Top

Ai là những người mua đất?

Cập nhật 31/12/2010 09:50

Ngoại trừ cơn sốt đất ở Ba Vì dịp đầu năm 2010 đã hạ nhiệt, vì sao giá đất Hà Nội liên tục tăng trong thời gian qua? Có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu do cung không đủ cầu, thì nạn đầu cơ, đẩy giá đất lên cao giữ một vai trò đáng kể.

Bên cạnh đó, có một tâm lí khá nặng nề nhưng rất chính đáng là được "trở thành người Thủ đô"; không ít người ở các tỉnh, đều dành dụm tiền mua nhà Hà Nội, vừa có chỗ cho con cái ăn học vừa là thứ của để dành an toàn và sinh lợi…

Từ lời trần tình của hai "cò đất"…


Sáng và Bắc là hai "cò đất" khá chuyên nghiệp và có tên tuổi. Khởi nghiệp cũng trắng tay, nhưng nhờ buôn bán đất mà hiện nay họ đã có trong tay số vốn lưu động cả chục tỉ đồng, chưa kể vài miếng đất và nhà xây cho công nhân, sinh viên thuê trọ. Bắc chơi sang, xài hẳn xe Lexus 470 cáu cạnh nên đi giao dịch các thương vụ đất, đối tác không khỏi nể trọng; Sáng thì dùng xe Toyota Venza, cũng tỉ bạc… Họ là người đã bán miếng đất cho anh Vinh (như đã đề cập ở bài trước). Địa bàn hoạt động của họ của yếu ở quận Hà Đông và một số huyện ngoại thành Hà Nội. Họ cũng chỉ "lướt sóng", đánh nhanh, rút gọn; cứ lời một hai trăm triệu, thậm chí 50 triệu là họ bán. Tuy nhiên, có những mảnh đất lớn ở vị thế đắc địa, Sáng và Bắc cùng hùn vốn; cùng làm hợp đồng ủy quyền với chủ nhà, để mua hôm nay, mai họ có thể bán luôn.

 
Giá đất Ba Vì đã “xẹp bong bóng”. Ảnh: Duy Hiển.

Mới đây, họ vừa trúng lớn khi bán được một miếng đất ở khu vực gần đường Lê Văn Lương kéo dài (quận Hà Đông), chia đôi mỗi người bỏ túi 400 triệu tiền lời, chỉ sau có một tháng. Tâm sự với tôi, Bắc cười hề hề: "Các bác công chức, tối mặt việc cơ quan, thời gian đâu mà tìm đất cát. Thế mới sinh ra bọn em chứ; mỗi người mỗi việc mà sống thôi. Mà bọn em có lừa lọc gì ai đâu? Thuận mua vừa bán. Miếng đất nào dính quy hoạch là bọn em không mua; phải an toàn, sổ đỏ chính chủ thì mới bán được cho các bác chứ…".

Đến tâm sự của những người mua


Khác với hai "cò" đất chuyên nghiệp Sáng và Bắc, Chị Thanh là một giáo viên trường Trung cấp đóng trên địa bàn quận Cầu Giấy, Hà Nội. Thuộc diện năng động, tháo vát, lại có "cung điền trạch" nên chị Thanh rất xông xáo nhảy vào thị trường nhà đất khoảng mươi năm nay. Đồng lương giáo viên, theo lời chị, chỉ đủ sống tùng tiệm, còn thu nhập chính và những nguồn tích luỹ của gia đình trông cả vào đất. Được cái, chồng chị cũng là nhà giáo, nhưng anh thì chân chỉ hạt bột, chỉ biết công việc ở trường, tối về dạy con học; nên chị Thanh có nhiều thời gian lượn khắp Hà Nội mua bán đất.

Chị Thanh có khá nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đất đai nhà cửa. Hồi giữa năm, chị mua được miếng đất dịch vụ 100 mét vuông ở Chương Mỹ (Hà Nội), với giá 300 triệu; nhưng ba tháng sau giá đã đội lên đến hơn 500 triệu đồng. Chị bán luôn, trừ chi phí còn được 200 triệu, ngon ơ. Tính ra, đồng lương giáo viên của chị cả năm cũng không bằng việc giao dịch thành công một miếng đất ở "vùng sâu, vùng xa" của Hà Nội…

Năm gặp may, chị có thể mua, bán được vài miếng đất. Sau những thương vụ đất thành công, chị Thanh đã xây được căn nhà khang trang ở phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy; ngoài ra, chị còn mua được hai miếng đất khác ở khu vực nội thành Hà Nội, mà tính ra sơ sơ cũng có trị giá gần chục tỉ đồng - một khối tài sản khổng lồ đối với một cuộc đời công chức.

Thế nhưng, không phải mọi việc lúc nào cũng xuôi chèo, mát mái. Chị Thanh cũng đã có lần đứng trước nguy cơ bán đất, bán nhà để trả nợ. Số là, đợt sốt đất những năm 2001-2003, dân tình bỗng "điên đảo" vì đất. Hầu như cứ mua được miếng đất là cầm chắc sẽ lời hàng trăm triệu, thậm chí là tiền tỉ chỉ sau vài tháng. Chị Thanh ráo riết vay mượn bạn bè, rồi vay cả ngân hàng để "ném" tiền vào hai nền đất dạng căn hộ liền kề ở khu vực Gia Lâm với giá 1,5 tỷ đồng mỗi căn. Chắc mẩm, lần này sẽ ẵm trọn số lời hàng tỷ. Đến lúc bị các chủ nợ thúc, rồi đáo hạn ngân hàng, chị Thanh chạy vạy mướt mải nhưng không thể nào bán được hai miếng đất. Lãi mẹ đẻ lãi con, mỗi ngày ngủ dậy lại giật mình vì những món nợ ngày càng lớn, chị Thanh hoảng hồn.
 
Trong khi giá đất Hà Nội có chỗ lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi mét vuông.

Chị bèn nhờ đến cả "người âm", mời thầy về cúng bái thành tâm. Chẳng biết có phải nhờ vậy không mà chị bán được hai miếng đất, nhưng cũng chỉ gỡ được 2/3 số vốn, chưa kể tiền lãi cả năm trời. Ngẫm lại, chị Thanh chậc lưỡi: "May mà bán được, chứ không thì chị dễ trắng tay lắm".

Sau thương vụ bất thành này, chị Thanh vẫn không hề giảm sút niềm đam mê mua bán đất. Tôi hỏi chị: "Đợt sốt đất ở Ba Vì đầu năm nay, chị có "dính" miếng nào không?". Chị cười đắc thắng: "Sau vố "chết hụt" năm 2003, chị tỉnh đòn rồi. Em tính, đất Ba Vì mua chỉ để đầu cơ, chứ dân Hà Nội, ai lên đấy mà ở. Kinh doanh thì phải trường vốn, mở hẳn nhà xưởng hoặc du lịch giải trí, đầu tư dài hơi thì hẵng mua, mà phải mua rộng làm mặt bằng, chứ vài chục mét, mua làm gì? Chị chẳng mua miếng nào ở Ba Vì. Đứa bạn học cấp III của chị, cũng là giáo viên ở Ba Vì, vay tiền chị, rồi vay cả ngân hàng mua được 150 mét vuông ở gần trường, đến lúc nó bảo lời được 70 triệu, chị khuyên bán ngay nhưng không nghe. Tham ăn nên đến giờ đang ngập đầu trong nợ, rao bán bằng nửa giá lúc mua mà vẫn chưa ma nào nó rước cho để trả nợ". Rồi chị chiêm nghiệm: "Mình không trường vốn, cứ mèo con bắt chuột nhắt thôi. Chị chỉ mua miếng vừa phải, lời năm chục, một trăm triệu là bán ngay, ăn non thôi…".

Anh Thiện lại là một người mua đất theo dạng khác. Anh là trưởng phòng một Sở của tỉnh biên giới phía Bắc. Làm ăn khấm khá, vợ chồng anh quyết định mua một căn hộ ở quận Thanh Xuân từ 10 năm trước. Hai đứa con của anh đều vào được đại học, thế là mấy năm liền có chỗ ở đàng hoàng. Một thời gian sau, vợ chồng anh Thiện lại mua được một căn hộ nữa. Họ tính, khi thằng lớn ra trường nhất định phải xin việc ở Hà Nội, chứ về quê thì biết làm việc gì? Nên cứ mua thêm một căn hộ, trước mắt là cho thuê tháng kiếm vài triệu; đến khi thằng lớn lấy vợ thì vẫn có chỗ ở riêng. Phép tính của vợ chồng anh Thiện rất thực tế và hiệu quả.

Mới đây, khi tôi bất ngờ gặp lại anh ở Hà Nội, anh bảo: Anh nghỉ hưu rồi, chuyển khẩu về Hà Nội luôn cho gần gũi các cháu. Anh bán hết dinh cơ ở thị xã, về Hà Nội mua được 35 mét vuông đất ở Định Công, xây luôn 5 tầng. Thế là ổn"… Thấy tôi tỏ vẻ khâm phục tầm nhìn của anh chị, anh Thiện bảo: "Anh thì ăn thua gì. Các sếp của anh ấy à, đã âm thầm mua đất, cất nhà ở Hà Nội từ lâu rồi. Bác nhiều thì vài suất căn hộ liền kề, bác ít thì căn hộ chung cư… Ai chẳng muốn thành người Thủ đô?".

Đất lành chim đậu. Âu cũng là điều hợp lẽ đời. Và phải chăng, vì thế mà giá đất Hà Nội vẫn cứ tăng? Nạn đầu cơ đất, chúng ta đừng đổ hết lỗi cho nguyên nhân này hoặc đội ngũ "cò" đất

DiaOcOnline.vn - Theo Công An Nhân Dân