Theo Chiến lược phát triển đô thị của Việt Nam, diện tích đất đô thị sẽ tăng từ 105.000 ha hiện nay lên đến 460.000 ha vào năm 2020, tỷ lệ đô thị hoá dự kiến sẽ đạt tới khoảng 45% (tương đương với 46 triệu người) vào năm 2025.
Nếu chỉ tính riêng nhu cầu nhà ở đô thị, trung bình mỗi năm Việt Nam đã cần phải phát triển thêm 35 triệu m2 nhà để phấn đấu đạt 20 m2 nhà ở/người tại đô thị vào năm 2020.
Nhu cầu về văn phòng, căn hộ cho thuê, khách sạn và công trình thương mại cũng đang tăng nhanh, nhất là nhu cầu về văn phòng loại A, B, căn hộ cao cấp cho thuê, khách sạn 3 - 5 sao tại các đô thị lớn. Theo tính toán, riêng tại TP.HCM, nhu cầu văn phòng loại A, B khoảng 200.000 m2 và 10.000 phòng khách sạn loại 3 - 5 sao trong một vài năm tới. Tại Hà Nội, khách sạn phục vụ khách quốc tế cũng đang thiếu nghiêm trọng.
Sau khi Việt Nam gia nhập WTO, các tập đoàn bán lẻ thế giới không ngừng quan tâm, đầu tư vào thị trường này khiến nhu cầu về các công trình dịch vụ thương mại, siêu thị tăng mạnh.Nhu cầu về phát triển khu kinh tế và khu công nghiệp tập trung, khu công nghệ cao cũng đang rất "nóng".
Tính đến nay, Việt Nam có khoảng 150 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên trên 32.000 ha, thu hút được trên 2.500 dự án có vốn đầu tư nước ngoài và hơn 2.700 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đầu tư đã đăng ký lên tới 24 tỷ USD và 135.000 tỷ đồng.
Chính phủ cũng đã quyết định thành lập 8 khu kinh tế, trong đó có những khu kinh tế được khởi động nhanh như Khu kinh tế Chu Lai, Khu kinh tế Dung Quất, khu kinh tế Nhơn Hội, khu kinh tế Phú Quốc. Theo qui hoạch phát triển các khu công nghiệp, từ nay tới năm 2015, cả nước dự kiến thành lập mới trên 100 khu công nghiệp với diện tích đất dự kiến khoảng 26.000 ha.
Các chuyên gia dự báo: thị trường bất động sản đang tăng trưởng và sẽ tiếp tục tăng trưởng trong 50 năm nữa. Tuy nhiên, sự hấp dẫn của thị trường lại nằm trong vòng 10 năm tới với mức tăng trưởng dự báo khoảng 50 - 100%. Hầu hết các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước đều có nhận định: thị trường bất động sản đang là lĩnh vực kinh doanh "hốt bạc". Chính vì thế, không ít doanh nghiệp "ngoại đạo" thi nhau nhảy vào kinh doanh bất động sản. Điều này càng mang lại nhiều bất cập cho thị trường bất động sản Việt Nam.
TS. Lê Khắc Hiệp cho rằng những điểm yếu hay rủi ro tiềm ẩn luôn rình rập, đe dọa kéo lùi sự phát triển, thậm chí có thể gây ra khủng hoảng cho thị trường bất động sản Việt Nam hầu như đều xuất phát chính từ sự thiếu chuyên nghiệp.
>> Bất động sản: Lợi nhuận và rủi ro (phần 2)
Theo VnEconomy