Từ hôm nay 24.12, trần lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng sẽ giảm từ 9%/năm còn 8%/năm. Cũng như những lần trước, việc hạ lãi suất lần này của Ngân hàng Nhà nước vẫn khiến dư luận khó hiểu khi mục tiêu chính là để doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ, rẻ hơn lại không được chú trọng.
Người gửi tiền chịu thiệt
Nếu như chưa thể quản lý hệ thống NH theo quy luật thị trường thì khi áp trần LS đầu vào, chúng ta nên nhắc lại quy định của bộ luật Dân sự là LS cho vay không vượt quá 150% LS cơ bản của NHNN công bố đối với kỳ hạn cho vay tương ứng. Khi đó mới hy vọng nhiều khoản vay của DN sẽ được giảm thêm vì hiện nay, vẫn còn rất nhiều khoản vay trên 15 - 16%/năm Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành |
Ngay khi có quyết định giảm trần lãi suất (LS) huy động tiền đồng có kỳ hạn dưới 12 tháng về 8%/năm, nhiều người dân đã tính toán đến những cơ hội khác nhau, trong đó có cả việc chuyển sang nắm giữ những loại tiền tệ hay tài sản khác. Chị Kim, ngụ Q.1, TP.HCM, tính toán và cho rằng: “LS đó nếu tính trên thực tế không đủ bù cho trượt giá của tiền đồng nên sẽ xem xét lại khoản tiền tiết kiệm của mình có nên tiếp tục duy trì bằng tiền đồng trong thời gian tới hay không”.
Người dân gửi tiền sẽ bị thiệt là quan điểm chung của nhiều chuyên gia kinh tế tài chính. TS Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Tài chính ngân hàng Trường đại học Mở TP.HCM, cho rằng việc thả nổi LS huy động kỳ hạn trên 12 tháng tạo kênh cho ngân hàng (NH) vượt trần LS. Áp trần LS huy động mà không áp trần LS cho vay đã tạo ra sự bất công đối với người gửi tiền và người vay tiền. Chỉ có NH là hưởng lợi từ việc này. Theo ông Thuận, việc giảm LS lần này khá chậm và có vẻ như chịu áp lực từ xã hội chứ chưa phải là giải pháp đối với doanh nghiệp (DN). Một số DN không chịu nổi mức lãi vay cao đã thực hiện việc đảo nợ để có được mức thấp hơn. Chính vì vậy, cần sớm áp dụng mức trần LS cho vay để đáp ứng đúng nhu cầu của nền kinh tế.
Hạ LS đầu vào khiến các chuyên gia lo lắng nếu kéo dài mức LS huy động thấp sẽ khiến người dân chuyển sang găm giữ ngoại tệ thay vì tiền đồng. Một chuyên gia phân tích: “Chênh lệch LS đầu vào giữa tiền đồng với tiền USD hiện chỉ còn 6 điểm %/năm trên giấy tờ, còn trên thực tế, LS huy động USD cũng bị vượt trần, nên khoảng cách còn thấp hơn rất nhiều và đây là một khoảng cách không an toàn. Do đó, áp lực tăng giá đồng USD sẽ ngày càng gia tăng. Đây là một vấn đề mà NHNN không thể bỏ qua”.
Doanh nghiệp khó được lợi
Điều đáng nói là, từ đầu tháng 12, Chính phủ đã có thông điệp áp trần LS cho vay. Các DN trong những ngày qua cũng đang chờ đợi lãi vay sẽ giảm và được áp trần để có thể tiếp cận vốn với mức rẻ hơn. Thế nhưng, những quyết định gần đây của NHNN lại chỉ giảm LS cho vay đối với một số lĩnh vực từ mức 13%/năm xuống còn 12%/năm mà không đả động gì đến việc áp trần lãi vay. Như vậy, một trong những mục tiêu cơ bản của việc giảm LS là để đẩy mạnh dòng vốn vào sản xuất đã không thực hiện được. Trong khi, không một ai dám khẳng định rằng khi LS đầu vào giảm thì LS cho vay cũng sẽ giảm theo, bởi LS cho vay còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như trình độ quản trị của từng NH, mức độ rủi ro của DN đi vay mà NH thẩm định... “Việc giảm LS đầu vào không có nghĩa là LS cho vay sẽ được giảm theo. Nếu có cũng phải chờ một thời gian khá lâu. Bởi LS cho vay của các NH đều được tính toán cộng bù thêm chi phí rủi ro cao khi tình hình DN đang được đánh giá còn khó khăn như hiện nay”, TS Hoàng Công Gia Khánh, Trưởng khoa Tài chính Ngân hàng Trường ĐH Kinh tế Luật TP.HCM, phân tích.
Lãi suất tiền gửi giảm, người gửi tiền chịu thiệt - Ảnh: D.Đ.Minh |
Theo TS Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, tác dụng của việc giảm LS lần này sẽ không cao đối với các DN nói riêng và nền kinh tế nói chung. Hiện nhiều DN đang tồn kho lớn hoặc gặp khó khăn về tiêu thụ thì LS có giảm nhiều hơn cũng sẽ không đi vay thêm. Còn đối với những DN không đủ điều kiện được vay thì lại càng không có tác dụng. Trên thực tế, trước đây khi NHNN công bố áp trần LS huy động là 9%/năm nhưng đa số NH đều huy động ở mức cao hơn, lên đến 11 - 11,5%/năm. Vì vậy, cũng khó kéo được những khoản cho vay xuống thấp hơn.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cũng cho rằng việc áp trần LS huy động còn 8%/năm là “chuyện không thực tế”. Bởi nhiều NH đã lách luật huy động vượt trần nhưng NHNN cũng không có biện pháp cứng rắn để buộc các NH phải tuân thủ đúng quy định. Điều quan trọng nhất không phải là áp trần LS theo kiểu mệnh lệnh hành chính, mà phải tạo ra LS hợp lý cho nền kinh tế. “Nếu như chưa thể quản lý hệ thống NH theo quy luật thị trường thì khi áp trần LS đầu vào, chúng ta nên nhắc lại quy định của bộ luật Dân sự là LS cho vay không vượt quá 150% LS cơ bản của NHNN công bố đối với kỳ hạn cho vay tương ứng. Khi đó mới hy vọng nhiều khoản vay của DN sẽ được giảm thêm vì hiện nay, vẫn còn rất nhiều khoản vay trên 15 - 16%/năm”, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nói.
Rất khó hiểu khi NHNN thay vì giảm và áp trần cho vay thì một lần nữa lại hạ LS huy động như nói trên.
Ngân hàng vẫn lãi lớn
Một số lãnh đạo NH cho rằng, nếu áp trần LS cho vay đối với hầu hết các lĩnh vực, đối với các khoản vay cũ và mới, các NH sẽ lỗ lớn. Nhưng nếu nhìn vào cơ cấu dòng tiền, doanh số, lợi nhuận của các NH trong 9 tháng đầu năm, sẽ thấy hoàn toàn có thể giảm và áp trần lãi vay tại thời điểm này. Minh chứng rõ nhất là dù xu hướng LS cho vay giảm nhưng hàng loạt NH vẫn lãi lớn. Đặc biệt, tín dụng vẫn là nguồn lợi chính khi chiếm hơn 80% nguồn thu của nhiều NH. Rõ ràng hơn là tốc độ tăng trưởng tín dụng của các NH tăng chậm, có NH không tăng so với đầu năm trong 11 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng tín dụng của ngành NH cũng chỉ đạt 4,85% nhưng số lãi thu được từ hoạt động cho vay của mỗi NH vẫn ở mức vài ngàn tỉ đồng. Đơn cử, trong 9 tháng đầu năm 2012, NH TMCP Á Châu (ACB) không tăng tín dụng nhưng thu nhập lãi thuần mang lại là 5.303 tỉ đồng, tốc độ tăng trưởng tín dụng của NH TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) giảm 15% nhưng thu nhập lãi thuần mang lại là 4.045 tỉ đồng...
DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên