Bà Nguyệt (phải, Việt kiều Canada) đang tìm hiểu thông tin về nhà ở đối với Việt kiều trên Báo Pháp Luật TP.HCM. Ảnh: HTD |
Việt kiều có quốc tịch Việt Nam, được phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên được sở hữu nhà không hạn chế.
Từ ngày 1-9-2009, khi Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 Luật Nhà ở và Điều 121 Luật Đất đai có hiệu lực, nhiều Việt kiều sẽ có cơ hội được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Theo đó, dễ mua nhà nhất là những người có quốc tịch Việt Nam đang sống ở nước ngoài. Chỉ cần cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép họ cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì đương nhiên họ có quyền sở hữu nhà ở trong nước. Ngoài ra, luật còn bổ sung thêm hai nhóm đối tượng: người có kỹ năng đặc biệt mà Việt Nam có nhu cầu; người kết hôn với công dân Việt Nam ở trong nước.
Có được mua đất để xây nhà: Chưa rõ
So với quy định của Điều 126 Luật Nhà ở hiện hành, diện Việt kiều được mua nhà ở trong nước mở rộng theo hướng thoáng hơn trước rất nhiều (Bạn đọc có thể so sánh theo bảng). Tuy nhiên, ngày luật có hiệu lực không còn xa nhưng nhiều vấn đề vẫn phải chờ hướng dẫn.
Cụ thể, trong cuộc họp góp ý dự luật vào đầu tháng 4-2009, bà Nguyễn Thị Cẩm Vân, Trưởng phòng Kế hoạch, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, từng băn khoăn: Dự luật quy định Việt kiều có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất, có thể được hiểu là Việt kiều chỉ được mua nhà ở chứ không được mua đất. Vậy, Việt kiều có được phép mua đất dự án rồi sau đó tự xây nhà không? Bà Vân đề nghị dự luật giải thích rõ hơn vấn đề này. Tuy nhiên, sau đó luật vẫn được thông qua mà không có sự bổ sung nào. Theo một chuyên gia, thắc mắc trên có lẽ phải chờ đến khi nghị định ra đời thì mới có lời giải.
Xác định gốc Việt Nam: Chờ hướng dẫn
Một băn khoăn khác là việc xác định “người gốc Việt Nam”. Theo luật, người không có quốc tịch Việt Nam nhưng có gốc Việt Nam vẫn được mua nhà ở trong nước nếu đáp ứng được các điều kiện luật định. Luật Quốc tịch 2008 quy định “người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài là người Việt Nam, đã từng có quốc tịch Việt Nam mà khi sinh ra quốc tịch của họ được xác định theo nguyên tắc huyết thống và con, cháu của họ đang cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài”. Như vậy, trong một số trường hợp, việc xác định người gốc Việt Nam sẽ gặp khó khăn nếu họ được sinh ra ở nước ngoài, nay bố mẹ đều đã mất. Giải quyết vấn đề này ra sao cũng phải chờ nghị định hướng dẫn Luật Quốc tịch.
Cơ hội hợp thức hóa nhà
Riêng đối với những Việt kiều đã mua nhà ở Việt Nam nhưng nhờ người khác đứng tên, tới ngày 1-9-2009 có được hợp thức hóa? Ông Đỗ Phi Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết: “Do chưa có nghị định nên chưa rõ thủ tục, trình tự ra sao. Tuy nhiên, tôi nghĩ với những trường hợp trên thì người đứng tên giùm có thể làm thủ tục cho tặng, chuyển nhượng... cho Việt kiều. Theo cách này, người chủ thực sự sẽ được đứng tên trên giấy chủ quyền”.
Ông Nguyễn Đức Tuyên (Việt kiều Mỹ):
Khốn khổ vì nhờ đứng tên mua nhà
Tôi về nước làm ăn từ năm 2005. Theo quy định lúc đó, tôi không đủ điều kiện được mua nhà ở nên phải nhờ người thân đứng tên hai căn nhà. Ngờ đâu, khi có tấm giấy chủ quyền mang tên mình, họ có ý đồ chiếm đoạt. Tôi vướng vào vụ kiện dân sự để đòi lại tài sản của mình, “trần ai khoai củ” suốt từ đầu năm 2008 đến nay. Giá hồi đó pháp luật cũng cởi mở như bây giờ thì đỡ quá!
Tôi nghĩ không chỉ tôi mà bất cứ người gốc Việt Nam nào biết thông tin về việc nới rộng diện Việt kiều mua nhà cũng mừng. Nếu chính sách này ra đời sớm thì tôi đâu phải dính đến tranh chấp. Còn về thủ tục, tôi chỉ mong sao được bình đẳng với người Việt Nam ở trong nước.
Bà Hoa Đặng (Việt kiều Pháp):
Tôi phân vân lắm
Ba năm trước, có dịp về nước, tôi cũng có ý định mua nhà tại TP.HCM để sau này nghỉ hưu sẽ hồi hương. Nhưng nay tôi bỏ ý định trên luôn rồi. Tôi cứ để số tiền đó đầu tư buôn bán, cuối đời về nước sẽ tính sau. Bao nhiêu năm qua, tôi chứng kiến pháp luật Việt Nam liên tục được sửa đổi. Đâu ai biết vài năm nữa chính sách có thay đổi gì nữa không. Lỡ đâu mua nhà rồi bị kẹt cứng ngắc, bán không được, về ở cũng không xong. Tôi phân vân lắm!
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP