Các doanh nghiệp BĐS đang phải đối mặt với áp lực trả nợ vay hàng ngày, trong khi tính hiệu quả của các giải pháp cứu trợ thì lại có độ trễ nhất định. Ai sẽ là người cuối cùng có thể tồn tại sau khi khủng hoảng qua đi vẫn là câu hỏi khó có lời giải trong tình hình hiện nay.
Động thái cơ cấu hoạt động của CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG) và những vụ lùm xùm của CTCP Quốc Cường Gia Lai (HOSE: QCG) đã làm dấy lên nhiều câu hỏi về những khó khăn của các công ty bất động sản (BĐS) trong thời gian sắp tới.
Theo thông tin mới đây thì Công ty Đầu tư Phát triển Nhà Quốc Cường, chủ đầu tư chung cư Quốc Cường Gia Lai, đã phải ra hầu tòa và bị xử sơ thẩm thua kiện vì chậm giao nhà cho khách hàng. Đây là lần đầu tiên khách hàng thắng kiện chủ đầu tư dự án và đã tạo nên một hiệu ứng lớn khi nhiều người đang tiếp tục theo kiện chủ đầu tư này.
Bên cạnh đó, công ty này còn phải đối mặt với hàng chục vụ kiện tụng khác như không trả lãi phạt theo như hợp đồng đã ký kết, thi công nội thất không đúng như các điều khoản trong hợp đồng, thu sai phần thuế giá trị gia tăng VAT.
Thực tế cho thấy không phải chỉ riêng Quốc Cường Gia Lai mà rất nhiều các doanh nghiệp khác cũng đang có những dự án chậm tiến độ. Do đó, sẽ không quá bất ngờ khi danh sách các công ty BĐS bị khiếu kiện gia tăng. Trong bối cảnh dòng vốn ngân hàng vẫn đang khó tiếp cận dù lãi suất đã giảm thì việc các doanh nghiệp BĐS chịu áp lực từ phía khách hàng sẽ khiến tình hình càng trở nên bi đát.
Hoạt động tái cơ cấu của HAG cũng gây được nhiều sự chú ý. Theo đó, HĐQT của công ty này vừa công bố về việc tái cấu trúc ngành thủy điện và BĐS để thu hồi tiền mặt dự trữ để tìm kiếm cơ hội đầu tư khác và giảm nợ vay trên báo cáo tài chính.
HAG dự kiến sẽ bán các dự án thủy điện đã đi vào hoạt động và các dự án đang trong giai đoạn đầu tư. Đồng thời chủ trương tái cấu trúc các đơn vị thuộc ngành BĐS bằng hình thức bán sỉ các căn hộ, các dự án hoặc bán cổ phiếu các công ty con đang sở hữu dự án.
Việc HAG phải bán đi phần tài sản được xem là giải pháp để tự cứu lấy mình và đồng thời cũng đặt ra câu hỏi là khi nào thì những giải pháp giúp vực dậy thị trường BĐS mới phát huy tác dụng?
Gói tín dụng 30,000 tỷ đồng từ NHNN được hy vọng là cứu cánh cho thị trường BĐS hiện nay. Tuy nhiên, mặc dù gói tín dụng này đã được thông qua cách đây hơn 1 tháng nhưng số doanh nghiệp và người dân nhận được hỗ trợ này vẫn tính trên đầu ngón tay.
Thêm vào đó, các giải pháp kích cầu như giảm lãi suất, thực hiện chính sách tiền tệ nới rộng, mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài được mua BĐS trong nước… rõ ràng vẫn chưa có sức lan tỏa nhiều.
Các doanh nghiệp BĐS đang phải đối mặt với áp lực trả nợ vay hàng ngày, trong khi tính hiệu quả của các giải pháp cứu trợ thì lại có độ trễ nhất định. Ai sẽ là người cuối cùng có thể tồn tại sau khi khủng hoảng qua đi vẫn là câu hỏi khó có lời giải trong tình hình hiện nay.