Để làm rộng một không gian hẹp, thay vì sử dụng kính, chủ tiệm bánh mì Black Cat (13 Phan Văn Đạt, Q.1) đã khéo léo dùng nhiều bức ảnh highflex để trang trí cho những mảng tường. Chính kiểu chơi với highlflex một cách nghệ thuật này đã làm nên một không gian quán thực sự thú vị… Bài viết Những mảng tường kỷ niệm từ tạp chí Nội Thất sẽ giúp bạn biết thêm về một không gian quán khá lạ này.
Quán bánh mì 13 chiếm một góc gọn gàng tầng trệt và gác lửng của một căn nhà 3 tầng. Nếu như không gian bên ngoài của nhà hàng Black Cat bình thường như bao kiểu nhà hàng vừa và nhỏ khác, thì không gian bên trong mới thực sự làm nên cá tính của lữ quán “mèo đen”.
Ấn tượng ban đầu chính là những bức ảnh higflex khổ lớn được định vị rất duyên trên những mảng tường. Nếu như một bên tường “kể” về xuất xứ của những ổ bánh mì Sài Gòn với lò nướng đỏ lửa thì phía bức tường đối diện chính là một hình ảnh rất quen của thành phố - Ngôi nhà thờ Đức Bà.
Chiếc cầu thang gỗ tay vịn dẫn lên không gian trên gác lửng được chia thành hai khu riêng biệt; khu vực ngoài với quầy bar và khu vực hai là phòng ăn chính với nhiều bức ảnh về phong cảnh và con người miền Bắc. Một bà cụ ngồi nghỉ chân bên Hồ Gươm dưới góc cây cột điện quen thuộc, cạnh bà là một con hẻm nhỏ mang tên Jenga trổ đầy hoa Cát đằng, trong khi phía đối diện lại là một bức tường đầy nắng…
Lại một lần nữa các bức ảnh khổ lớn highflex tiếp tục mở rộng không gian khu vực phòng ăn chính với những hình ảnh đầy cảm xúc về một mảng tường nứt nẻ, một số điện thoại khoan cắt bê tông, chiếc cầu Thê Húc cũng được nằm vắt vẻo trên tường và cả hình ảnh một đôi tình nhân ven hồ bình dị… Ánh sáng màu vàng được khéo léo bố trí ở vị trí bên dưới chỗ ngồi cộng với ánh sáng tự nhiên lấy từ những ô bông gió thủy tinh càng làm tăng độ thêm hồn cho những mảng tường lạ.
Chị Thủy, chủ Nhà hàng bánh mì Black Cat cho biết ý tưởng sử dụng highflex của vợ chồng chị đã manh nha từ rất lâu và đã từng được sử dụng tại nhà hàng của anh chị ở Mỹ. Chị nhấn mạnh: “Cách trang trí những mảng tường bằng highflex có nhiều ưu điểm.
Ngoài chí phí hợp lý, độ mỹ thuật cao, những mảng tường đặc biệt này rất dễ lau chùi khi cần thiết. Các bức ảnh chụp được một anh bạn thân là nhiếp ảnh thực hiện trên khắp mọi miền đất nước. Có lẽ không khí đường phố là nơi phù hợp nhất với món bánh mì và vì thế mà một nhà hàng bán mì phải mang hơi thở của đường phố”.
Được biết nhiều khách quen đến với nhà hàng thường chỉ ngồi tại một vị trí cố định. Cũng không thể lý giải tại sao! Nhưng có lẽ ở một góc nhà hàng quen thuộc, trong lúc chủ nhân hài lòng với kiểu thiết kế “không đụng hàng” thì thực khách lại tìm thấy những nét thân quen hay bắt gặp lại mình trên những mảng tường kỷ niệm.
Theo Tạp chí Nội Thất