Trong tương lai không xa, nhà đầu tư sẽ không còn cơ hội vay vốn ngân hàng để chơi chứng khoán. Ngân hàng cũng không được trực tiếp rót vốn vào các dự án bất động sản để kiếm lời.
Ngân hàng Nhà nước đang hoàn tất Dự thảo sửa đổi bổ sung Luật Các tổ chức Tín dụng theo hướng hạn chế tối đa các rủi ro đối với hoạt động kinh doanh ngân hàng. Sau 7 lần chỉnh sửa, dự thảo lần 8 đã cập nhật những kinh nghiệm đúc rút từ cuộc khủng hoảng tài chính ngân hàng đang diễn ra.
Đáng chú ý nhất trong dự thảo lần 8 là những quy định liên quan tới hoạt động đầu tư của ngân hàng. Các ngân hàng thương mại đương nhiên được thực hiện các hoạt động truyền thống theo giấy phép như huy động vốn, cấp tín dụng, cung ứng dịch vụ thanh toán… Riêng với hoạt động ngân hàng đầu tư, được chia thành 2 nhóm nghiệp vụ, nhóm được trực tiếp thực hiện hoặc phải triển khai thông qua các công ty con. Ngân hàng thương mại được phép trực tiếp tư vấn tài chính doanh nghiệp, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp và tư vấn đầu tư chứng khoán; lưu ký chứng khoán, mua bán trái phiếu Chính phủ.
Với các nghiệp vụ như bảo lãnh phát hành chứng khoán; tự doanh chứng khoán bao gồm cả mua bán cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp; môi giới chứng khoán; quản lý, phân phối chứng chỉ quỹ đầu tư; quản lý danh mục đầu tư chứng khoán… ngân hàng không được trực tiếp thực hiện mà phải thông qua các công ty con của mình.
Cũng liên quan tới chứng khoán, dự thảo quy định các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán.
Dĩ nhiên là các ngân hàng thương mại không thoải mái với quy định này. Hiện tại, họ vẫn được phép cho vay, đầu tư chứng khoán nhưng bị giới hạn không quá 3% vốn điều lệ. Với quy định mới, nếu muốn tham gia thị trường chứng khoán, họ phải thông qua công ty con. Và việc tham gia này cũng không dễ chút nào, khi mà họ bị ràng buộc bởi quy định không được cấp tín dụng cho các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh chứng khoán do mình nắm quyền kiểm soát. Những người theo quan điểm thận trọng thì cho rằng, quy định theo dự thảo là hợp lý, nhằm khu biệt những rủi ro thị trường, tránh ảnh hưởng tới an toàn của ngân hàng và toàn hệ thống. Trong trường hợp mảng kinh doanh, đầu tư chứng khoán thua lỗ, chỉ ảnh hưởng tới công ty con chứ ít ảnh hưởng tới ngân hàng mẹ, qua đó đảm bảo sự an toàn của toàn hệ thống.
Thực tế cho thấy sau giai đoạn ào ạt cho vay chứng khoán, đến đầu 2008, phần lớn các ngân hàng đều báo lỗ vì mảng này. Các công ty chứng khoán có mảng tự doanh chiếm tỷ lệ lớn cũng lỗ nặng. Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới cũng là một minh chứng cho thấy rủi ro từ hoạt động ngân hàng đầu tư là cực lớn. Hàng loạt ngân hàng đầu tư lừng lẫy một thời của Mỹ đã phải dừng hoạt động, sáp nhập với đơn vị khác hoặc chuyển đổi thành mô hình ngân hàng đa năng.
Rủi ro từ các hợp đồng phái sinh cũng là một nguyên nhân dẫn tới cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Vì vậy, trong dự thảo luật quy định rõ, ngân hàng chỉ được phép thực hiện các nghiệp vụ phái sinh về tỷ giá, lãi suất, ngoại hối, tiền tệ, tài sản tài chính… khi có sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước.
Cũng theo dự thảo mới, ngân hàng có thể bị cấm kinh doanh bất động sản trừ trường hợp bất động sản đó dùng làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc, hoặc cơ sở kho tàng phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ của mình. Ngoài ra, ngân hàng được phép nắm giữ bất động sản do việc xử lý nợ vay có đảm bảo bằng bất động sản liên quan. Trong thời hạn 3 năm kể từ ngày quyết định xử lý tài sản đảm bảo bằng bất động sản, ngân hàng phải bán, chuyển nhượng hoặc mua lại tài sản này để đảm bảo thực hiện đúng tỷ lệ đầu tư và tài sản cố định và mục đích sử dụng tài sản cố định theo quy định.
Liên quan tới việc cấp phép thành lập ngân hàng, ban soạn thảo đề xuất lệ phí cấp giấy phép thành lập ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tương đương 1% vốn điều lệ hoặc vốn được cấp. Mức vốn điều lệ sẽ được quy định theo từng thời kỳ, theo quy định hiện tại vốn điều lệ của ngân hàng tối thiểu là 1.000 tỷ đồng và vốn đăng ký của chi nhánh tối thiểu là 15 triệu USD. Sau 2010, ngân hàng phải có vốn tối thiểu 3.000 tỷ đồng. Nếu mức lệ phí được thông qua, các ngân hàng sẽ phải nộp ít nhất 10-30 tỷ đồng để có được giấy phép thành lập.
Mức phí 1% được ban soạn thảo đưa ra từ dự thảo lần thứ 4, tức đầu năm ngoái, khi phong trào thành lập ngân hàng còn nóng bỏng, nhằm hạn chế việc chạy đua tham gia kinh doanh ngân hàng. Tuy nhiên, nhiều khả năng mức phí này sẽ phải giảm xuống, do nhiều ý kiến cho rằng nó quá cao, đặc biệt là khi quy định vốn điều lệ của ngân hàng tối thiểu là 3.000 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, Dự thảo sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng sẽ được trình Chính phủ vào tháng sau, trước khi Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 10 năm nay và thông qua vào kỳ họp đầu năm sau. Ban soạn thảo dự kiến sẽ tiếp tục cập nhật thông tin từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới.
DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress