Cùng với sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu tài chính, ngân hàng, cổ phiếu của nhóm doanh nghiệp xây dựng và vật liệu xây dựng cũng đang được đánh giá là có tiềm năng tăng trưởng khi hưởng lợi từ các chính sách kích thích kinh tế.
Góc nhìn cơ bản
Theo tính chất của chu kỳ kinh tế, khi bước ra khỏi khủng hoảng và có tín hiệu phục hồi, ngành tài chính, xây dựng và BĐS thường là những ngành nghề hồi phục nhanh. Đặc biệt, hiệu ứng kích cầu mà các chính phủ, trong đó có Việt Nam đang triển khai đều hướng mạnh vào đầu tư xây dựng cơ bản, vốn đóng góp tỉ trọng lớn trong tăng trưởng GDP.
Theo TS Trần Du Lịch - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TPHCM, hiện tại là cơ hội để thực hiện các dự án hạ tầng kỹ thuật và xã hội. Nếu đẩy được thị trường xây dựng tăng thêm từ 0,5% - 0,7%, thì GDP 2009 có thể đạt 5,5% (con số mà Ngân hàng Thế giới dự báo). Thị trường xây dựng hiện còn có dư địa để phát triển, trong khi các ngành khác như công nghiệp hay nông nghiệp khó có thể đột biến.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, giá trị sản xuất công nghiệp tháng 4.2009 tăng 5,4% so với cùng kỳ 2008, cao hơn mức tăng 2,1% của 3 tháng đầu năm. Tốc độ tăng giá trị gia tăng ngành xây dựng quý I/2009 đạt 6,9%. Những sản phẩm xây dựng chủ yếu đóng góp vào mức gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp như gạch xây dựng tăng 7,3% so với tháng 4.2008, ximăng tăng 4,4%, thép tròn tăng 32,3%...
Lĩnh vực xây dựng có chuyển biến nhanh nhờ tận dụng mức giá nguyên liệu thấp. Một số sản phẩm chủ chốt cho xây dựng như sắt, ximăng tháng 4 tăng khá so với tháng 3 do bắt đầu vào mua tiêu thụ. Chỉ số giá tiêu dùng nhóm hàng nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,45% so với tháng 3 và tăng 3,14% so với thời điểm tháng 12.2008. Ngoài một phần giá tăng do chi phí đầu vào tăng, sức mua cũng bắt đầu tăng lên do các dự án được giải ngân vốn để tiếp tục triển khai.
Báo cáo trước Quốc hội tuần qua, Chính phủ đã đề xuất bổ sung 20.000 tỉ đồng trái phiếu, nâng tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản lên 64.000 tỉ đồng. Như vậy, những quý cuối năm công tác giải ngân sẽ được gấp rút đẩy nhanh. Mặt khác, yếu tố giá đã giảm khoảng 30-40% so với lúc cao điểm 2008 cũng có tác dụng kích thích.
Báo cáo của Tổng Cty Ximăng cho biết, 4 tháng đầu năm giá ximăng tăng bình quân 20.000đ/tấn phía bắc và tăng 95.000đ/tấn phía nam. Dự báo sản lượng sản xuất và tiêu thụ ximăng cả năm 2009 khoảng 44-45 triệu tấn, tăng 10% so với 2008. Theo báo cáo của Tổng Cty Thép, tháng 4.2009 thời tiết thuận lợi cho xây dựng và tác động kích cầu đã làm tăng cầu về thép xây dựng. Dự kiến từ tháng 5 trở đi giá thép sẽ tăng 5-10% do vào vụ mùa chính.
Góc nhìn thị trường
Theo báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), các DN thuộc lĩnh vực cung cấp vật liệu xây dựng như ximăng, sắt thép, gạch, các DN xây lắp, thi công có khả năng đạt kết quả kinh doanh khả quan hơn dự kiến trong năm 2009 và 2010.
Theo báo cáo, DN ngành thép đã qua giai đoạn khó khăn nhất. Nhiều DN có lượng tồn kho cao trong khi sức mua yếu, giá giảm mạnh. Do đó hầu hết DN đều đặt kế hoạch kinh doanh 2009 thận trọng trên cơ sở giả định nhu cầu thị trường 2009 kém hơn 2008.
Tuy nhiên, tình thế đang ngược lại khi gói kích cầu bắt đầu phát huy tác dụng. Đây là cơ sở để tin rằng các DN thép sẽ vượt kế hoạch 2009. Đối với DN ximăng, hiệu ứng từ gói kích cầu cũng sẽ tạo ra cơ hội tốt trong thời điểm quý II và quý IV năm nay.
Một báo cáo khác của Công ty Chứng khoán Vincom cũng cho rằng một số DN hoạt động trong ngành xây dựng và vật liệu xây dựng có liên quan trực tiếp đến những sản phẩm nhằm mục đích kích cầu như chung cư giá rẻ, nhà cho thuê, cơ sở hạ tầng sẽ được hưởng lợi không ít từ gói kích cầu. Công ty Chứng khoán Vincom khuyến cáo nhà đầu tư nên lựa chọn các DN có ngành nghề hoạt động tập trung, lợi nhuận biên từ sản xuất kinh doanh cao, tiền mặt dồi dào...
Mặc dù các phân tích cơ bản có thể chỉ ra những cổ phiếu tốt cho đầu tư dài hạn. Tuy nhiên, từ góc độ thị trường, thời điểm đầu tư còn quan trọng hơn. Có thể nhận thấy một vài đặc điểm của thị trường chứng khoán Việt Nam như tính đầu cơ rất cao. Dòng tiền khôn ngoan thường chạy vào những cổ phiếu tốt từ sớm và giá liên tục được đẩy lên cao. Do đó với nhiều mã dù thực sự tốt, tiềm năng cũng đã phản ánh hết kỳ vọng và mua giá cao có thể phải chịu đựng sự điều chỉnh mạnh sau đó.
Mặt khác, tính thanh khoản kém dễ dàng dẫn đến việc không thể mua được cổ phiếu tốt, dòng tiền chạy sang những cổ phiếu cùng ngành nghề và tất cả cùng tăng giá trong khi thực tế các DN trong cùng ngành có chất lượng không đồng đều.
DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động