TP.HCM đã được tổ Đề án 30 của Thủ tướng đánh giá làm tốt việc rà soát, bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết.
“TP.HCM kiến nghị đơn giản hóa các thủ tục vượt 47% so với chỉ tiêu của Thủ tướng đề ra. Đặc biệt, tỉ lệ thủ tục TP đề nghị bãi bỏ đã đạt gần 30% số thủ tục rà soát là một con số rất ấn tượng, chứng tỏ TP.HCM đã làm tốt, làm sâu sát và rất mạnh dạn”. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng tổ Đề án 30 của Thủ tướng, đã đánh giá tại hội nghị công bố kết quả rà soát thủ tục hành chính trên địa bàn TP.HCM sáng 22-4.
Bớt vã mồ hôi lên quận, xuống phường
Tới đây, người dân đỡ phải lên quận, xuống phường khi làm các giấy tờ, nhất là nhà đất. Trong ảnh: Làm thủ tục giấy tờ nhà đất tại UBND quận Tân Bình, TP.HCM. Ảnh: HTD |
Theo báo cáo của tổ Đề án 30, TP.HCM đã kiến nghị đơn giản hóa 1.770/2.504 thủ tục, đạt tỉ lệ 70,7%.
Theo ông Lê Hoài Trung - Phó Giám đốc Sở Nội vụ, lâu nay người dân vẫn bức xúc về việc đi lại bổ sung hồ sơ nhiều lần, hết lên quận rồi xuống phường để xác nhận cái này, chứng cái kia thì theo phương án TP đề xuất đơn giản hóa, sắp tới sẽ hạn chế tình trạng này. “Ví dụ người dân có một miếng đất nông nghiệp, muốn xây dựng cái nhà thì phải làm ba bộ hồ sơ và đi qua rất nhiều nơi để làm thủ tục. Trước hết họ phải làm hồ sơ chuyển mục đích sử dụng với đủ loại giấy tờ, xác nhận, xác minh, đi lại rất nhiều lần. Sau đó họ phải làm tiếp một bộ hồ sơ xin giấy phép xây dựng và bộ hồ sơ này có khi… dày hơn bộ hồ sơ trước… Sau đó, dân phải làm tiếp một bộ hồ sơ nữa mới có được giấy hồng. Trong quá trình làm ba bộ hồ sơ này có nhiều thành phần hồ sơ trùng nhau nhưng họ vẫn phải làm lại. Với những thủ tục lặp lại như vậy, TP đề xuất cắt giảm bớt, các công đoạn làm hồ sơ cũng sẽ rút ngắn, cái gì đã có thì không làm lại nữa” - ông Trung nói.
Ông Đỗ Phi Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, bộc bạch: Điều mà người dân than phiền nhiều nhất trong lĩnh vực xây dựng là thời gian thụ lý hồ sơ còn chậm. “Cụ thể như đối với giấy phép xây dựng, khi người dân muốn thay đổi chi tiết nào đó trong nhà như đổi chỗ cái bếp, cầu thang phải làm thủ tục điều chỉnh giấy phép xây dựng. Sở đã kiến nghị đơn giản thủ tục này bằng việc thống nhất giấy phép xây dựng chỉ quản lý mật độ, chiều cao, quy mô công trình, không quản lý những tiểu tiết bên trong của công trình. Người dân được quyền tự quyết định thay đổi bên trong mà không cần phải làm thủ tục điều chỉnh giấy phép xây dựng. Hay như thủ tục gia hạn giấy phép xây dựng cũng cần bãi bỏ, thay vào đó là gia hạn hiệu lực giấy phép từ 12 tháng lên 24 tháng” - ông Hùng nói.
Tiết kiệm ngân sách hiệu quả
Ông Lê Minh Tấn, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, nêu một “điểm nóng” gây tốn kém cho người dân và cả cơ quan nhà nước là các thủ tục thuộc lĩnh vực người có công. Hầu hết thẩm quyền giải quyết các thủ tục này đều thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội nhưng chỉ mỗi việc kiểm tra đối chiếu hồ sơ với lời khai của người đứng khai mà cả ba cấp chính quyền đều thực hiện. “Cụ thể trong năm 2008 và 2009 huyện đã xác nhận và chuyển 723 hồ sơ đề nghị giải quyết các loại thủ tục dạng này. Mỗi lần giải quyết một hồ sơ, huyện phải đến Sở Lao động-Thương binh và Xã hội nộp và nhận kết quả. Mỗi lần đi như vậy tiền công tác phí, lương cho cán bộ một ngày công khoảng 100.000 đồng/hồ sơ. Qua hai năm, ngân sách huyện phải chi phí 72,3 triệu đồng cho việc này và thời gian giải quyết các hồ sơ nay kéo dài đến 60 ngày” - ông Tấn nêu.
Theo ông Nguyễn Xuân Phúc, tính toán sơ bộ của các bộ, ngành cho thấy thực hiện đơn giản hóa 5.500 thủ tục có thể tiết kiệm được 30.000 tỉ đồng/năm.
Hiện tổ Đề án 30 của TP.HCM cũng đang tính toán chi phí xã hội tiết kiệm được từ các phương án đơn giản hóa các thủ tục.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP