Top

Diện mạo mới ở phía Đông Sài Gòn

Cập nhật 31/12/2010 09:20

Những ngày này, qua Thủ Thiêm cũng như cả quận 2, đến đâu cũng thấy chung cư cao tầng mọc lên. Bà Trần Thị Hồng Nguyệt, chánh văn phòng UBND quận 2, nói: “Nếu kể hết các khu chung cư cao tầng đã, đang và sẽ mọc lên, thì tôi không nhớ nổi, chỉ biết rằng, gần như phường nào ở quận 2 cũng có vài dự án”.

Chính những công trình giao thông trọng điểm đã khai phóng hoàn toàn vùng đất này.

Dấu ấn những cây cầu


Cầu và hầm vượt Nguyễn Hữu Cảnh kết nối với cầu Thủ Thiêm được đưa vào sử dụng tạo ra cú hích mới cho khu Đông TP.HCM. Ảnh: Lê Quang Nhật

Trong lịch sử phát triển của Thủ Thiêm, có lẽ chuyện khiến người dân nơi đây xúc động nhất là việc đưa cây cầu Thủ Thiêm – vượt sông Sài Gòn – nối liền trung tâm thành phố vào sử dụng đầu năm 2008. “Mỗi người có những cách vui riêng, nhưng đối với tôi, vui nhất là chuyện không phải luỵ phà, qua trung tâm thành phố chưa đầy mười phút”, ông Võ Xuân Hoà, nhà ở đường Lương Định Của, quận 2, chia sẻ.

Tương tự, trước đây từ Thủ Thiêm muốn qua quận 7, người dân Thủ Thiêm phải mất gần một giờ đồng hồ. Năm 2009, khi cây cầu dây văng hiện đại nhất Việt Nam mang tên Phú Mỹ được đưa vào sử dụng, đã giúp người dân nơi đây di chuyển qua quận 7 chỉ mất chưa đầy 15 phút.

Ngoài việc giúp người dân Thủ Thiêm đi lại, cầu Phú Mỹ còn là một công trình mang tầm vóc chiến lược. Bởi lẽ, từ khi tuyến đường dẫn trên cao kết nối với đại lộ Nguyễn Văn Linh, cây cầu này đã trở thành trục giao thông chính của hàng chục ngàn lượt xe lưu thông, vận chuyển hàng hoá từ cảng Cát Lái và các tỉnh miền Đông Nam bộ như: Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu về các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và ngược lại mà không phải đi vòng trên quốc lộ 1A như trước đây. Theo tính toán của chủ đầu tư, cầu Phú Mỹ đã thực sự rút ngắn được 10km đường đi từ quận 2 sang quận 7, đồng thời phá đi thế độc đạo của liên tỉnh lộ 25B, tạo thêm một con đường cho các loại xe tải, xe container vận chuyển hàng hoá ra vào cảng Cát Lái.

Ngay từ những ngày đầu quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, thành phố đã xác định vai trò kết nối giao thông giữa khu đô thị này với trung tâm, cảng biển là điều tối quan trọng để xây dựng thành công.

Theo đó, ngoài hai trục kết nối giao thông mà điểm nhấn là cầu Thủ Thiêm, Phú Mỹ đã hoàn thành, hai trục giao thông còn lại không kém phần quan trọng tạo sức bật cho khu đô thị Thủ Thiêm là tuyến liên tỉnh lộ 25B và đại lộ Võ Văn Kiệt (trước đây là đại lộ Đông Tây, trong đó có hầm chui lớn nhất Đông Nam Á – hầm Thủ Thiêm). Cả hai dự án này dự kiến hoàn thành trong năm 2011.

Riêng ở đại lộ Võ Văn Kiệt, kéo dài từ ngã ba Cát Lái (quận 2) tới huyện Bình Chánh, dài gần 22km dự kiến sẽ đưa vào sử dụng toàn tuyến bao gồm cả hầm dìm Thủ Thiêm vào đầu quý 2/2011. Khi hầm dìm Thủ Thiêm đưa vào sử dụng sẽ rút ngắn được rất nhiều thời gian và chi phí để đi từ Đông Bắc sang Tây Nam thành phố, kết nối Thủ Thiêm với quận 1, quận 5 và đồng bằng sông Cửu Long về phía tây; nối với quốc lộ 1A đi Long Thành về phía đông.

Đặc biệt, ba tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, gồm: đại lộ Vòng Cung; đường ven hồ trung tâm; đường ven sông Sài Gòn dự kiến hoàn thành trong nay mai sẽ kết nối khu đô thị Thủ Thiêm với đại lộ Võ Văn Kiệt.

Quận “cao tầng”

“Khi các công trình giao thông trọng điểm trên đồng loạt hoàn thành, đưa vào sử dụng, lần đầu tiên trong hơn 300 năm phát triển, TP.HCM sẽ có đường vành đai có thể nối thành vòng tròn, và biến quận 2 trở thành trung tâm tài chính – dịch vụ – thương mại cao cấp, có hệ thống hạ tầng hiện đại với một không gian sống, làm việc lý tưởng dần thành hiện thực. Khi đó phố Đông Sài Gòn (Thủ Thiêm) không phải là cái tên mơ ước nữa”, TS Trần Du Lịch, nguyên viện trưởng viện Kinh tế TP.HCM, khẳng định.

Bà Trần Thị Hồng Nguyệt cho biết, hiện nay hơn 90% diện tích đất quận 2 được phủ kín bởi các dự án xây dựng, biến quận 2 thành công trường khổng lồ, các điểm vui chơi công cộng, giải trí cao cấp, nhà cao tầng đang thi nhau mọc lên rải đều ở các phường trong quận.

Cụ thể, ở phường Bình Khánh đã có ba dự án xây dựng căn hộ cao cấp đang được triển khai. Ở dự án 38,4ha Bình Khánh, có bốn đơn vị tham gia đầu tư, xây dựng khu căn hộ cao cấp trên phần diện tích 38,4ha. Khu 30,2ha Bình Khánh do công ty TNHH phát triển quốc tế Thế Kỷ 21 đầu tư xây dựng 4.213 căn hộ, đã thực hiện xong bốn loại căn hộ mẫu và thiết kế cơ sở, dự kiến bàn giao căn hộ cuối năm 2012; ở khu 17,3ha Bình Khánh do công ty TNHH Nam Rạch Chiếc đầu tư xây dựng 1.844 căn hộ. Tương tự, ở phường Thạnh Mỹ Lợi, dự án 174ha Thạnh Mỹ Lợi cũng đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật và đã có hàng chục nhà đầu tư tham gia xây dựng căn hộ cao cấp với mức giá trung bình 2.000 USD/m2.

“Nếu kể hết các khu chung cư cao tầng đã, đang và sẽ mọc lên thì tôi không nhớ hết, chỉ biết rằng phường nào trên địa bàn cũng có dự án”, bà Nguyệt nói.

Riêng ở khu đô thị mới Thủ Thiêm, ban quản lý đang đẩy nhanh xây dựng ba tuyến đường chính trong khu đô thị, gồm: đại lộ Vòng Cung; đường ven hồ trung tâm; đường ven sông Sài Gòn dự kiến hoàn thành trong nay mai sẽ kết nối khu đô thị Thủ Thiêm với đại lộ Võ Văn Kiệt. Các tuyến đường này hoàn thành sẽ đẩy nhanh quá trình xây dựng hoàn thiện khu đô thị mới, tạo cảnh quan trên bến dưới thuyền.


Đại lộ Võ Văn Kiệt, từ ngã ba Cát Lái (quận 2) tới huyện Bình Chánh, dài gần 22km sẽ đưa vào sử dụng toàn tuyến bao gồm cả hầm dìm Thủ Thiêm vào đầu quý 2/2011. Ảnh: Lê Hồng Thái

Sân golf đầu tiên giữa lòng đô thị

Quy mô và đáng kể nhất của các công trình xây dựng “ăn theo” hạ tầng giao thông được kết nối hoàn thiện là dự án thể thao, nhà ở, sân golf rộng 137ha ở phường An Phú. Tại dự án này, đơn vị chủ đầu tư đã hoàn thành xây dựng căn hộ tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Riêng việc khu vực sân golf cũng đã được khởi công từ đầu tháng 9. “Khi hoàn thành, quận 2 là quận đầu tiên trên địa bàn thành phố có sân chơi cho môn thể thao cao cấp. Hứa hẹn thu hút được nhiều du khách”, bà Nguyệt nhận định.



DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị