Top

Việt kiều mua nhà có lũng đoạn thị trường?

Cập nhật 20/03/2008 10:00

Theo bà Đỗ Thị Loan, Tổng thư ký Hiệp hội BĐS TP.HCM, thực tế số Việt kiều giàu có đủ sức mua nhiều nhà trong nước không nhiều, vì vậy, nói cho Việt kiều mua nhà sẽ lũng đoạn thị trường là một quan niệm lỗi thời, không phù hợp với chính sách của Đảng, Nhà nước.

Bộ Xây dựng vừa trình lên Thủ tướng Chính phủ bản dự thảo Nghị định 90/2006/NĐ-CP sửa đổi. Trong bản dự thảo này có nêu một quy định rất mới “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam được quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam như người trong nước”.

Động lực "kích thích" thị trường

Theo TS Trần Minh Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty BĐS Vinaland, tiếp theo, các chính sách nới lỏng xuất nhập cảnh, chính sách về nhà ở mới cho Việt kiều sẽ là động lực khuyến khích bà con kiều bào về quê hương ổn định làm ăn sinh sống, đóng góp cho sự phồn vinh chung của đất nước, của dân tộc. Về kinh tế, sức mua của thị trường nhà ở nói riêng và BĐS nói chung sẽ tăng đáng kể, thúc đẩy thị trường này phát triển làm đầu tàu kinh tế để các ngành kinh tế khác như công nghiệp xây dựng, xi măng, sắt thép, dịch vụ, tài chính... cùng phát triển theo.

TS Hoàng cho rằng, không nên phân biệt kiều bào với người trong nước, Nhà nước cũng đang làm hết sức mình để xoá bỏ hố ngăn cách này. Về phương diện nào đó, kiều bào còn phải chịu nhiều thiệt thòi hơn người trong nước vì phải sống xa quê hương.

Còn về chỗ ở, theo TS, bất kỳ kiều bào nào có nhu cầu mua nhà cũng có những người thân, ruột thịt tại VN, nhiều người trong số họ có khó khăn về nhà ở, và khi kiều bào được mua nhà thì cũng gián tiếp tạo cơ hội cho những người thân của họ ở VN có nhà ở. Ở góc độ thuần tuý kinh tế, khi một người có đủ khả năng mua nhà ở sẽ tạo ra cú hích để thị trường sản sinh ra thêm 3 căn nhà khác, và như vậy những người khác sẽ càng có cơ hội nhiều hơn để mua nhà...

TS Hoàng đưa ra một ví dụ cụ thể: Nếu tôi là một chủ đầu tư một dự án BĐS được bán hết và thu tiền về, tôi sẽ dùng tiền đó và cố gắng huy động thêm tiền phát triển dự án khác lớn hơn nhiều lần dự án cũ để đáp ứng nhu cầu thị trường. Do đó không có gì phải sợ khi người này mua nhà thì người khác mất nhà, cơ chế của kinh tế thị trường bảo đảm cho việc, khi một người mua nhà thì cơ hội mua nhà của người khác được tăng lên đáng kể chứ không bị mất đi.

Vấn đề chính yếu nằm ở chỗ phải tạo được một môi trường lành mạnh, một thị trường năng động để tiền mua nhà của một người được nhanh chóng tái đầu tư quay vòng tạo thêm nhiều nhà ở mới cho những người khác.

Đồng tình với ý kiến của TS Hoàng, bà Đỗ Thị Loan, Tổng thư ký Hiệp hội BĐS TP.HCM nêu lên kinh nghiệm khuyến khích ngoại kiều và người nước ngòai mua nhà của một số nước như Singapore, Úc hay Malaysia. Đặc biệt là Malaysia có chương trình “Ngôi nhà thứ hai của tôi” nhằm vào các khách hàng giàu có là người Nhật, Hàn Quốc và Nga... đem lại rất nhiều lợi nhuận cho quốc gia.

Cần cải cách hành chính mạnh

Nhiều người lo ngại, Việt kiều được tự do mua nhà thì nhu cầu về nhà ở sẽ tăng, kéo theo giá nhà đất tăng chóng mặt so với hiện nay, nhà ở sẽ ngày càng vượt xa tầm với của người trong nước? TS.Trần Minh Hoàng cho rằng, với một cơ chế thị trường tốt thì một sản phẩm được bán đi sẽ tạo điều kiện để nhiều hơn một sản phẩm mới được tạo ra và như thế về lâu dài giá sẽ được hạ xuống. Quy luật này đúng với mọi loại hàng hoá từ lon coca, đến quần áo, xe hơi và nhà cửa.

Hiện nay, khi sức mua của thị trường yếu, doanh nghiệp phải lấy giá bán cao để đạt mục tiêu lợi nhuận và bù đắp chi phí. Khi sức mua được cải thiện, doanh nghiệp có thể lấy số lượng bán ra để đạt các mục tiêu này. Ngoài ra, sức mua tăng sẽ kéo theo nhiều doanh nghiệp mới tham gia vào thị trường, kích thích cạnh tranh hạ giá thành sản phẩm.

Còn theo bà Loan, thực tế số Việt kiều giàu có đủ sức mua nhiều nhà trong nước không nhiều, vì vậy, nói cho Việt kiều mua nhà sẽ lũng đoạn thị trường là một quan niệm lỗi thời, không phù hợp với chính sách của Đảng, Nhà nước.

Tuy nhiên, theo TS Hoàng để thực hiện được tốt và có hiệu quả cao về kinh tế thì Nhà nước phải tiến hành song song với cải cách hành chính đất đai, đặc biệt là các thủ tục về lập và triển khai dự án, cấp phép đầu tư xây dựng sao cho thật nhanh chóng, tránh trường hợp khi sức mua thị trường tăng cao mà nguồn cung bị tắc do vướng mắc thủ tục hành chính sẽ tạo áp lực lên giá BĐS, nhà ở trong ngắn hạn.

Điều 65, dự thảo Nghị định 90 sửa đổi:

A- Trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam (bao gồm người có quốc tịch Việt Nam và người mang hộ chiếu nước ngoài nhưng vẫn còn quốc tịch Việt Nam) thì được sở hữu nhà như người Việt Nam trong nước (không hạn chế về số lượng nhà được sở hữu).

B- Trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài là người gốc Việt Nam nếu thuộc các nhóm đối tượng quy định tại khoản 1 điều 126 của Luật nhà ở thì được sở hữu nhà ở tại Việt Nam như người Việt Nam ở trong nước.

Trong trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài là người gốc Việt Nam không thuộc các nhóm đối tượng quy định tại khoản 1 điều 126 của Luật nhà ở thì chỉ được sở hữu một nhà ở (một nhà ở hay căn hộ).


Theo VTC News