Ở cuối phía Nam của quảng trường Đỏ, giữa một rừng các tòa nhà theo kiến trúc hiện đại và gôtích, nổi bật một kiến trúc nhiều màu sắc gồm chín ngôi tháp chóp hình củ hành trên đỉnh có một dấu thập thánh giá xây bằng gạch đỏ theo kiểu Byzantine Nga.
Đó là nhà thờ thánh Basil với chiều cao 81 mét ở bên ngoài và 69 mét ở bên trong. Cũng nhờ vào vị trí địa lý của nước Nga mà nhà thờ thánh Basil có một kiến trúc mang sự hòa hợp đông tây độc đáo rất riêng mang đặc trưng Byzantine (phần lãnh thổ phía đông đế chế La mã), không thể lẫn vào đâu được trong hằng hà sa số lâu đài, nhà thờ theo kiểu gotich hay Hy-La của châu Âu.
Để kỷ niệm chiến thắng quân Mông Cổ năm 1522, "Ivan khủng khiếp", vị sa hoàng đầu tiên của nước Nga đã ra lệnh cho kiến trúc sư Postnik Yakovlev xây dựng một nhà thờ hoành tráng trên nền nhà thờ Trinity cũ. Chiến thắng quân Mông cổ diễn ra đúng vào ngày lễ cầu nguyện cho đức mẹ đồng trinh do đó "Ivan khủng khiếp" đã quyết định đặt tên là "nhà thờ của sự cầu nguyện".
Khởi công vào năm 1555, công trình phải mất 11 năm, tức là năm 1561, mới hoàn thành. Lúc ban đầu nhà thờ thánh Basil chỉ có tám tòa tháp cùng đứng chung trên một nền, mỗi tòa tháp tượng trưng cho một lần đánh thắng quân Mông Cổ.
Nhà thờ thánh Basil
Đến năm 1588, tòa tháp thứ chín được xây dựng ở rìa phía đông với mục đích làm nơi chứa hài cốt của linh mục Chính thống giáo người Nga Basil (1468-1552), một người rất có ảnh hưởng đối với người dân Moscow thời bấy giờ và với chính "Ivan khủng khiếp". Cũng từ đó nhà thờ được gọi thông thường là "Nhà thờ thánh Basil".
Nhìn từ trên cao xuống, nhà thờ St. Basil giống như một ngôi sao tám cánh (tám tòa tháp vây quanh một tòa tháp chính). Không phải ngẫu nhiên nhà thờ được thiết kế như vậy bởi vì hình ngôi sao tám cánh và con số tám mang nhiều ý nghĩa tâm linh và tôn giáo.
Con số tám mang hai ý nghĩa: số ngày chúa Jesus phục sinh (theo lịch của người Do Thái cổ), về vương quốc thiên đường được hứa hẹn vào thế kỷ thứ VIII. Ngôi sao tám cánh bản thân nó trong Thiên chúa giáo là ngôi sao dẫn đường cho ánh sáng đến với loài người trong khi đó trên mạng che mặt của Đức mẹ đồng trinh trong Chính thống giáo của Nga, có ba ngôi sao tám cánh.
Bên cạnh đó hai hình vuông đặt chồng lên nhau thì 8 đỉnh của nó sẽ tạo ra một ngôi sao tám cánh. Điều này tượng trưng cho sự vững bền, bốn góc của địa cầu, bốn tác giả kinh Phúc Âm và bốn bức tường bằng nhau của thành phố thiên đường.
Ngược với vẻ "phô trương màu sắc bên ngoài", bên trong nhà thờ St. Basil có rất ít phòng cho những linh mục mà thay vào đó là chằng chịt phòng nguyện nhỏ và cầu thang. Các bức tường được trang trí bằng những hình ảnh hoa lá màu lam tinh tế cùng những bức tranh treo tường mà nhà thờ nào cũng có.
Bên trong nhà thờ
Nhà thờ cũng có nhiều cầu thang gỗ âm trong tường và một trong số đó chỉ mới được phát hiện hồi những năm 1970 trong một lần trùng tu. Đáng chú ý nhất có lẽ là bàn thờ thánh, đặc trưng của các nhà thờ thánh Byzantine làm bằng cẩm thạch có từ thế kỷ XVI.
Theo truyền thuyết, "Ivan khủng khiếp" đã cho chọc mù mắt kiến trúc sư Postnik Yakovlev để ông không thể tạo thêm ra những công trình có thể "so sánh" với nhà thờ thánh Basil. Suýt nữa nhân loại đã mất nhà thờ thánh Basil, cũng như nước Nga, nhà thờ St. Basil đã trải qua những thời khắc thăng trầm mà đỉnh điểm là hai lần suýt bị giật sập.
Lần đầu tiên là Napoleon. Truyền thuyết kể lại rằng trước vẻ đẹp ngất ngây của nhà thờ thánh Basil, Napoleon đã quyết định đưa nhà thờ này về Paris. Tuy nhiên khi biết được ý định này không thể thực hiện, Napoleon đã ra lệnh giật sập nhà thờ thánh Basil.
Nhiều ký thuốc nổ đã được gài vào khắp nơi trong nhà thờ thánh Basil. Ngòi nổ đã được châm, lửa bắt đầu cháy. Thế nhưng một cơn mưa rào đã dập tắt ngọn lửa và "cứu sống" nhà thờ St. Basil.
Nhà thờ thánh Basil vào ban đêm
Lần thứ hai là vào những năm 1930, khi mà Lazar Kaganovich, một đồng chí thân cận của Stalin, người thực hiện việc quy hoạch lại quảng trường Đỏ đã đề xuất giật sập nhà thờ St. Basil vì nó làm hỏng kiến trúc chung.
Stalin đã bác bỏ đề xuất lần thứ nhất của Kaganovich. Nhưng sau đó Stalin đã quyết định loại bỏ nhà thờ thánh Basil. Lần này không phải nhờ trời mà nhờ vào sự dũng cảm của kiến trúc sư Baranovsky, nhà thờ thánh Basil đã không "chết".
Khi chuẩn bị giật sập nhà thờ thánh Basil, Baranovsky đã dọa sẽ cắt cổ mình ngay tại nhà thờ và gửi một điện tính đến cho Stalin. Cuối cùng Stalin đã quyết định giữ lại nhà thờ St. Basil và chỉ bỏ tù Baranovsky năm năm.
DOOL tổng hợp