Trước đây khi phân tích chiến lược đầu tư vào cổ phiếu của ngành bất động sản (BĐS), đa phần các ý kiến đều cho rằng cổ phiếu BĐS thích hợp hơn cho đầu tư dài hạn. Tuy nhiên, gần đây một số quan điểm đầu tư mới đã xuất hiện đối với nhóm cổ phiếu này khi nhiều nhà đầu tư (NĐT) đã và đang lướt sóng với cổ phiếu BĐS.
Nếu như trong các đợt tăng giá từ tháng 3, 4 và tháng 5/2009, các sóng tăng giá thường bắt đầu xuất hiện từ cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán. Tuy nhiên, kể từ đầu tháng 6 trở lại đây, dường như quy luật này đã bị phá bỏ khi các cổ phiếu BĐS lại có sóng cùng hoặc lớn hơn các cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán.
Những con số về tỷ lệ tăng giá của các cổ phiếu thuộc ngành BĐS so với cổ phiếu ngành tài chính trong vòng 1 tuần qua đã phần nào cho thấy rõ hơn về xu hướng mới đang bắt đầu diễn ra đối với cổ phiếu BĐS.
Lý giải cho hiện tượng này, giới chuyên môn và các NĐT đều cho rằng sở dĩ có sự thay đổi như vậy là do việc thị trường BĐS đang ấm dần lên cũng như kết quả kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.
Theo chuyên viên phân tích Nguyễn Quang Đông, Công ty Chứng khoán EuroCapital, cổ phiếu BĐS gần đây được NĐT quan tâm nhiều, đặc biệt là giai đoạn từ tháng 5/2009 trở lại đây. Tuy nhiên đã có sự phân hóa ngay trong nhóm này, nhóm BĐS phía Bắc như NTL hay SJS đã có biên độ dao động rất lớn bởi lợi nhuận trong BCTC của họ luôn có những đột biến. Đối với các Công ty BĐS ở phía Nam, sự tăng giảm không rõ rệt như vậy bởi doanh thu và lợi nhuận của họ mang tính ổn định.
Nếu như những thông tin hỗ trợ tích cực từ nền kinh tế và doanh nghiệp tạo nên sóng tăng giá cho các cổ phiếu BĐS trong thời gian qua thì kỳ vọng của các NĐT vào triển vọng kinh doanh của ngành này lại là cơ sở để đánh giá cơ hội đầu tư dài hạn vào cổ phiếu BĐS.
Theo Phân tích của CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), nếu đầu tư cổ phiếu BĐS về dài hạn cần phải xem xét đến nguồn tài sản là các dự án của Công ty đó. Bên cạnh đó, SHS cũng cho rằng những vẫn đề cần được quan tâm chính là tiến độ thực hiện dự án, điều này giúp NĐT có cái nhìn khái quát về doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp. Ngoài ra, khi đánh giá lợi thế của doanh nghiệp, NĐT cũng cần chú ý đến quỹ đất và vị trí của dự án.
Theo chuyên viên phân tích Nguyễn Tuấn, Công ty Chứng khoán FPT, trước tiên phải nói tới sự kỳ vọng của NĐT về sự phục hồi của nền kinh tế thế giới nói chung và của nền kinh tế Việt Nam nói riêng trong nửa cuối năm 2009. “Với một xu thế chung được đánh giá là nền kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục trong nửa cuối năm, tất cả các ngành nghề trong nền kinh tế đều được hưởng lợi từ tín hiệu tốt đẹp này trong đó có BĐS.”
Tuy nhiên, theo chuyên viên phân tích Nguyễn Quang Đông, NĐT nên thận trọng xem xét giá trị của doanh nghiệp để xem mức giá thị trường của cổ phiếu đã vượt mức giá trị doanh nghiệp hay chưa trước khi quyết định mua vào. Sự thận trọng này sẽ giảm được nguy cơ rủi ro đối với NĐT khi tham gia mua vào đối với cổ phiếu BĐS.
Hiện tại, EPS bình quân của cổ phiếu ngành BĐS là 4.423 đồng/cp; ROE là 19,5%, 2 chỉ số này được đánh giá là cao so với các ngành khác. Cùng với đó, P/E bình quân của ngành là 14,5 lần, một mức khá hấp dẫn nếu so với P/E của thị trường vào khoảng 15,6.
Về ngắn hạn, việc thị trường BĐS đang ấm lên, Chính phủ đang đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ bản để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đây là những thuận lợi và là cơ hội để các doanh nghiệp BĐS đẩy mạnh hoạt động. Các chuyên gia khuyến nghị, đối với cổ phiếu ngành này, NĐT nên ưu tiên đầu tư vào các doanh nghiệp có quy mô vừa bởi các doanh nghiệp này có mức sinh lời cao hơn so với các doanh nghiệp quy mô lớn, ví dụ như NTL, RCL, TDH, ngoài ra, nên chú ý tới các doanh nghiệp có chi phí thấp, có năng lực cạnh tranh cao. NĐT cũng nên cẩn trọng với các doanh nghiệp có tỷ trọng nợ lớn và lượng tiền mặt thấp.
DiaOcOnline.vn - Theo InfoTV