Sau một thời gian ổn định khá dài, tỷ giá USD bỗng có một vài biến động nhẹ khi những ngày 10, 11-10 vừa qua, lần lượt nhích lên từ 5 – 10 đồng/USD. Dù vậy, sau hai ngày "gợn sóng” nhẹ, tỷ giá đã trở về trạng thái "sóng yên bể lặng”. Giới chuyên gia dự đoán về cuối năm, tỷ giá sẽ có những biến động, song cũng chỉ xoay quanh mức 2%, khó có thể vượt hơn.
Gợn sóng…
Tỷ giá USD sau nhiều tháng liên tục yên ắng bỗng dưng có những "xáo động” nhẹ khi giao động quanh mức 10 – 20 đồng/USD trong niêm yết giá tại các ngân hàng vào ngày 10 và 11 -10 vừa qua. Cá biệt, thời điểm đó có ngân hàng như Vietcombank, giá USD được niêm yết tăng tới 50 đồng/USD. Giới chuyên gia nhận định, những biến động vừa qua của tỷ giá USD là điều dễ hiểu. Nó cho thấy, những dự đoán trước đó về việc tỷ giá sẽ có những biến động vào dịp cuối năm là hoàn toàn chính xác. Song, hầu hết ý kiến của các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, giá USD dù có biến động, cũng chỉ ở mức nhẹ. Mà như nhận định của chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong: "Biến động tỷ giá USD, nếu có, cũng chỉ xoay quanh mức trên dưới 2%, không thể vượt xa hơn”.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, dưới tác động của chính sách tiền tệ chặt chẽ, linh hoạt, tỷ giá cũng được hưởng lợi do giá trị đồng nội tệ được bảo đảm khi cung ứng VND giảm mạnh trong năm qua. Bên cạnh đó, nhập siêu cũng giảm mạnh khi tổng cầu suy giảm, dẫn đến sức ép về ngoại tệ trong những tháng gần đây không còn căng thẳng như trước. Tỷ giá do vậy vẫn duy trì được sự ổn định. Tuy nhiên, theo quy luật, về cuối năm, nhu cầu về ngoại tệ dành cho các hoạt động kinh tế của các doanh nghiệp tăng cao, sẽ là một trong những yếu tố tạo áp lực lên giá đồng USD. Thêm vào đó, năm nay, do lãi suất cho vay tiền VND còn ở mức cao (trên 15%/năm), nhiều doanh nghiệp đã chọn vay ngoại tệ để hưởng chênh lệch lãi suất. Điều này cũng là một trong những yếu tố đẩy cầu ngoại tệ lên và ít nhiều tạo áp lực lên giá đồng ngoại tệ.
Song, cũng có một luồng ý kiến khác, cho rằng, đồng USD biến động nhẹ trong thời điểm một vài ngày gần đây, còn do những ảnh hưởng của thị trường vàng. Một chuyên gia nhận định, giá vàng trong nước đang giữ một khoảng cách khá xa so với giá vàng thế giới. Chưa lúc nào, giá vàng được dự đoán là sẽ giảm sâu. Ngược lại, giá vàng thế giới vẫn luôn được dự báo là sẽ tiếp tục tăng. Và vàng vẫn là kênh đầu tư được giới chuyên gia dự đoán là hấp dẫn nhất khi mà bất động sản và chứng khoán đang là hai thị trường đánh mất niềm tin. Đây là nguyên nhân đẩy mạnh việc tích trữ vàng.
Hơn thế nữa, theo chuyên gia tài chính – ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, với dự báo tỷ lệ lạm phát trung bình cả năm 2012 là 9,1% của Ngân hàng Phát triển châu Á đưa ra mới đây, sự lo ngại về việc lạm phát sẽ tăng cao trở lại đã khiến không ít người dân tìm đến vàng để dự trữ, coi đây là một kênh giữ tài sản an toàn nhất. Nhu cầu về vàng lớn nên không loại trừ khả năng, giới buôn lậu vàng đang gom ngoại tệ nhập khẩu vàng.
Vẫn trong tầm kiểm soát?
Dù vậy, vị chuyên gia này cũng cho rằng, điều đó cũng không quá lo ngại khi mà những diễn biến của nền kinh tế vĩ mô vẫn đang khá ổn định do những chính sách tiền tệ của Chính phủ được vẫn tiếp tục được duy trì kiên định từ đầu năm đến nay. Theo bản tin nghiên cứu thị trường của ngân hàng BIDV mới đây, dự trữ ngoại tệ quốc gia đã tăng lên khoảng 22 - 23 tỷ USD, tương đương 11,5 tuần nhập khẩu. Đây là yếu tố chính giúp cho tỷ giá ổn định. Ngoài ra, tạo sự dồi dào cho dự trữ ngoại hối là mối tương quan giữa xuất khẩu và nhập khẩu. Nếu cả năm 2011, tổng kim ngạch nhập khẩu là 106,74 tỷ USD, xuất khẩu 96,9 tỷ USD thì đến tháng 6-2012 lần lượt hai con số trên là 53,7 tỷ USD và 52,9 tỷ USD. Điều này cho thấy, sự suy yếu của nhập khẩu, dẫn đến nhập siêu trong 6 tháng đầu năm 2012 chỉ 0,8 tỷ USD, mức quá thấp so với 9,84 tỷ USD của nhập siêu năm 2011.
Tiếp đó, những thành tố khác trong cán cân thanh toán tổng thể để hỗ trợ tỷ giá như FDI vẫn giữ được ổn định: giải ngân FDI 6 tháng năm 2012 đạt 5,4 tỷ USD so với 11 tỷ USD của cả năm 2011. Mặc dù không phải mùa kiều hối nhưng 9 tháng qua lượng kiều hối ước tính đạt gần 9 tỷ USD trong khi cả năm 2011 cũng chỉ đạt 9 tỷ USD. Những cơ sở nói trên được giới chuyên gia đánh giá, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào sự ổn định của thị trường ngoại tệ những tháng cuối năm, nếu có biến động cũng chỉ là "gợn sóng” và hoàn toàn vẫn trong tầm kiểm soát của NHNN. Đặc biệt, nhận định của chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong rằng, nước Mỹ đã cam kết thực hiện giữ đồng USD yếu đến tận 2015 cũng là yếu tố củng cố thêm niềm tin rằng, áp lực tăng giá đồng ngoại tệ USD sẽ không quá mạnh trong những tháng cuối năm 2012 và có thể sang cả năm tiếp theo – 2013.
DiaOcOnline.vn - Theo Đại Đoàn Kết