Nguồn vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) vào TPHCM vẫn ở mức khiêm tốn so với cùng kỳ năm 2008. Tuy nhiên, có hiện tượng là nguồn vốn FDI đầu tư vào bất động sản trong 5 tháng đầu năm lại cao nhất.
Tháng 5/2009, kinh tế thành phố tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới nên vẫn tăng trưởng chậm.
Tính đến tháng 5/2009 nguồn vốn FDI vào thành phố mới chỉ đạt 769,55 triệu USD, giảm 68,09% về vốn đầu tư so với cùng kỳ. Tuy nhiên, thành phố vẫn giữ được vị trí thứ hai trong danh sách thu hút FDI của cả nước.
Điểm đáng chú ý là lượng vốn FDI đầu tư vào ngành kinh doanh bất động sản và dịch vụ tư vấn có tới 59 dự án với tổng vốn 505 triệu USD.
Trong khi đó, lượng vốn đầu tư vào ngành công nghiệp chỉ có 12 dự án với tổng vốn đầu tư 93,3 triệu USD; ngành xây dựng 14 dự án với tổng vốn 7,2 triệu USD; ngành thương mại có 31 dự án với tổng vốn 60,1 triệu USD.
Tính ra, trong tổng số vốn FDI đăng ký đầu tư vào TPHCM 5 tháng đầu năm có đến 65,6% tập trung vào bất động sản. UBND TPHCM nhận định điều này có thể khiến thị trường bất động sản tại thành phố có thể “ấm” lên nhưng lại là dấu hiệu của sự đầu tư thiếu bền vững.
Do vậy, UBND TP đã chỉ đạo các cơ quan chức năng cần xem xét, cân nhắc khi thu hút đầu tư; lưu ý tập trung vào các ngành công nghiệp mũi nhọn hoặc các ngành phù hợp với yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố, giúp kinh tế thành phố vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, củng cố nội lực để phát triển bền vững.
DiaOcOnline.vn - Theo Dân Trí