Theo ông Phạm Linh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Quốc tế Việt Nam, năm 2011-năm bản lề thực hiện chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 5 năm tới, do vậy sẽ là cơ hội cho một số ngành thêm hấp dẫn hơn trên thị trường chứng khoán.
Ông Phạm Linh dự báo, từ tháng 1/2011 đến tháng 4/2011 Vn-Index sẽ đạt khoảng 542 điểm. Cuối quý II và quý III thị trường chứng khoán sẽ khả quan hơn. Nhiều khản năng Vn-Index sẽ đạt mốc 650 điểm. Các cổ phiếu có chỉ số P/E ở mức 5/7, nếu các nhà đầu tư vào sẽ có lợi nhuận tốt hơn.
* Trong năm 2011, ông có kỳ vọng một số ngành sẽ có mức tăng mạnh hoặc đột biến?
Theo tôi, ngành bất động sản luôn luôn là ngành hấp dẫn, mặc dù hiện nay vẫn có một số hạn chế về hoạt động của bất động sản. Tuy nhiên, hiện Chính phủ cũng như các cơ quan chức năng đang gỡ bỏ bớt nhưng quy định ràng buộc đối với bất động sản để giúp cho thị trường lưu thông tốt hơn và tôi nghĩ ngành bất động sản sẽ có sự đột biến trong năm 2011.
Ngoài ra ngành Dầu khí cũng là một ngành có kết quả kinh doanh tốt và tiềm lực khá mạnh. Trong năm 2011 khi nền kinh tế vĩ mô ổn định thì ngành dầu khí có sức bật khá tốt .
* Trong năm nay yếu tố vĩ mô nào còn tiếp tục ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư và thị trường chứng khoán?
Thị trường tiền tệ của Việt Nam, đầu năm sẽ vẫn còn bị trở ngại, ví dụ như lãi suất cao..., bên cạnh còn có những yếu tố khác, đặc biệt là vấn đề tỷ giá, nó liên quan tới dự trữ ngoại hối của Việt Nam. Dự báo Việt Nam sẽ vẫn phải nhập siêu trong năm 2011.
Bên cạnh đầu tư trực tiếp nước ngoài thì chúng ta không kỳ vọng tăng quá nhiều, chỉ khoảng 15%. Dự trữ ngoại hỗi không tăng quá mạnh sẽ ảnh hưởng vấn đề bình ổn tỷ giá trong năm 2011.
Đó là một trong những yếu tố không tích cực cho thị trường chứng khoán trong năm 2011, bên cạnh những yếu tố khác.
* Ông đánh giá thế nào về vai trò nhà đầu tư nước ngoài trong năm nay?
Không chỉ riêng thị trường Việt Nam mà các thị trường châu Á khác, do quy mô thị trường nhỏ, cho nên vai trò của nhà đầu tư luôn luôn quan trọng.
Chính vì vậy ,chúng ta thấy, thời gian gần đây, mặc dù thị trường vào dịp cận Tết Âm lịch nên có giai đoạn không bùng nổ về giao dịch, nhưng nhà đầu tư nước ngoài họ vẫn rất nhẫn nại và vẫn giao dịch,đưa vào những cổ phiếu đã định giá và đưa vào tầm mục tiêu mua bán.
Trong năm 2011, tôi vẫn nghĩ là nhà đầu tư nước ngoài vẫn có vai trò rất quan trọng.Vì họ luôn đánh giá thị trường Việt Nam có một thị trường tiêu dùng khá mạnh.
Trong năm 2010 chúng ta thấy kinh tế chúng ta rất khó khăn nhưng sức mua tiêu dùng lại tăng hơn 15%, đó là chứng minh thị trường Việt Nam rất là tốt . Và đồng thời Chính phủ cũng có gỡ bỏ những rào cản cho dòng tiền đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam cả trực tiếp và gián tiếp .
* Ông có cho rằng sẽ có một dòng vốn FDI lớn sẽ đổ vào VN trong năm 2011?
Tôi nghĩ là sẽ không có đột biến quá nhiều. Ví dụ trong năm 2010, số lượng tiền đổ vào Việt Nam khoảng hơn 10,6 tỷ USD theo kênh đầu tư, thì trong năm 2011 tôi nghĩ sẽ chỉ gia tăng khoảng 20% thôi , bởi những thị trường khu vực châu Á, quanh Việt Nam có mức độ hấp dẫn không kém gì so với nước ta. Đó là lý do sẽ có sự tăng trưởng, nhưng bùng nổ thì tôi không dám kỳ vọng.
* Tỷ giá, lạm phát...vẫn còn bất ổn trong năm 2011, vậy đâu là cơ hội đầu tư trong năm 2011 trên thị trường chứng khoán, thưa ông?.
Cơ hội đầu tư ở đây chính là các chỉ số cổ phiếu đa số rất là thấp. Xét về chỉ số như Vn- Index thì chúng ta thấy, tăng trong những ngày của tháng cuối năm, tuy nhiên 80% cổ phiếu trên 2 sàn thì chỉ số sinh lời rất là tốt .
Chúng ta nên đầu tư vào doanh nghiệp đã hình thành cách đây 10 năm, hơn 10 năm và có đội ngũ kinh doanh rất thiện chiến , với tỷ suất lợi nhuận P/E là 5, có nghĩa là một năm chúng ta có thể thu từ 20% trên đồng vốn bỏ ra. Khi nhà đầu mua những cổ phiếu đó có thể hoàn toàn tự tin, chờ đợi cơ hội khi thị trường có sức bật hơn. Không những vậy, nhà đầu tư vừa được hưởng lợi nhuận, lại được hưởng cổ tức. Bên cạnh đó còn được hưởng thêm phần lợi nhuận tăng về giá.
Xin cảm ơn ông!
DiaOcOnline.vn - Theo Diễn Đàn Kinh Tế Việt Nam