Top

Đà khởi sắc của thị trường chứng khoán và BĐS "bị vấp" nếu siết tín dụng

Cập nhật 19/08/2009 13:30

TS. Đinh Thế Hiển: Mặc dù NHNN hạn chế cho vay lĩnh vực BĐS, nhưng nguồn cho vay BĐS sẽ không bị thu hẹp nhiều.

Việc thắt chặt tín dụng của các ngân hàng thương mại (NHTM) sẽ không làm cho thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán (TTCK) quá ảm đạm mà chỉ làm cho các thị trường này khó khởi sắc mạnh mẽ.

Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, chuyên gia nghiên cứu về tài chính, đầu tư - Giám đốc Viện nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng cho biết.

Theo TS. Hiển, việc NHNN yêu cầu tăng trưởng tín dụng toàn ngành khoảng 25 – 27% trong năm 2009 và đề nghị các ngân hàng tập trung cho vay đối với các dự án sản xuất, hạn chế các khoản tín dụng cho lĩnh vực phi sản xuất gần đây cho thấy động thái NHNN sẽ kiểm soát chặt việc tăng trưởng tín dụng.

Hiện nay, tăng trưởng tín dụng toàn ngành đã đạt khoảng 17%, như vậy đã đi được hơn nửa chặng đường. Những lo ngại về việc tái lạm phạm trong nửa cuối của năm vẫn còn phải đề cập tới. Vì vậy, NHNN buộc phải có chính sách điều hành tiền tệ linh hoạt mà phải thận trọng.

Trong đó, những lĩnh vực cho vay hàm chứa nhiều yếu tố rủi ro như tín dụng tiêu dùng, bất động sản hay chứng khoán sẽ bị thu hẹp lại.

* Theo ông, việc hạn chế tín dụng cho vay lĩnh vực phi sản xuất như tiêu dùng, BĐS hay CK của các ngân hàng sẽ tác động thế nào đến các thị trường này?

- Khi nguồn tín dụng cho lĩnh vực phi sản xuất bị hạn chế, thì BĐS là lĩnh vực đầu tiên bị chịu tác động mạnh. Bởi lẽ, nguồn vốn đầu tư BĐS thường là khá lớn, do đó, phụ thuộc nhiều vào nguồn tín dụng của ngân hàng.

Thực chất nói là hạn chế cho vay BĐS, tuy nhiên hiện nay nguồn cho vay BĐS lại chính là nguồn mà các ngân hàng cảm thấy an toàn nhất bởi vì những dự án căn hộ vị trí tốt thì giá bây giờ cũng không còn cao nữa nên nguồn tín dụng cho vay lĩnh vực này không gặp do vậy rủi ro.

Vả lại, tài sản thế chấp khá vững chắc, thường khoảng 30% giá trị căn hộ trở lên, tùy theo mức độ, do vậy tính an toàn của các khoản vay BĐS là khá lớn. Tất nhiên, chỉ trừ khi thị trường tạo “bong bóng” như hồi cuối năm 2007 (tăng gấp 2 - 3 lần) thì lúc đó mới có thể nguy hiểm.
 

Với động thái này của NHNN thì khó kỳ vọng TTCK có thể tăng mạnh được (Ảnh: M. Yến)

Vì vậy, khi tín dụng cho BĐS bị siết lại thì cũng không ảnh hưởng gì nhiều lắm. Nhất là khi mà hiện nay, thị trường BĐS còn đang “lình xình”.
 

Số liệu Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến hết tháng 6/2009, dư nợ cho vay tiêu dùng đạt 85.000 tỷ đồng, tăng 11,6% so với thời điểm cuối năm 2008.

Các NHTM cũng đã siết chặt tín dụng cho vay tiêu dùng, nhất là với cho vay cầm cố và BĐS...

Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cho biết: Dư nợ cho vay tiêu dùng tại Eximbank chỉ tăng trưởng ở mức tương đối thấp, chiếm 6% tổng mức tăng trưởng tín dụng và Ngân hàng chưa triển khai cho vay tín chấp như một số ngân hàng khác.

Ngân hàng Đông Á cũng cho biết: Tỷ lệ dư nợ tín dụng cá nhân của ngân hàng này hiện chỉ chiếm khoảng 15 - 20% trên tổng dư nợ của Ngân hàng.

Còn tại Ngân hàng Quốc tế (VIB) TP.HCM dù việc cho vay mua nhà, đất, căn hộ trả góp, các sản phẩm đưa ra không có nhiều thay đổi so với trước, song Ngân hàng chủ yếu nhắm đến khách hàng có thu nhập ổn định và khả năng trả nợ cao.

Còn về TTCK thì đây quả thật vẫn là 1 ẩn số. Đúng là phụ thuộc vào tín dụng 1 phần, song đầu tư chứng khoán “lướt sóng” thì lại không như vậy.

Giai đoạn này, các nhà đầu tư trên sàn chủ yếu là đầu tư theo kiểu “lướt sóng” vì vậy, đồng tiền sẽ quay vòng theo kiểu mua đi - bán lại. Do đó, lượng tiền có trong thị trường chủ yếu là tiền vốn của các nhà đầu tư nên việc có siết tín dụng cho vay đối với lĩnh vực này hay không, không ảnh hưởng mạnh đến dòng tiền. Trừ khi có sự IPO của một số đơn vị lớn, khi ấy cần 1 lượng tiền lớn đổ vào thì chúng ta mới sợ.

Hiện tại, theo động tác quan sát được thì từ nay đến quý III/2009 chưa thấy đơn vị nào IPO lớn để mà hút vào 1 lượng tiền lớn.

* Quan điểm của ông về triển vọng của TTCK và BĐS từ nay đến cuối năm thế nào?

- Với TTCK, trước đây tôi dự đoán Vn - Index sẽ xuống đến 400 điểm rồi mới bật đi lên. Tuy nhiên, Vn – Index chỉ xuống đến 420 điểm rồi tăng trở lại. Chỉ trong vòng tháng 8, chỉ số này đã tăng khá mạnh, gần 80 điểm.

Theo tôi, không thể hi vọng đà tăng trưởng của thị trường tiếp tục kéo dài đến hết năm mà sẽ có 1 khoảng giảm và đi ngang thêm 1 thời gian nữa, khoảng này theo dự đoán của tôi không rơi vào tháng 9 thì cũng tháng 10. Cuối năm 2009, Vn – Index sẽ đạt mức 500 điểm là hợp lý.

Tuy nhiên, với động thái này của NHNN thì khó kỳ vọng TTCK có thể tăng mạnh được. Tất nhiên, dù không ảnh hưởng nghiêm trọng song việc siết tín dụng của NHNN sẽ khiến cho thị trường BĐS đang trong giai đoạn “lình xình” sẽ càng khó có cơ hội để mà khởi sắc.

* Có một thực tế là khi mà các ngân hàng nội đang thực hiện siết lại tín dụng phi sản xuất thì các ngân hàng ngoại lại đang bung ra, ông nghĩ sao về nghịch lý này?

- Phải nhìn nhận là NHNN chỉ siết cho vay tiêu dùng cá nhân ở dạng “không bình thường” do nhìn thấy có hiện tượng dòng vốn cho vay tiêu dùng không đi đúng mục đích tạo ra nhu cầu tiêu xài mà chảy sang lĩnh vực nhiều rủi ro như chứng khoán, BĐS.

Điều này nếu xảy ra sẽ tạo thành rủi ro cho hệ thống tín dụng mà không tạo ra động lực tiêu xài để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh tạo ra việc làm. Do vậy, NHNN có động thái kiểm soát là hoàn toàn hợp lý và nên làm.

Tuy nhiên, phải hiểu là ngân hàng kiểm soát các khoản vay tiêu dùng cá nhân lại mà không tác động đến gia tăng nhu cầu tiêu xài để đẩy mạnh sản xuất tạo ra công ăn việc làm. Còn nếu chúng ta chỉ thuần túy đưa nguồn tín dụng vào sản xuất để tạo ra hàng hóa mà không có nguồn tín dụng tạo động lực tiêu dùng thì khả năng hấp thụ vốn, hiệu quả của nguồn vốn cho vay kích thích sản xuất sẽ không thể đạt được như mong muốn vì hàng hóa làm ra sẽ bị đình trệ không tiêu thụ hết.

Theo tôi, việc hạn chế tín dụng vào kênh BĐS và CK làm cho không có mối tương thích giữa sản xuất và tiêu dùng tạo ra việc và tạo ra việc làm điều mà đang cần cho giai đoạn này.

Còn đối với ngân hàng nước ngoài, đối với khoản vay nào mà họ nhận thấy có thể kiểm soát được đặc biệt họ có được mức lợi nhuận tốt thì họ làm thôi. Rõ ràng, việc cho vay doanh nghiệp và cho vay tiêu dùng cá nhân nếu mà kiểm soát được rủi ro thì đây là giai đoạn tốt để cho phát triển dịch vụ này và có lợi cho ngân hàng hơn là cho vay sản xuất. Điều đó dễ hiểu vì hiện nay huy động tiền gửi VND tại các ngân hàng hiện nay trên 9% thậm chí có nơi huy động trên 10% trong khi trần lãi suất là 10,5%.

Rõ là việc các ngân hàng chuyển mạch cho vay doanh nghiệp mà đầu vào sản xuất không giảm thì ngân hàng không thu được hiệu quả kinh tế. Trong khi đó, cho vay tiêu dùng cá nhân thì lãi suất có thể đưa lên 15% thậm chí còn hơn. Điều này sẽ giải quyết tốt đầu ra – đầu vào của nguồn vốn.

Sở dĩ các ngân hàng nước ngoài họ bung được dịch vụ cho vay tiêu dùng tại thời điểm này vì họ chủ động được vốn, thêm vào đó họ có dịch vụ tốt về quản trị rủi ro khách hàng nên họ vẫn ưa thích kênh cho vay tiêu dùng cá nhân.

* Xin cảm ơn ông!

Siết tín dụng phi sản xuất: BĐS sẽ gặp khó hơn CK

Theo chuyên gia kinh tế cao cấp Bùi Kiến Thành: Việc thắt chặt tín dụng cho vay phi sản xuất sẽ tạo ra nhiều áp lực đối với TTCK và BĐS.

Thời gian vừa qua, việc các ngân hàng “bung” mảng tín dụng cho vay tiêu dùng thì đã có 1 số tín dụng cho vay tiêu dùng không đi đúng mục đích tạo động lực tiêu xài mà chảy vào CK, BĐS. Ngoài ra, một phần vốn cho vay bù lãi suất cho DN cũng đã chảy vào các lĩnh vực này.

Với việc thắt chặt tín dụng và việc đến hạn trả nợ khoản vay bù lãi suất vào tháng 10, tháng 11 tới thì TTCK lúc đó sẽ gặp khó.

Còn theo TS. Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội thì việc thắt chặt tín dụng cho vay lĩnh vực phi sản xuất sẽ tác động nhiều đến thị trường BĐS hơn là TTCK.

Lý do là, TTCK tăng trưởng phụ thuộc vào dòng vốn của các quỹ và việc IPO của các DN lớn, các chính sách thuế của nhà nước còn việc thắt chặt tín dụng cho vay chỉ có thể tác động nhỏ. Tuy nhiên, ảnh hưởng tâm lý từ chính sách này trong ngắn hạn là không tránh khỏi, nó ít nhiều làm cho các NĐT “chùn tay” hơn trong các quyết định đầu tư của mình.

Giá của các cổ phiếu trên thị trường hiện nay đang được đánh giá là khá hợp lý, nhiều cổ phiếu còn đang giao dịch với mức P/E rẻ hơn rất nhiều so với thời điểm cuối năm 2007. Do vậy, về trung hạn và dài hạn thì một khi TTCK ở mức giá hấp dẫn, nó hoàn toàn có thể khởi sắc nhờ “hút” được luồng tiền từ các thị trường khách như vàng, tiết kiệm…chứ không chỉ là trông chờ vào nguồn tín dụng từ ngân hàng.

Còn về thị trường BĐS, với việc thắt chặt tín dụng thị trường sẽ khó khăn hơn, nhất là trong bối cảnh vừa ấm lên. Thị trường BĐS được ví như người bị bệnh, mới chỉ vừa khỏe lên sau 1 cơn bạo bệnh, cần được tẩm bổ để trở lại sức lực ban đầu. Việc siết chặt tín dụng vào lĩnh vực này sẽ làm cho thị trường khó khỏe ngay trở lại được. Vì thế, kể cả đất nền lẫn căn hộ, sẽ khó tiếp tục tăng giá hay sôi động như những tháng đầu năm...
 

 

DiaOcOnline.vn - Theo VTC News