Thời thế thay đổi khiến các “đại gia” một thời kiếm tiền như nước giờ gồng mình cũng khó gom tiền lẻ. Tuy nhiên, đây cũng là lúc nhiều “ông lớn” khác hốt bạc, túi tiền lúc nào cũng rủng rỉnh nghìn tỷ.
Hết thời "bao tải tiền"
Trái với thời kỳ tiền vào ồ ạt, mỗi khách hàng mang đến cả đống tiền, khoản mục "tiền và tương đương tiền" và "các khoản phải thu" của doanh nghiệp lên tới hàng trăm, hàng nghìn tỷ, hiện nhiều doanh nghiệp chứng kiến nguồn thu sụt giảm, túi tiền luôn trong tình trạng báo động đỏ vì rỗng đến nơi.
Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG) - một doanh nghiệp BĐS lớn như thổi và nổi như cồn vài năm trước vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý III và 9 tháng đầu năm 2013 với tình hình tài chính đáng thất vọng.
Báo cáo cho thấy, tính tới cuối tháng 9/2013, doanh nghiệp của mẹ con ông Nguyễn Quốc Cường (Cường đôla) chỉ có tổng tiền và các khoản tương đương tiền trị giá vỏn vẹn 1,75 tỷ đồng. Khoản tiền này nếu so với túi tiền của một cá nhân, một gia đình có thể là lớn hoặc rất lớn nhưng so với một doanh nghiệp tầm trung đã là nhỏ bé, chưa nói đem so sánh với doanh nghiệp có quy mô vốn nghìn tỷ.
Tình trạng tiền mặt ít ỏi và doanh thu thấp tại QCG đã diễn ra kéo dài trong khoảng hai năm qua, trái ngược với những năm 2009, cuối 2010 - thời điểm doanh nghiệp này có tiền mặt hàng trăm tỷ, doanh thu gần nghìn tỷ và những khoản phải thu cũng xấp xỉ như vậy.
QCG rơi vào tình trạng khó khăn giống như hàng loạt doanh nghiệp BĐS khác.
Một "ông lớn" trong lĩnh vực BĐS khác là Địa ốc Sài Gòn Thương Tín Sacomreal (SCR), tiền và tài sản tương đương tiền chỉ ở mức hơn 46 tỷ, rất thấp so với quy mô 1.500 tỷ đồng của SCR, và quá nhỏ bé so với thời kỳ rủng rỉnh cuối năm 2010 với trên 910 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính của Công ty Đầu tư tổng hợp Hà Nội (SHN) cũng cho thấy họ chỉ còn khoản tiền mặt 826 triệu đồng vào cuối quý III/2013, trong khi vay và nợ ngắn hạn lên tới 251 tỷ đồng (người mua trả tiền trước chỉ có gần 4 tỷ đồng).
SHN tiếp tục rơi vào bế tắc với việc hụt nguồn thu, doanh thu thuần không đủ để trang trải giá vốn hàng bán trong kỳ. Doanh nghiệp này tiếp tục lỗ 6,7 tỷ đồng trong quý III, nâng tổng lỗ 9 tháng lên 62,6 tỷ đồng, đẩy vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp có quy mô 330 tỷ đồng xuống chỉ còn 26,6 tỷ đồng.
Rất nhiều doanh nghiệp vận hành một cỗ máy đồ sộ nhưng tiền mặt và các khoản tương đương ở thời điểm cuối tháng 9 vừa qua ở mức rất thấp trong khi nợ lớn, như: Công ty cổ phần Đệ Tam DTA (tiền mặt còn chưa tới 580 triệu đồng, nợ hơn 100 tỷ đồng); PXL (chỉ còn 564 triệu đồng; nợ ngắn hạn 102 tỷ đồng); DRH (tiền mặt còn 887 triệu đồng; tồn kho 4.514 tỷ đồng; nợ ngắn hạn 106 tỷ đồng); CCL (tiền mặt còn 870 triệu đồng; tồn kho 380 tỷ; tổng nợ 220 tỷ)...
Tiêu dùng, dầu khí rủng rỉnh
Trái ngược với tình cảnh bi đát trên, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng, dầu khí, cao su, dược phẩm... lại rất vượng, doanh thu tăng mạnh, tiền mặt dồi dào.
Điển hình, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk (VNM) tiếp tục giữ "phong độ" với lãi ròng 1.690 tỷ đồng trong quý III, nâng lũy kế 9 tháng lên trên 6.000 tỷ đồng.
Tiền mặt và các khoản tương đương tiền của Vinamilk ổn định ở mức cao với 1.684 tỷ đồng. Doanh thu của Vinamilk tiếp tục tăng mạnh trên 21% lên trên 8.000 tỷ đồng trong quý III/2013.
Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD) trong khi đó có tiền và các khoản tương đương tiền cuối quý III/2013 lên tới gần 2.430 tỷ đồng.
Ông lớn CTCP Khí Việt Nam (GAS) là doanh nghiệp niêm yết có lượng tiền mặt và các khoản tương đương tiền lớn nhất trên TTCK. Báo cáo quý III/2013 cho thấy GAS đang có gần 18.300 tỷ đồng ở khoản mục này, tăng khá mạnh so với mức hơn 16.100 tỷ đồng cuối quý liền trước.
Công ty CP Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM) cũng luôn duy trì được lượng tiền mặt rất lớn, với số tiền và các khoản tương đương tiền lần lượt đạt 3.748 tỷ đồng năm 2010, 4.070 tỷ đồng năm 2011 và 5.629 tỷ đồng năm 2012. Tới cuối quý III/2013, con số này giảm khá mạnh do bảo dưỡng sửa chữa nhà máy nhưng vẫn ở mức đáng mơ ước - 4.820 tỷ đồng.
Lĩnh vực dược phẩm và cao su cũng có hoạt động khá tốt và thường xuyên duy trì lượng tiền mặt khiến nhiều doanh nghiệp khác phải thèm muốn. Dược Hậu Giang (DHG) chẳng hạn. Cuối quý III/2013, doanh nghiệp này có tiền và các khoản tương đương tiền đạt gần 320 tỷ đồng - theo báo cáo tài chính của công ty mẹ .
Các doanh nghiệp khác có "của để dành" tính tới cuối quý III/2013 lớn như: FPT (2.292 tỷ đồng), DPR (448 tỷ đồng), TRC (491 tỷ đồng), PHR (cuối quý II: 722 tỷ đồng), BMP (cuối quý II: 520 tỷ đồng)...
Có thể thấy, lượng tiền mặt dồi dào chủ yếu là do kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp đều rất tốt. Chỉ trong 9 tháng đầu năm, Đạm Phú Mỹ có EPS đạt 5.163 đồng và đã cán đích lợi nhuận cả năm. PVD trong 9 tháng cũng đạt gần 1.400 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, vượt kế hoạch cả năm. Riêng GAS, trong 9 tháng doanh nghiệp này lãi ròng gần 10.200 tỷ đồng, vượt xa kế hoạch 7.693 tỷ mà đại hội cổ đông giao phó... Hầu hết doanh nghiệp khác cũng vậy, thường xuyên có lợi nhuận cao và kỳ sau tăng hơn kỳ trước.
Điều đáng buồn là không ít doanh nghiệp trong tình trạng bi đát trước lại rất hoành tráng. Không ít doanh nghiệp nhận cả bao tải tiền của khách hàng, đếm không xuể.
Còn ở chiều ngược lại, một số DN vẫn chứng tỏ sức mạnh vượt trội của mình, với lượng tiền "của đề dành" khá lớn, lên tới cả nghìn tỷ đồng.
Tuy rằng, lợi thế đang thuộc về một số ngành như tiêu dùng, dầu khí, dược phẩm, cao su... nhưng nếu không biết dành dụm, chắt chiu thì các DN, kể cả là "đại gia", vẫn gặp khó và chìm trong nợ nần. Mỗi lĩnh vực, mỗi sản phẩm đều có vòng đời, có lúc thịnh, lúc suy. Có tầm nhìn dài hạn, lường trước thuận lợi và khó khăn sẽ giúp doanh nghiệp phát triển ổn định, bền vững.
DiaOcOnline.vn - Theo ĐTCK