Top

Thông thoáng hơn thủ tục Việt kiều mua nhà

Cập nhật 21/05/2009 16:40

Trong kỳ họp từ ngày 20/5, Quốc hội sẽ bàn bạc, thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 Luật nhà ở, quy định về quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Theo đó, sẽ có thêm 3 nhóm đối tượng được mua nhà ở tại Việt Nam. Các quy định về điều kiện, thủ tục mua nhà của Việt kiều cũng sẽ thông thoáng hơn. Rắc rối chuyện nhờ người quen đứng tên.

Chị Thanh Xuân ở Tây Hồ (Hà Nội) cho biết về trường hợp của ông cậu chị, ông Phạm Thanh Tùng (quê Nam Định, đang sống tại Pháp). Ông muốn mua một căn nhà ở Hà Nội để sau này nghỉ hưu, vợ chồng ông về Việt Nam dưỡng già. Nhưng theo tìm hiểu, ông không thuộc diện được mua nhà, đứng tên dù vợ ông vẫn còn quốc tịch Việt Nam. Cuối cùng, ông đã phải nhờ người anh họ mua giùm.

Không ít người Việt Nam ở nước ngoài có nhu cầu như ông Tùng, tuy nhiên, họ đã gặp không ít rắc rối từ chuyện “đứng tên hộ” này. Một người Việt định cư tại Pháp khác cho biết, ông cũng nhờ người nhà đứng tên mua hộ. Nhưng sau này hỏi ra mới biết, người này đã cố tình làm phiền nhiễu các thủ tục, thông đồng với chủ đất đẩy giá lên để “ăn” tiền của ông. Nhưng ông vẫn còn may vì theo ông biết thì có những người thậm chí còn bị chiếm đoạt luôn cả căn nhà nhờ người khác đứng tên hộ.

Theo báo cáo của Chính phủ, sau hơn 2 năm thực hiện Luật Nhà ở, mới có hơn 140 trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Con số này còn rất ít so với nhu cầu thực tế. Nhiều người Việt Nam định cư ở nước ngoài muốn có chỗ ở ổn định, lâu dài tại Việt Nam nhưng lại không thuộc đối tượng được phép sở hữu nhà ở tại Việt Nam, do quy định về đối tượng còn chưa rõ ràng hoặc khó khăn về mặt thủ tục. Có nhiều người mua nhà nhưng không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, do đó đã nhờ người quen, họ hàng mua, đứng tên hộ dẫn đến các tranh chấp tài sản.

Thêm 3 nhóm đối tượng


Theo Nghị quyết số 19/2008, từ 1/1/2009 đã thí điểm cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, để cụ thể hoá và giải quyết được một số khó khăn vướng mắc. Thế nhưng, theo thống kê của TP HCM trong quý 1/2009, thành phố đã cấp được 20.374 giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất, nhưng tất cả đều là giấy hồng được cấp cho cá nhân và tổ chức trong nước, chưa có trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài nào được cấp giấy hồng. Người ta kỳ vọng với những sửa đổi, bổ sung Điều 126, Luật Nhà ở sắp tới, Việt kiều sẽ dễ mua nhà hơn.

Theo Điều 126 sửa đổi, ngoài 4 nhóm đối tượng Việt kiều được sở hữu nhà tại Việt Nam quy định trong Điều 126 cũ sẽ bổ sung thêm 3 nhóm đối tượng là: Người có quốc tịch Việt Nam, người gốc Việt Nam có chuyên môn, kỹ năng đặc biệt, người gốc Việt Nam có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam đang sinh sống ở trong nước. Riêng với nhóm đối tượng “người có chuyên môn, kỹ năng đặc biệt mà Việt Nam có nhu cầu”, có ý kiến đề nghị cần bổ sung thêm điều kiện những người này phải “về Việt Nam làm việc”.

Về số lượng nhà ở được sở hữu tại Việt Nam, có ý kiến đề nghị tất cả các nhóm đối tượng là người Việt Nam định cư ở nước ngoài chỉ được sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ tại Việt Nam. Vì mục đích của việc cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà là để tạo điều kiện về chỗ ở cho họ khi về Việt Nam. Quy định này nhằm hạn chế việc lợi dụng chính sách để kinh doanh, mua đi bán lại, giảm tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản của Việt Nam.

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, Khoản 1, Điều 126 của Luật Nhà ở và Khoản 1, Điều 121 của Luật Đất đai hiện hành không quy định số lượng nhà ở mà các nhóm đối tượng như người về đầu tư, người có công đóng góp cho đất nước, nhà văn hóa, nhà khoa học. Đây là nhóm đối tượng thuộc diện được ưu tiên, khuyến khích về đầu tư, đóng góp cho quê hương, vì vậy, về mặt chính sách nên có sự khác biệt. Ngoài ra, để hạn chế việc sử dụng sai mục đích, có thể áp dụng quy định của các luật có liên quan để điều chỉnh như: Luật thuế thu nhập cá nhân, Luật kinh doanh bất động sản...

Nếu được thông qua, Luật này sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/9.

DiaOcOnline.vn - Theo Gia Đình