Mặc dù nhiều ngân hàng đã giải ngân trở lại vào lĩnh vực nhà đất, nhưng chỉ cho vay đối với những người có nhu cầu về nhà ở thực sự. Các khoản vốn vay được kiểm soát chặt điều kiện đầu ra, cộng với áp lực lãi suất còn khá cao khiến dòng tiền đổ vào bất động sản (BĐS) tiêu dùng vẫn khó được khơi thông.
Sau một thời gian tạm ngưng, hiện ABBank tái cho vay mua, sửa chữa và nâng cấp nhà trong thời gian 10 năm, với hạn mức tối đa 70% tổng nhu cầu vốn, nhưng không vượt quá 70% giá trị tài sản đảm bảo.
VietA Bank cũng cho khách hàng vay tiền mua nhà trả góp đối với dự án khả thi và hiệu quả cao. Đối với ACB, ngân khoản dành cho tín dụng BĐS tiêu dùng không còn giới hạn, nhưng theo ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc ACB, cho vay ra trong lúc này điều kiện tín dụng vẫn được kiểm soát chặt để hạn chế tối đa rủi ro. Trong gần 3 tháng qua, ACB đã giải ngân khoảng 1.500 tỷ đồng vào lĩnh vực BĐS tiêu dùng. Ông Hải cho biết, nhu cầu về nhà ở của khách hàng vẫn rất lớn.
DongA Bank kết hợp với chủ đầu tư tài trợ khách hàng mua nhà tại dự án RichLand Hill, Quận 9, TP. HCM, lãi suất được điều chỉnh theo diễn biến của lãi suất cơ bản, khách hàng được vay 50% giá trị căn nhà trong 15 năm. Ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank cho hay, bên cạnh cho vay mua, sửa chữa nhà theo hình thức trả góp, Ngân hàng không ngưng hẳn đối với việc "rót" vốn cho các chủ đầu tư dự án BĐS. Điều quan trọng là tính khả thi cũng như hiệu quả của dự án đó như thế nào, đồng thời luôn có sự kiểm soát chặt rủi ro.
Eximbank, Sacombank, Techcombank… cũng đang triển khai mạnh tín dụng BĐS, nhưng nguồn vốn chủ yếu được rót cho khách hàng có nhu cầu về nhà ở thực sự và BĐS cầm cố ở những địa điểm có thanh khoản tương đối tốt. Ông Trần Xuân Huy, Tổng giám đốc Sacombank cho biết, khách hàng có nhu cầu về nhà ở thực sự và khả năng trả nợ cao, Ngân hàng sẵn sàng đáp ứng nhu cầu vốn vay. Tuy nhiên, theo ông Huy, trong lúc này khách hàng cá nhân còn ngại tiếp cận nhà băng, do lãi suất đầu ra vẫn ở mức 15%/năm.
Đại diện một ngân hàng cổ phần cho biết, đến thời điểm này, khi thanh khoản được cải thiện và vốn khả dụng dư thừa thì không lý do gì ngân hàng đóng cửa cho vay. Tuy nhiên, với tín dụng BĐS tiêu dùng, lãi suất vẫn áp ở mức trần nên khó thu hút được người vay vốn, cho dù họ đang có nhu cầu về nhà ở thực sự.
Ông Phạm Văn Hải, Tổng giám đốc, kiêm ủy viên HĐQT Công ty cổ phần Địa ốc ACB (ACBR) cho biết, giao dịch nhà đất trong tháng 11 vừa qua có phần tăng so với tháng trước đó. Cụ thể, trong tháng 11, Sàn giao dịch BĐS ACBR đã giao dịch thành công khoảng 25 sản phẩm về nhà ở, tăng 15 sản phẩm đã bán so với tháng 10. Tuy nhiên, theo ông Hải, các sản phẩm giao dịch thành công trong tháng vừa qua tại Sàn giao dịch BĐS ACBR chủ yếu là nhà ở trong khu vực nội thành. Người mua chỉ sử dụng vốn tự có và rất ngại vay tiền ngân hàng, do áp lực lãi suất vẫn là rào cản.
Vì vậy, theo ông Hải, sản phẩm nhà ở giao dịch thành công giá trị chỉ ở mức bình quân 1 - 3 tỷ đồng. Đặc biệt, với căn nhà có giá trị dưới 1 tỷ đồng rất đắt hàng. Còn căn hộ chung cư hiện đang vướng về thủ tục, nên giao dịch khó thành công hơn. Chủ đầu tư mất khả năng hoàn thành các dự án đang dang dở, vì ngân hàng siết chặt vốn vay và một phần vốn bị "chôn" vào đất nền dự án nên cung về căn hộ chưa đáp ứng được cầu, giá vẫn cao. Riêng với đất nền dự án, ông Hải cho rằng, xu hướng sẽ còn điều chỉnh vì trong năm 2007, giá đất nền đã tăng quá cao, lên đến 300%.
Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tính đến tháng 10/2008, tổng dư nợ cho vay vào lĩnh vực BĐS của hệ thống ngân hàng đạt 115.000 tỷ đồng, con số này chưa đáng lo vì khoản vốn cho vay vẫn trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, trước thực trạng giá nhà đất tiếp tục giảm, trong khi nhiều ngân hàng đã mạnh tay cho vay vào lĩnh vực BĐS năm 2007, nhiều người lo ngại nguy cơ nợ xấu sẽ gia tăng. Do đó, NHNN đã yêu cầu tổ chức tín dụng tiếp tục báo cáo về các khoản vay BĐS trước ngày 21/11 vừa qua. Hiện tỷ lệ dư nợ cho vay BĐS đã được nhiều ngân hàng điều chỉnh giảm dần, đồng thời tăng tốc thu hồi nợ đối với những hợp đồng đến hạn.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư Chứng Khoán