Tranh thủ mùa kinh doanh cao điểm cuối năm để đẩy mạnh hoạt động cho vay, song các ngân hàng (NH) không dễ "kích" tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh hiện nay. Bởi các doanh nghiệp (DN) không mặn mà với việc mở rộng đầu tư, sản xuất mới, do hàng tồn kho và sức tiêu thụ giảm.
Ngân hàng kích, doanh nghiệp ngại
Ông Phạm Linh, Phó tổng giám đốc NH Phương Đông (OCB) cho biết, mùa kinh doanh cao điểm cuối năm thường là cơ hội cho NH tăng trưởng tín dụng. Song, khác với các năm trước, quý IV năm nay, nhu cầu vốn của khách hàng không tăng nhiều.
Đối với phân khúc DN chỉ có lĩnh vực xuất khẩu là tương đối tốt, trong đó, phải kể đến xuất khẩu gạo và cao su. Còn đối với nhập khẩu, tình hình không mấy chuyển biến. Nhu cầu nhập khẩu của DN cuối năm không tăng.
Phần lớn các DN nhập khẩu chủ yếu để phục vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu. Riêng với nhu cầu nhập khẩu để phục vụ cho sản xuất, kinh doanh trong nước không tăng. Vì thế, cung vốn vẫn dồi dào, song cầu của DN không tăng đột biến.
Trong 10 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của OCB cũng chỉ mới đạt khoảng 11%, nhưng trong đó riêng với khối khách hàng DN, tăng trưởng tín dụng đã đạt đến 23%. Hiện OCB đang từng bước đẩy mạnh hỗ trợ vốn cho các chủ đầu tư và khách hàng cá nhân ở lĩnh vực bất động sản.
Đơn cử như tài trợ cho Công ty CP Nam Long 80 tỷ đồng, tài trợ cho Nam Đô 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo ông Linh, trước xu hướng nợ xấu tăng và chủ yếu rơi nhiều vào lĩnh vực bất động sản nên OCB cũng khá thận trọng trong cung ứng vốn cho các chủ đầu tư bất động sản.
Theo ông Lê Thành Trung, Phó giám đốc HDBank, tình hình cho vay trong năm nay tương đối khó, kể cả mùa kinh doanh cuối năm của DN đang diễn ra. Trước bối cảnh hàng tồn kho gia tăng, tâm lý của DN chưa muốn mở rộng đầu tư, sản xuất.
Còn với người tiêu dùng vẫn trong tình trạng cắt giảm chi tiêu. Vì thế, nhu cầu vốn dịp cuối năm nay của khách hàng so với mọi năm là không tăng cao, cho dù lãi suất đã giảm.
Hiện lãi suất cho vay được tiết giảm dần và "rom" tín dụng không ít NH vẫn còn nguyên, song trước diễn biến hiện nay DN vẫn ngại vay vốn. Bởi áp lực lãi suất cho vay còn cao.
Hiện lãi suất cho vay tiền đồng ở lĩnh vực xuất, nhập khẩu khoảng 11 - 13%/năm và 5 - 7% đối với ngoại tệ (DN cam kết bán ngoại tệ cho NH). Đồng thời, NH cũng tung mạnh các gói khuyến mãi và ưu đãi cho người vay. Sacombank dành 50 tỷ đồng cho cá nhân với lãi suất 10%/năm và 30 tỷ đồng cho DN lãi suất 13%/năm trên địa bàn quận 1.
Ông Đào Nguyên Vũ, Phó tổng giám đốc Sacombank, cho biết, từ đầu năm đến nay, Sacombank đã triển khai hơn 20 gói vốn cho vay ưu đãi trị giá 13.450 tỷ đồng và 180 triệu USD (trong đó các DN tại khu vực TP.HCM được hỗ trợ gần 5.400 tỷ đồng).
Đồng thời, Sacombank tiếp tục hỗ trợ các cá nhân, DN kinh doanh tháo gỡ những khó khăn về nguồn vốn sản xuất kinh doanh trong những tháng cuối năm, với chính sách ưu đãi lãi suất vay.
Nợ xấu bó tín dụng
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các NH sẽ dễ dàng kích thích tăng trưởng dư nợ tín dụng. Ngược lại, dư nợ của nhiều NH vẫn khó tăng và âm. Tại Sacombank, 10 tháng đầu năm nay, tăng trưởng dư nợ tín dụng chỉ mới đạt hơn 8%.
Dư vốn, ngân hàng mua tín phiếu lãi suất 6-6,8%/năm. Theo dữ liệu của Reuters, ngày 21/11, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành 3.803 tỷ đồng tín phiếu để hút tiền về. Cụ thể, trên thị trường mở (OMO), Ngân hàng Nhà nước phát hành 2.210 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 56 ngày, lãi suất 6%/năm; phát hành 1.593 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 91 ngày, lãi suất 6,8%/năm. Điểm đáng chú ý là chỉ tính riêng trong 3 ngày phát hành tín phiếu gần đây (ngày 15,16 và 21/11), Ngân hàng Nhà nước đã phát hành lượng tín phiếu hút về trên 12.000 tỷ đồng với lãi suất 6-6,8%/năm. Đây là tín hiệu cho thấy nhiều NH đang dư thanh khoản. |
Lãnh đạo NH này cho biết, khả năng tăng trưởng dư nợ của Sacombank cả năm nay chỉ có thể đạt khoảng 12% so với chỉ tiêu nhận được là 17%. Bởi vì, tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh hiện nay quan trọng vẫn là kiểm soát được chất lượng, không chạy đua theo chỉ tiêu tăng trưởng cả năm.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2012 vừa được Eximbank đưa ra cũng cho thấy, tổng dư nợ của NH này giảm mạnh, xuống 63.675 tỷ đồng (tức âm 14,7%), do Eximbank giảm cho vay các khách hàng có độ rủi ro cao.
Tuy nhiên, ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Eximbank, cho rằng, với diễn biến thị trường hiện nay, tín dụng giảm 14,7% trong 10 tháng đầu năm cũng là chuyện bình thường, thậm chí có thể còn giảm tới 20% cũng là dễ hiểu.
Vì thời gian qua, Eximbank tập trung thu hồi nợ ở các khoản vay có dấu hiệu rủi ro tăng lên, do đó tổng dư nợ theo đó giảm khá mạnh. Ông Phước thừa nhận, áp lực giải ngân vốn và đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng luôn là gánh nặng trong việc hoàn tất chỉ tiêu lợi nhuận của năm, nhưng không phải vì thế mà cho vay một cách ồ ạt, ngược lại, NH sàng lọc thận trọng hơn trước khi trao vốn.
Đón đầu nhu cầu vốn cuối năm, các NH thương mại trên địa bàn TP.HCM đã chuẩn bị nguồn thanh khoản khá lớn, với tổng số vốn lên đến 200.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM, cho biết, nợ xấu tăng chính là rào cản trong việc mở rộng tín dụng.
Các NH khó có thể nới lỏng điều kiện tín dụng trong lúc này. Còn DN kỳ vọng lãi suất giảm thêm mới tiếp cận vốn vay để đầu tư. Nợ xấu của khu vực TP.HCM tính đến 10/2012 đã tăng đến 6,26% so với đầu năm nay, còn tăng trưởng tín dụng của các NH đến hết tháng 10/2012 chỉ mới đạt hơn 1,5%, trong khi vốn huy động tăng gần 6% so đầu năm.
TS. Võ Trí Thành nhận định, lãi suất huy động không còn dư địa để giảm trong năm nay và kể cả năm tới. Vì với mục tiêu kiểm soát lạm phát năm sau ở mức kỳ vọng 8% thì lãi suất huy động tiết kiệm sẽ khó giảm so với mức trần 9% như hiện nay.
Tuy nhiên, chắc chắn NH sẽ phải xem xét để giảm thêm lãi suất mới có thể cho vay được. Bởi vì, tăng trưởng tín dụng ngành NH đến nay mới đạt 3,36%/năm nên dư địa vốn cuối năm cho DN rất lớn, song cung - cầu vốn vẫn khó gặp được nhau.
DiaOcOnline.vn - Theo Doanh Nhân Sài Gòn