Top

Những công trình kiến trúc tuyệt đẹp từ bìa cạc-tông

Cập nhật 29/03/2014 05:06

Thông thường, khi nói đến các công trình kiến trúc, chúng ta thường liên tưởng đến những kết cấu phức tạp bằng sắt, thép, bê tông. Tuy nhiên, kiến trúc sư Shigeru Ban (57 tuổi), người Nhật không mặn mà lắm với những vật liệu phổ biến ấy.

Một bảo tàng ở Metz (Pháp)

Theo CNN, Shigeru Ban đã đầu tư trí tuệ, kinh nghiệm của mình vào việc dùng các vật liệu đơn giản, trong đó có giấy, bìa cạc-tông để tạo nên những công trình cho người bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

Cũng chính nỗ lực này đã giúp ông đoạt giải thưởng kiến trúc Pritzker (thành lập vào năm 1979, do Quỹ The Hyatt tài trợ), giải thưởng được giới chuyên môn ví như “Nobel kiến trúc” của thế giới.

Công trình của ông Ban hiện diện ở nhiều nơi trên thế giới, từ quê nhà Nhật Bản sang Trung Quốc, Ấn Độ, rồi đến Thổ Nhĩ Kỳ, Haiti… Những công trình đầy sáng tạo, độc đáo và quan trọng là chi phí rẻ, vật liệu dễ tìm ấy đã trở thành biểu tượng của niềm hi vọng trong quá trình xây dựng lại cuộc sống.

Sau trận động đất khủng khiếp ở Kobe (Nhật) vào năm 1995, Shigeru Ban đã xây nhà tạm cho các nạn nhân người Việt và vật liệu chính mà ông dùng là những thùng đựng bia chứa đầy các túi cát.

Những căn nhà mà Ban xây cho người dân Kobe

Năm 2011, sau trận động đất và sóng thần kinh hoàng đã tàn phá phần lớn Nhật Bản ông lại xây nhà cho người dân từ những container chở hàng.

Một thánh đường có từ thế kỉ 19 ở bị tàn phá nặng nề trong thảm họa động đất ở Christchurch của New Zealand vào năm 2011. Thế là ông dựng lên một nhà thờ mới được làm bằng những ống giấy bìa cạc-tông cho người dân vùng này.

Một nhà thờ ở Christchurch (New Zealand)

Khi được yêu cầu tạo một thứ gì đó liên quan đến Pont du Gard, một cống dẫn nước thời La Mã trên sông Gardon ở phía Nam nước Pháp, Ban nghĩ ra ý tưởng và cho ra đời một cầu bộ hành, dùng các ống bằng bìa cạc-tông và giấy tái chế để làm đối trọng với những tảng đá nặng trịch của công trình cổ này.

Hội đồng giám khảo nhận định rằng các công trình của Ban “đã mang lại mái ấm, các trung tâm cộng đồng cùng những nơi dành cho các hoạt động tâm linh cho những người mất mát to lớn. Khi thảm họa xảy ra, ông ấy luôn có mặt ngay từ đầu”.

Giờ đây, nhiều công trình tạm của Ban đã trở thành gần như lâu dài. Chẳng hạn tại Kobe, các mái ấm với hạn dùng 3 năm nhưng lại được sử dụng đến 5 năm.

Tòa nhà đặc biệt ở Hannover (Đức)...

Nhà hát ở L'Aquila (Ý)

Một studio ở Paris (Pháp)

Trả lời phóng viên của CNN, kiến trúc sư Ban nói về triết lý của mình rằng: “Không hề có sự khác biệt giữa các công trình đồ sộ và những kiến trúc tạm ở những vùng thảm họa. Chúng đều mang lại cho tôi cảm giác hài lòng như nhau".


DiaOcOnline.vn - Theo iHay