Đoàn công tác của Bộ Xây dựng do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân làm Trưởng đoàn thăm Công viên trình diễn các công trình giảm thiểu phát thải khí nhà kính tại London, Vương quốc Anh, tháng 6/2010. |
Sự khởi sắc của nền kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây đang thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản, xây dựng… Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, so với tiềm năng của ngành Xây dựng thì mức đầu tư vào các dự án có phần vốn nước ngoài vẫn còn khá khiêm tốn.
Ngành Xây dựng của Việt Nam cần nỗ lực, chủ động trong hợp tác quốc tế hơn nữa để phát huy hết lợi thế sẵn có. Phóng viên đã có dịp trao đổi với TS.KTS Phạm Khánh Toàn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Xây dựng) về những vấn đề này.
* Xin ông cho biết về tình hình dự án vốn đầu tư từ nước ngoài, nguồn tài trợ trực tiếp, gián tiếp trong 5 năm trở lại đây đối với ngành Xây dựng?
Bộ Xây dựng là Bộ tiếp nhận được khối lượng các dự án hỗ trợ kỹ thuật nước ngoài tương đối ít so với các bộ, ngành khác bởi với tên gọi của mình, các đối tác nước ngoài thường hiểu là Bộ Xây dựng là Bộ quản lý các nhà thầu xây dựng, đi làm thuê xây lắp, có ít liên quan đến đầu tư và phát triển. Bộ Xây dựng chỉ điều phối thực hiện các dự án ODA, phát triển hạ tầng kỹ thuật phức tạp có liên quan tới nhiều tỉnh, thành song cũng chỉ điều phối công tác tư vấn, tập hợp thông tin, báo cáo, đào tạo tăng cường năng lực và kiểm tra, đánh giá rút kinh nghiệm.
Khoản kinh phí đầu tư phát triển hạ tầng thông qua vốn vay được chuyển cho các địa phương trực tiếp quản lý và triển khai. Từ khi được tăng cường chức năng phát triển đô thị, xây dựng hệ thống đô thị bền vững trên cả nước, mối quan tâm của các tổ chức quốc tế về lĩnh vực này đối với Bộ ngày càng gia tăng. Điều đó được thể hiện trong chuyển đổi cấu trúc của các hoạt động đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật mà các ngân hàng, các tổ chức quốc tế mang đến cho Việt Nam. Với chính sách mở cửa và xu thế toàn cầu hóa ngày càng gia tăng, chúng ta cần lập lại thế chủ động trong hợp tác quốc tế về nội dung hợp tác cũng như lựa chọn đối tác và cơ chế hợp tác để mang lại nhiều lợi ích thiết thực hơn nữa cho đất nước. Hiện nay, Bộ đang trực tiếp triển khai và quản lý điều phối 14 dự án ODA với tổng kinh phí khoảng 357 triệu USD (trong đó các dự án đầu tư là 298 triệu và các dự án hỗ trợ kỹ thuật và không hoàn lại là 59 triệu USD), một con số khá khiêm tốn so với các khoản tài trợ, đầu tư nước ngoài cho các bộ, ngành khác.
* Ông đánh giá như thế nào về tính hiệu quả từ các dự án này?
Có thể chia các dự án ODA do Bộ quản lý ra làm hai loại: các dự án đầu tư và các dự án hỗ trợ kỹ thuật. Đối với các dự án đầu tư, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực cấp nước, thoát nước, xử lý rác thải tại các tỉnh, thành phố, Bộ chủ yếu thực hiện chức năng điều phối thông qua hai BQLDA đặt tại Cục Phát triển Đô thị và Cục Hạ tầng Kỹ thuật. Các nhà tài trợ đều đánh giá cao phương thức quản lý dự án của Bộ và cam kết sẽ tiếp tục hợp tác với Bộ trong các dự án tiếp theo trong chương trình cấp nước, nâng cấp đô thị, xử lý rác thải, hỗ trợ các địa phương thực hiện công tác đầu tư hạ tầng kỹ thuật.
Đối với các dự án hỗ trợ kỹ thuật, Bộ phân cho các đơn vị thuộc Bộ trực tiếp triển khai trong lĩnh vực quản lý nhà nước gồm các cục, vụ, viện, Học viện Cán bộ Quản lý Xây dựng và Đô thị… Các hỗ trợ kỹ thuật này thực sự mang lại hiệu quả cao vì trực tiếp góp phần xây dựng, sửa đổi các văn bản qui phạm pháp luật chuyên ngành, giúp giải quyết các vấn đề thực tế trong các lĩnh vực của công tác quản lý ngành Xây dựng. Nhờ hợp tác quốc tế mà các Nghị định, Thông tư trong các lĩnh vực của ngành Xây dựng do Bộ soạn thảo đều được đánh giá là thông thoáng và mang tính hội nhập cao, dần tiếp cận tới các thông lệ quốc tế.
* Để thu hút hơn nữa vốn đầu tư nước ngoài vào ngành Xây dựng, theo ông cần phải làm những gì?
Như tôi đã đề cập lúc đầu, chúng ta cần nỗ lực lập lại thế chủ động trong hợp tác quốc tế. Đã đến lúc chúng ta phải là người ra đề bài, chủ động xây dựng nội dung hợp tác và tìm kiếm đối tác quốc tế. Đó thực sự là một nhiệm vụ khó khăn và lâu dài, đòi hỏi Vụ chúng tôi phải nỗ lực hơn nữa tham gia vào các hoạt động chuyên ngành để nắm bắt được các nội dung định hướng, chiến lược của Ngành, từ đó xây dựng các kế hoạch tiếp cận với các đối tác quốc tế phù hợp.
Vụ Hợp tác Quốc tế dự kiến sẽ xây dựng các mối liên hệ chặt chẽ, về cơ bản là trên cơ sở quyền lợi, với các đơn vị trong ngành, từ các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu, cho đến các doanh nghiệp tư vấn, thi công, sản xuất và đầu tư nhằm tập hợp các nhu cầu, kế hoạch hợp tác quốc tế để giới thiệu, quảng bá cho các đối tác quốc tế phù hợp trong các sự kiện đối ngoại. Ngược lại, thông qua đại sứ quán các nước, các tổ chức quốc tế có mặt tại Việt Nam, Vụ sẽ tổng hợp các ưu tiên, chính sách và nhu cầu hợp tác của các đối tác nước ngoài quan tâm đến Việt Nam để giới thiệu, xây dựng dự án hợp tác với các đối tác phù hợp tại Việt Nam, tăng cường thu hút vốn đầu tư vào Việt Nam.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng