Top

Việt kiều vẫn khó mua nhà

Cập nhật 09/06/2009 09:20

Bị hạn chế 2 “quyền” sẽ khiến Việt kiều cân nhắc khi muốn sở hữu nhà tại Việt Nam.

Việc mở rộng đối tượng Việt kiều mua nhà trong nước là phù hợp với Luật Quốc tịch mới. Ước tính có khoảng 70% trong 3 triệu kiều bào ở nước ngoài được giữ quốc tịch VN nếu có yêu cầu. Nhiều ý kiến cho rằng việc mở rộng này có ý nghĩa rất lớn đối với bà con Việt kiều đang muốn sinh sống tại VN. Tuy nhiên, cho dù điều kiện sở hữu nhà ở cho Việt kiều có được nới lỏng, nhưng việc cụ thể hóa các điều kiện đó không chi tiết thì chính sách sẽ chậm đi vào cuộc sống.

Còn nhiều vướng mắc

Một Việt kiều Pháp cho biết khi đi làm thủ tục đăng ký sở hữu căn nhà mới mua, chị được cơ quan chức năng yêu cầu phải xuất trình chứng minh nhân dân và hộ khẩu. Trong khi đó theo quy định, chỉ cần xuất trình hộ chiếu là đủ. Nếu hộ chiếu do cơ quan VN cấp thì không có vấn đề gì, nhưng nếu hộ chiếu do quốc gia khác cấp thì phải kèm theo giấy tờ khác như giấy đăng ký công dân để “chứng minh mình là Việt kiều”.

Theo ông Dương Hùng, Việt kiều Mỹ, số lượng Việt kiều về nước để làm ăn là không nhỏ. Vì tính chất công việc, họ thường di chuyển nhiều nơi. Do đó, Nhà nước cần có định nghĩa rõ hơn về trường hợp Việt kiều được phép cư trú tại VN từ đủ 3 tháng trở lên, nếu không sẽ gặp phải những vướng mắc trong thủ tục hành chính về việc xác định thời gian cư trú căn cứ theo thực tế hay theo giấy phép? Ngoài ra, bản thân ông là một Việt kiều về đầu tư tại VN từ nhiều năm nay và đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, khi xuất trình giấy này để làm thủ tục mua nhà tại VN, cơ quan đăng ký không chấp nhận mà yêu cầu phải xuất trình giấy chứng nhận đầu tư.

Ngoài ra, nhiều Việt kiều cũng cho rằng việc bị hạn chế 2 “quyền” là không được mang nhà góp vốn (kinh doanh, làm trụ sở công ty...) và thế chấp (bảo lãnh vay tiền...) sẽ khiến nhiều Việt kiều “chùn bước”. Bởi nếu về nước để làm ăn, căn nhà mà họ mua cũng là đồng vốn mà họ bỏ ra. Nếu đồng vốn đó bị “đóng băng”, tất nhiên họ phải suy nghĩ lại.

Tác động không lớn

Chính sách cho Việt kiều mua nhà đã triển khai 8 năm qua, tuy nhiên, trên cả nước hiện chỉ có khoảng 130 Việt kiều được mua nhà và sở hữu nhà ở VN, tập trung chủ yếu tại TPHCM và Hà Nội. Vì vậy, với chính sách mới này, việc vận hành và đi vào thực tiễn cũng phải có thời gian nên chưa thể tác động đến thị trường ngay lập tức được. Đặc biệt, hiện chưa có một tài liệu nào thống kê chính xác bao nhiêu Việt kiều có nhu cầu mua nhà tại VN, mua loại sản phẩm nào để có thể định hướng thị trường.

Theo quan sát thị trường, trong những năm qua, đối tượng Việt kiều có nhu cầu nhà ở tại VN cũng đã mua nhà đất dưới nhiều hình thức khác nhau, phổ biến nhất là nhờ người thân đứng tên giúp. Các chuyên gia nhận định khi chính sách thông thoáng, có chăng là giao dịch để sang tên sở hữu nhà từ người thân sang Việt kiều tăng hơn nên khả năng thị trường bất động sản phát triển mạnh là rất khó. Do vậy không nên đặt vấn đề chống Việt kiều đầu cơ mà phải có chính sách chung cho tất cả đối tượng đầu cơ, như đánh thuế sở hữu chẳng hạn. Nếu việc mua – bán theo đúng nguyên tắc thị trường, phù hợp nguyện vọng cả người bán và người mua, sẽ có tác động tích cực. Không nên quản theo kiểu “vừa cho vừa sợ”!

DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động