Những đống xương chống chất, những bộ hài cốt treo lủng lẳng không thể khiến những cái đầu tò mò chùn bước. Nhiều nhà nguyện bằng xương người trên thế giới là những ví dụ độc đáo chứng tỏ rằng không phải ai cũng xem cái chết như một thứ thật đáng sợ.
1. Nhà nguyện xương “Capela dos Ossos” - thành phố Evora (Bồ Đào Nha)
“Capela dos Ossos” có nghĩa là nhà nguyện xương, là một trong những di tích nổi tiếng, chứng tích lịch sử quan trọng mà khách du lịch khó có thể bỏ qua khi tới Bồ Đào Nha.
Nhà nguyện xương được xây dựng vào cuối thế kỷ 16. Thiết kế của nhà nguyện xương là dựa theo thiết kế hầm để hài cốt Ossa alla San Bernadino ở thành phố Milan (Ý). Các bức tường bên trong nhà thờ và các trụ cột được trang trí với hộp sọ và xương của khoảng 5.000 tu sĩ.
Ngoài ra còn có hai xác chết khô treo bằng dây thừng lủng lẳng trên bức tường bên cạnh một cây thánh giá. Danh tính của họ vẫn còn là một ẩn số, nhưng huyền thoại cho rằng đó chính là xác của một người đàn ông ngoại tình và của đứa con nhỏ - kết quả của mối tình vụng trộm. Cả ông và đứa trẻ vô tội phải nhận sự trừng phạt thích đáng từ người vợ ghen tuông.
2. Nhà nguyện đầu lâu Batholomew – thành phố Czermna (Ba Lan)
Được xây dựng vào năm 1776, nhà nguyện đầu lâu Batholomew còn được gọi với tên là Czazek Kaplica, nằm thành phố Czermna ở Ba Lan, là đứa con tinh thần quái đảng của hai linh mục giáo xứ Wacław Tomaszek và J. Langer.
Trong suốt 30 năm chiến tranh, các cuộc đụng độ của tôn giáo cũng như là nạn dịch tả, nạn đói xảy ra đã cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người trong khu vực. Từ đó những ngôi mộ mọc lên như nấm tại địa phương, nơi mà hai linh mục đang sống. Và các ông đã tiến hành khai quật các ngôi mộ lên, thu thập những bộ hài cốt trong suốt từ năm 1776 đến 1804 để xây dựng lên nhà nguyện với mục đích tưởng niệm những nạn nhân xấu số.
Hiện nay, nhà nguyện có tổng cộng có 24.000 bộ xương được đào lên, trong đó 21.000 bộ xương được xếp chồng lên nhau trong 16 khu hầm mộ nằm sâu bên dưới sàn của tòa nhà. Với 3.000 hộp sọ và xương còn lại được trang trí trên các bức tường và trần nhà của tòa giáo hội Thánh Batholomew. Chúng được sắp xếp theo các hình thái khác nhau. Hai vị chủ nhân luôn tự hào về những gì mình làm và họ xem nơi này là “Khu bảo tồn của sự im lặng”.
3. Nhà thờ San Bernardino alle Ossa -Thành Phố Milan (Ý)
San Bernardino alle Ossa là nhà thờ nằm ở thành phố Milan, thuộc miền bắc nước Ý, nổi tiếng với khu hầm mộ và một nhà nguyện nhỏ bên trong được trang trí với hộp sọ và xương người. Các bức tường bên trong nhà thờ được ốp bằng những bộ xương xương chết trong bệnh viện của thành phố Brolo, nạn nhân của bệnh dịch hạch. Số còn lại có thể đến từ các nghĩa trang trong thế kỷ 16 được thu gom về trang trí cho nhà thờ.
4. Nhà thờ Santa Maria della Concezione dei Cappuccini – Thành phố Rome (Italy)
Nhà thờ Santa Maria della Concezione dei Cappuccini được thiết kế bởi Antonio Casoni và xây dựng vào năm 1626, hoàn thành năm 1631.
Vào năm 1631 một thầy tu dòng thánh Francis đã ra lệnh khai quật và chuyển tất cả hài cốt của các thầy tu quá cố dòng Francis ở Viện Via dei Lucchesi về lưu giữ tại đây. Các thầy tu qua đời từ đời này qua đời khác lại tiếp tục được an táng tại hầm mộ này.
Hiện nay, hầm mộ chia làm 5 gian, lưu giữ hài cốt của khoảng 4.000 tu sĩ. Những bộ xương được sắp xếp một cách nghệ thuật, một vài bộ xương còn nguyên vẹn mang trên mình những chiếc áo choàng của nhà tu hành. Tuy nhiên, đa phần những bộ xương này đã bị tách ra và được trưng bày trong các tác phẩm nghệ thuật riêng biệt.
Có một dòng chữ trong nhà thờ này được viết bằng 3 ngôn ngữ khác nhau rằng: "Chúng tôi đã từng giống như các bạn bây giờ và các bạn cũng sẽ giống chúng tôi hiện nay." Điều này nhắc nhở chúng ta cuộc sống chỉ là thoáng qua và rồi chúng ta cũng sẽ chết đi một ngày nào đó.
5. Giáo hội Thánh Sedlec (Cộng hòa Séc)
Nằm trong một nhà thờ công giáo La Mã nhỏ bên dưới nghĩa trang, giáo hội Thánh Sedlec có lẽ là chỗ lưu giữ hài cốt được nhiều người trên thế giới biết đến nhất. Điêug thú vị là những bộ hài cốt, những mảnh xương người ở đây được sắp xếp gọn gàng và tỉ mỉ. Thậm chí, chúng còn được người ta chế tác thành đồ nội thất trang trí như đèn chùm, áo khoác dài tay và vòng hoa bằng hộp sọ.
Nhìn từ bên ngoài, nhà thờ không có gì khác biệt so với các nhà thờ Thiên Chúa giáo khác, thậm chí nhà thờ còn có phần hơi nhỏ và được bao quanh bằng những ngôi mộ đủ kiểu và kích cỡ. Ban đầu nhà thờ là nơi để chứa những bộ xương nạn nhân bệnh dịch hạch và của cuộc chiến tôn giáo Hussite vào cuối thế kỷ 14 và đầu thế kỷ 15.
Mãi đến năm 1870, một dòng họ có quyền thế ở địa phương đã thuê nghệ nhân điêu khắc trứ danh František Rint đưa những bộ xương người từ hầm chứa của nhà thờ lên và dưới bàn tay của ông, tất cả nội thất trong nhà thờ từ bộ đèn chùm, hoa văn vòm cửa đến các biểu tượng thánh tích đều được lắp ghép từ hơn 40.000 bộ xương người.
6. Tu viện San Francisco - thành phố Lima (Peru)
Tu viện Thánh Francis nằm ở Lima thuộc Peru tự hào có một thư viện nổi tiếng thế giới và một hầm mộ chôn cất hài cốt bên dưới nhà thờ. Đầu lâu được sắp xếp trong một loạt các vòng tròn đồng tâm ngăn cách bởi các xương khác.
7. Hầm mộ hài cốt Douaumont (Pháp)
Hầm mộ chứa hài cốt Douaumont chính thức được khánh thành vào ngày 7 tháng 8 năm 1932, là nơi lưu giữ hài cốt, tưởng niệm những binh lính Pháp và Đức trong trận chiến đẫm máu Verdun năm 1916, với khoảng 230.000 người đã chết và 700.000 người bị thương. Khu hầm mộ là nơi an nghỉ cuối cùng cho các binh sĩ không rõ danh tính của cả hai quốc gia đã ngã xuống trong trận chiến.
Bên trong khu hầm mộ là vô số những bảng tên của các binh lính Pháp hi sinh trong trận Verdu và trong số đó có những cái tên của những binh lính trong chiến tranh thế giới thứ 2.
DiaOcOnline.vn - Theo YDL