Nếu nhìn nhận việc kinh doanh sân golf theo hướng đa dạng hóa, Việt Nam sẽ không chỉ giải được bài toán lạm phát sân golf mà còn mở ra cơ hội kinh doanh mới.
Trước đây, sân golf thuộc dự án nhóm A, Chính phủ quyết định phê duyệt nên việc cấp phép khá chặt chẽ. Song, từ khi phân cấp cấp phép và quản lý đầu tư, các địa phương tự chủ trong việc phê duyệt, cấp phép nên số các dự án sân golf đã tăng lên chóng mặt.
Năm 2050 mới hoàn thành… số sân golf đã lập dự án
144 dự án sân golf đã được cấp phép hoặc có chủ trương cho phép nghiên cứu thực hiện, sẽ “ngốn” tới 44.584 ha đất. Chỉ riêng 76 dự án đã và đang triển khai đã chiếm tới 23.832 ha, trong đó 9.847 ha đất nông nghiệp với 1.847 ha đất trồng lúa nước. Đáng lưu ý, thay vì đầu tư vào vùng đất cằn cỗi, canh tác không hiệu quả thì những dự án gần đây đã ăn vào vùng đất lúa thuộc diện trù mật hoặc vùng chăn nuôi trồng trọt năng suất cao. Cả nước có khoảng 5.000 người chơi golf, trong đó 2.000 người chơi thường xuyên mà 10% là người Việt. Chừng ấy diện tích chỉ để phục vụ hơn 2.000 người chơi thường xuyên khiến dư luận dấy lên những e ngại mới về “trò chơi tốn đất này”.
GS Tôn Gia Huyên (Hội Khoa học Đất Việt Nam) tính toán, với tiến độ thực hiện như thời gian vừa qua thì 144 dự án này không thể hoàn thành trước năm… 2050(!). Khu vực có số sân golf nhiều nhất là Nam Trung Bộ với 27 sân, Đồng bằng Bắc bộ 25 sân, các tỉnh miền núi phía Bắc 11 sân, khu vực Tây Nguyên 11 sân, Tây Nam Bộ 6 sân. Riêng Hà Nội và TPHCM mỗi thành phố có 18 sân.
Núp bóng sân golf để đầu cơ bất động sản, né thuế
Bất chấp những lý lẽ cổ vũ cho việc phát triển sân golf như hiệu quả kinh tế cao hơn làm nông nghiệp, giải quyết việc làm, thu hút du lịch…, thì một số nhà hoạt động xã hội chỉ nói một cách ngắn gọn: cứ kiểm tra số tiền các sân golf nộp thuế thì sẽ biết. Cá biệt như sân golf Đồi Cù (Đà Lạt) từ hàng chục năm nay chưa đóng được đồng thuế nào. Chẳng hạn, sân golf Vân Trì (huyện Đông Anh, Hà Nội) tổng đầu tư có 14,5 triệu USD, chiếm tới 128 ha đất, trong đó tới 93 ha là đất nông nghiệp. Thế nhưng, khoản tiền nộp vào ngân sách của sân golf này tính từ tháng 6 năm 2003 - thời điểm sân này bắt đầu hoạt động - đến nay, mỗi năm số tiền nộp chỉ khoảng 4 tỷ đồng. Nếu tính giá trị đất bị mất cùng hàng ngàn lao động bỗng nhiên mất việc làm thì sân golf không đóng góp bao nhiêu cho tăng trưởng kinh tế của Hà Nội. Hiệu quả kinh tế - xã hội của các dự án sân golf là rất thấp.
Sự phát triển của các dự án đầu tư xây dựng sân golf được coi là tăng trưởng mạnh nhưng số dự án được cấp phép đầu tư kinh doanh sân golf thuần túy chỉ chiếm 10%. Còn lại là các dự án phức hợp. Tính theo tổng số diện tích chiếm đất của các dự án sân golf trong cả nước thì khoảng 71% diện tích đất có mục đích không phải sân golf (biệt thự nhà vườn, đô thị, khu nghỉ dưỡng, khu du lịch...).
Rõ ràng, đây chỉ là hình thức “né” thuế một cách tinh vi. “Các nhà đầu tư lợi dụng hình thức đầu tư dự án sân golf để được cấp phép với diện tích đất rất lớn và được hưởng mức thuế thấp, sau đó sử dụng vào các mục đích khác”, Thượng tá Phạm Mạnh Thông (Cục Cảnh sát môi trường, Bộ Công An) lưu ý. Cùng quan điểm này, GS Tôn Gia Huyên thống kê, đất dùng làm sân golf thực sự chiếm tỷ lệ thấp hoặc rất thấp trong các dự án sân golf. Trong 76 dự án thì chỉ 13 thực sự thuần túy làm sân golf, các dự án còn lại, có nơi chỉ sử dụng 30% diện tích làm sân.
TS Lê Văn Thiện (Khoa Môi trường, ĐH KHTN Hà Nội) đưa ra minh chứng cụ thể, sân golf Tam Đảo được cấp phép 137 ha. Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư Tam Đảo đã dành tới gần 2/3 diện tích (90 ha) làm biệt thự. 290 lô đất, mỗi lô rộng 950 - 1.500 m2 và rao bán ngay sau khi sân đi vào hoạt động. Mỗi lô có giá bán khoảng 1 tỷ đồng. Tính ra, công ty đã thu về 300 tỷ đồng trong khi dự toán đầu tư cho toàn bộ dự án sân golf chỉ khoảng 400 tỷ đồng.
Té ngửa vì không ai quản lý!
Sau khi Hà Tây được sáp nhập vào Hà Nội, Thủ đô đột nhiên có chi chít sân golf. Nếu xét theo quy hoạch vùng Thủ đô thì toàn bộ khu vực Hà Nội (cũ) đã được các sân golf “chốt chặn” 4 phía. Không ít các dự án này đã vi phạm nguyên tắc bảo vệ đất lúa nghiêm ngặt. Thậm chí, chỉ riêng huyện miền núi Ba Vì đã có đến gần 4 dự án sân golf kèm khu biệt thự nhà vườn, khu nghỉ dưỡng... Khi bị dư luận dồn ép việc Thủ đô lạm phát sân golf, UBND TP Hà Nội cho rằng, so với một số quốc gia và vùng lãnh thổ, con số 18 sân golf chưa nhiều. Vậy số lượng dự án sân golf hiện nay nhiều hay ít? Đến khi đi tìm lời giải cho câu hỏi này, người ta mới ngã ngửa ra khi phát hiện thêm một lỗ hổng nữa: Không ai quản lý sân golf, không ai quy hoạch cũng không ai xây dựng chuẩn kỹ thuật! Các bộ khi lập quy hoạch cho ngành mình như Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, thậm chí cả bộ mất đất như Bộ NN&PTNT..., đều không đưa sân golf vào danh mục quy hoạch. Do vậy, việc giới thiệu địa điểm cho chủ đầu tư mới tùy tiện như hiện nay.
Có ý kiến cho rằng, với đặc thù địa lý của Việt Nam, mỗi địa phương chỉ nên có 1 - 2 sân golf là hợp lý, những địa phương gần các thành phố lớn tối đa cũng không được quá 3 sân golf. Khi so sánh năng lực các sân golf hiện có và sự phát triển của bộ môn thể thao này tại Việt Nam, TS Lê Văn Thiện (Khoa Môi trường, ĐH KHTN Hà Nội) cho rằng, trong 20 năm tới, với 18 sân golf hiện có hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu của người chơi.
Sao không đa dạng hóa loại hình sân golf?
Sân golf tạo sự bất bình đẳng xã hội là lý do chính mà những người phản đối sân golf đưa ra. Tuy nhiên, ở các nước phát triển, chơi golf không phải là môn thể thao, giải trí độc quyền của những người lắm tiền. Người về hưu và sống bằng lương hưu cũng có thể chơi golf.
“Muốn phổ cập môn golf, nên làm nhiều sân thu nhỏ ở mỗi quận. Nước ngoài hiện thu 5,5 USD/lần chơi trên sân nhỏ” - PGS Lê Kiều đề xuất. Nhiều chuyên gia phân tích, tại châu Âu, Mỹ số lượng sân golf rất nhiều và số sân golf công cộng chiếm không ít. Các sân golf xây dựng theo kiểu tự quản (không cần thiết kế theo tiêu chuẩn cao), tận dụng ngay chính các công viên, các băng, rải cây xanh quanh các khu đô thị, các đường cao tốc... để phát triển sân golf đại chúng. PGS-TS Nguyễn Hồng Thục (Viện Nghiên cứu định cư) đưa ra bài học từ Hàn Quốc. Cách đây 30 năm, bên bờ sông Hàn chỉ xây dựng đường cao tốc, bụi bẩn bám đen kịt hai bờ sông. Nhưng ngày nay, tại các khu đô thị mới ven sông là các công viên và sân golf xanh mướt dành cho thể thao, vui chơi cuối tuần. Dòng sông trở thành không gian mở và không gian cộng đồng cho Seoul với 10,5 triệu dân.
Tiếc là những gợi mở này hiện chưa được các nhà quản lý và chính các chủ đầu tư chú trọng đúng mức. Nhưng các chuyên gia vẫn nhấn mạnh rằng, lúc này việc đưa sân golf vào quy hoạch và quản lý mang tính mở hơn về đối tượng sử dụng dịch vụ là định hướng phát triển đô thị và xu hướng đầu tư có nhiều triển vọng.