợ 228,000 tỷ đồng so với năm 2009. Thị trường BĐS thu hút sự quan tâm của NĐT trong nước và nước ngoài với khoảng 2,500 dự án khu đô thị mới.
Trên thực tế, mặc dù thị trường BĐS có hồi phục nhưng phát triển không bền vững, điển hình là giá cả hàng hóa giữa TP.HCM và Hà Nội mất cân đối nghiêm trọng. Tỷ lệ diện tích nhà chung cư chiếm tỷ lệ thấp trong tổng nhà ở, chỉ bằng 1.23% tổng diện tích nhà ở trên toàn quốc. Tại các đô thị lớn như TP.HCM, tỷ lệ này cũng vẫn rất nhỏ, chỉ đạt 16% và Hà Nội là 14%. Hình thức sở hữu nhà của người dân cũng chưa đa dạng, cả nước chỉ có 6.5% người dân ở nhà thuê.
GS. Đặng Hùng Võ đã “bắt mạch” thị trường BĐS và giải thích, thiếu vốn là căn bệnh muôn thuở. Đồng thời, hạn chế tín dụng trong lĩnh vực BĐS đã khiến các NĐT lớn gặp khó khăn mà đặc trưng của thị trường nhạy cảm này lại luôn phụ thuộc vào các giải pháp vốn, luồng vốn góp từ phương thức “mua bán nhà trên giấy” luôn được duy trì như một giải pháp chủ yếu.
Nhận định thị trường BĐS năm 2011, ông Hà lạc quan: “Thị trường bất động sản thăng hoa nhất khi mức độ đô thị hóa từ 30-70%. Xét về trung và dài hạn, BĐS vẫn có cơ hội phát triển rất lớn nếu chủ đầu tư có chiến lược bán các sản phẩm phù hợp với “cầu” của người sử dụng”.
DiaOcOnline.vn - Theo Tầm Nhìn