Vấn đề tất toán vàng, quản lý vàng theo quy định mới của NHNN đang là đề tài tranh luận nóng bỏng trong những ngày gần đây.
Theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng và Thông tư 12/2012/TT-NHNN ngày 24/4/2012, các tổ chức tín dụng (TCTD) dừng huy động, cho vay vàng kể từ ngày 24/11/2012.
Đóng trạng thái dẫn đến sốt vàng
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Minh Châu - Tổng Giám đốc Cty Vàng Bạc Đá quí Minh Châu cho biết, hầu hết các NH đang thực hiện theo cách đi mua vàng trên thị trường để cân bằng trạng thái. Mặc dù, các NH cũng không dám gom mạnh, song thị trường vẫn chịu tác động không nhỏ, đẩy giá vàng lên cao, chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước với thế giới gần 3 triệu lượng, giữa giá vàng SJC và phi SJC.
Còn ông Nguyễn Thanh Toại - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB cho biết, riêng ACB vẫn tiếp tục mua vàng vào để đưa trạng thái vàng về 0 trước thời điểm 25/11. Tuy nhiên, tiến độ đóng ra sao thì phải liên tục điều chỉnh, theo tín hiệu thị trường. Trạng thái kinh doanh vàng của chúng tôi đã và đang giảm dần. Tuy nhiên, để tất toán đúng thời hạn của NHNN là rất khó, ông Toại cho biết. Có thể nói, đây cũng là lo lắng của lãnh đạo nhiều NH có hoạt động kinh doanh vàng.
Được biết, hiện trên thị trường còn 3 ngân hàng thương mại gặp khó khăn trong việc tất toán vàng ở mốc thời hạn 25/11, với quy mô khoảng 8 tấn vàng. Trong bối cảnh đó, ngày 26/10/2012, NHNN đã có văn bản số 7019/NHNN-QLNH yêu cầu các tổ chức tín dụng còn số dư huy động và cho vay vốn bằng vàng thực hiện một số nội dung để chấm dứt huy động vốn bằng vàng theo quy định tại Thông tư 12/2012/TT-NHNN.
Văn bản của NHNN nêu rõ, các tổ chức tín dụng được tiếp tục phát hành chứng chỉ huy động ngắn hạn bằng vàng từ nay đến hết ngày 24/11/2012 theo nguyên tắc thời gian đáo hạn của các chứng chỉ huy động ngắn hạn bằng vàng được phát hành mới không vượt quá ngày 30/6/2013. Chứng chỉ huy động phát hành mới không được chi trả trước hạn.
Theo ông Nguyễn Thành Long – Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng VN, trong trường hợp bất đắc dĩ thì NHNN mới kéo dài thời hạn cho các NH có thời gian tất toán đưa trạng thái vàng về 0. Ông Long cho rằng có nhiều cách để các NH thương mại cân đối được trạng thái. Đó là, đề nghị người gửi vàng bán lại cho NH, nhận tiền đồng (VND) với giá hợp lý. Theo đó, các NH đang âm trạng thái phải đi vay của các NH thương mại khác. Đồng thời, mua vàng trên thị trường để trả cho người gửi vàng. Đồng thời, đề nghị NHNN cho phép nhập khẩu vàng.
Hệ lụy từ độc quyền
Theo ông Nguyễn Đại Lai - Khi các NH phải hút vàng vào với khối lượng lớn để cân bằng trạng thái vàng, bù đắp thanh khoản thì lại dồn vào duy nhất một thương hiệu SJC. Hơn nữa, do lo sợ mất giá số vàng đang nắm giữ, người dân đổ xô đi bán vàng miếng của các thương hiệu ngoài SJC. Tất cả nguyên nhân này đã đẩy giá vàng SJC lên cao, hơn là theo quy luật lên xuống của giá thế giới.
Hiện trên thị trường còn 3 ngân hàng thương mại gặp khó khăn trong việc tất toán vàng ở mốc thời hạn 25/11, với quy mô khoảng 8 tấn vàng. |
Còn đại diện một NH cho biết, số vàng 350.000 lượng vàng đang được SJC gia công chuyển đổi, ngoài vàng miếng cong vênh, móp méo còn có vàng của 17 đơn vị chuyển đổi. “Trong đó có 10 NH thương mại và 7 đơn vị khác. Các đơn vị này đã ký hợp đồng và được tiến hành chuyển đổi theo lịch của SJC”. Thế nhưng nếu các DN đều được cấp phép chuyển đổi thì tại sao giá vàng của một số thương hiệu phi SJC vẫn thấp hơn thương hiệu SJC, thậm chí thấp hơn tới 3,5 triệu đồng/lượng. Ví dụ vào lúc sốt nóng với giá 48,18 triệu đồng/lượng thì vàng Bảo Tín Minh Châu chỉ bán 44,8 triệu đồng/lượng, vàng AAA bán 46,6 triệu đồng/lượng. Vậy liệu người dân đang giữ vàng phi SJC rõ ràng đang bị ép giá?
Từ việc độc quyền nhà nước về vàng dẫn tới một số thương hiệu vàng vẫn tiếp tục mua vàng phi SJC vào. Số vàng này nếu được chuyển đổi sẽ thành SJC, bán ra với giá trên 48 triệu đồng/lượng. Chỉ mất vài chục ngàn đồng phí chuyển đổi, vàng phi SJC sẽ đội mũ SJC và hưởng khoảng chênh lệch vài triệu đồng mỗi lượng. Như vậy có lẽ cuối cùng chỉ duy nhất người dân là thiệt thòi.
Ông Nguyễn Thành Long cho biết: hiện nay cung cầu trong nước rất căng thẳng, nguồn vàng đang thiếu, các NH đua nhau mua vào để cân đối thanh khoản. Bên cạnh đó, người dân thấy giá biến động nên đổ xô đi mua tạo nên hiệu ứng “nước lên giá lên”. Với chính sách điều hành từ Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 quy định NHNN độc quyền sản xuất vàng miếng và Thông tư 12/2012/TT-NHNN ngày 24/4/2012 cấm huy động vàng sau 25/11 đã tác động đến tâm lý của các DN, tổ chức tín dụng và khách hàng. Người tiêu dùng lo sợ và ồ ạt chuyển sang mua bán vàng SJC tạo ra cầu quá lớn. Từ đó giá vàng SJC được đẩy lên cao theo quy luật cung cầu thị trường.
DiaOcOnline.vn - Theo DĐDN