Hành động cấp vốn mạnh mẽ cho các dự án khả thi, kể cả bất động sản, của BIDV chỉ là một ví dụ trong xu thế chung là các ngân hàng đang quay trở lại với thị trường bất động sản.
BIDV đã rót vốn cho một số chủ dự án bất động sản và gần đây nhất là khoản tín dụng 5.650 tỷ đồng cho Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), trong đó vốn ngắn hạn 650 tỷ đồng, trung - dài hạn 5.000 tỷ đồng. Nguồn vốn này sẽ được HAGL đầu tư cho các dự án bất động sản, cao su, khoáng sản, thủy điện và các dự án khả thi khác khi Tập đoàn có nhu cầu trong giai đoạn 2009 - 2011.
Hành động cấp vốn mạnh mẽ cho các dự án khả thi, kể cả bất động sản, của BIDV chỉ là một ví dụ trong xu thế chung là các ngân hàng đang quay trở lại với thị trường bất động sản.
Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV cho biết, Ngân hàng đã có đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thành lập Quỹ kích cầu đầu tư và tiêu dùng, cũng như gói vốn xúc tiến, thúc đẩy xuất khẩu. BIDV đề xuất tham gia 16.000 tỷ đồng vào Quỹ kích cầu đầu tư và tiêu dùng; 15.000 tỷ đồng cho gói vốn thúc đẩy xuất khẩu.
Riêng đề án gói giải pháp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội giai đoạn 2009 - 2010 có nguồn vốn 35.000 tỷ đồng (bao gồm nguồn vốn đầu tư ở xã hội 15.000 tỷ đồng; vốn kích cầu nhà ở cho người có thu nhập trung bình và thấp 20.000 tỷ đồng). Trong đó, vốn tham gia của BIDV là 2.000 tỷ đồng, được tập trung thực hiện trong giai đoạn 2009 - 2010.
Mục tiêu chính của gói vốn trên là hướng đến những người thu nhập trung bình và thấp có nhu cầu về nhà ở như: cán bộ, công chức, viên chức hoặc công nhân tại các khu công nghiệp, nhằm góp phần tăng nguồn cung về nhà ở để bình ổn thị trường bất động sản.
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cho biết, ngoài 2.000 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân vay tiền mua nhà trả góp, ACB cũng xem xét những dự án có hiệu quả cao, đầu ra tốt. Tính đến nay, ACB đã giải ngân được phân nửa số vốn trên cho những người thu nhập thấp có nhu cầu về nhà ở thực sự. Lãi suất cho khách hàng vay vốn mua nhà trả góp được ACB giảm dần theo diễn biến lãi suất cơ bản.
Bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc kinh doanh Khối khách hàng doanh nghiệp Tienphong Bank cho biết, dư nợ tín dụng doanh nghiệp của Ngân hàng hiện đạt khoảng 500 tỷ đồng. Với các dự án bất động sản tiềm năng, Ngân hàng vẫn cho vay, nhất là dự án bất động sản dành cho người có thu nhập thấp, nhưng ổn định. Kế hoạch trong năm 2009, Tienphong Bank dành 2.500 tỷ đồng để giải ngân cho khách hàng doanh nghiệp, trong đó có cả chủ dự án đầu tư bất động sản.
Việc nhiều ngân hàng bắt đầu tái đẩy mạnh cho vay lĩnh vực bất động sản được nhận định là do tăng trưởng tín dụng chưa được cải thiện. Mặt khác, do trong năm 2008 đã hạn chế cho vay, nhất là với lĩnh vực đầu tư bất động sản. Kết thúc năm 2008, tăng trưởng dư nợ nền kinh tế trong toàn hệ thống Agribank đạt 17,5%, cao hơn 8,5% so với kế hoạch đề ra; tăng trưởng nguồn vốn đạt 23%, cao hơn 11% so với chỉ tiêu đầu năm; tỷ lệ dư nợ trung và dài hạn đạt trên 38%; nợ xấu 2,7%.
Nhưng theo đại diện một chi nhánh của Agribank, hiện triển khai tín dụng không còn dễ dàng như đầu năm 2008 hoặc một năm trước đó, bởi nhiều doanh nghiệp vẫn co hẹp hoạt động, vì đầu ra còn hạn chế, dù lãi suất cho vay đã được giảm xuống mức khá thấp. Về cơ bản, các ngân hàng đã rộng cửa cho vay, song tăng trưởng tín dụng rất chậm.
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, số dư tiền gửi của khách hàng tại các ngân hàng trong tháng 12/2008 ước tăng 3,41% so với tháng trước đó, trong đó số dư tiền gửi VND ước tăng 2,64%, số dư tiền gửi ngoại tệ ước tăng 5,86%; nhưng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tháng 12/2008 ước chỉ tăng 1,09%, trong đó dư nợ bằng VND ước tăng 0,96%, dư nợ bằng ngoại tệ ước tăng 1,60%.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư Chứng Khoán