Top

Quốc hội quyết định cho người nước ngoài được sở hữu nhà ở

Cập nhật 23/05/2008 16:00

Hôm qua, 87,63% đại biểu Quốc hội đã tán thành thông qua Nghị quyết về việc thí điểm cho tổ chức, cá nhân người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Thời hạn sở hữu nhà của các đối tượng này được quyết định là 50 năm thay vì 70 năm theo đề nghị cũ. Nghị quyết này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1.1.2009 và thời hạn thí điểm là 5 năm.

5 đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam

Có 5 đối tượng được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Thứ nhất, cá nhân người nước ngoài có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về đầu tư hoặc được các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam theo pháp luật doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) thuê giữ các chức danh quản lý trong doanh nghiệp đó.

Thứ hai, cá nhân người nước ngoài có công đóng góp cho Việt Nam được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng huân chương, huy chương; cá nhân nước ngoài có đóng góp đặc biệt cho Việt Nam do Thủ tướng quy định.

Thứ ba, cá nhân người nước ngoài đang làm việc trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội có trình độ từ đại học hoặc tương đương trở lên và người có kiến thức kỹ năng đặc biệt mà Việt Nam có nhu cầu.

Thứ tư, cá nhân người nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam. Thứ năm, là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, không có chức năng kinh doanh bất động sản, có nhu cầu về nhà ở cho những người đang làm việc tại doanh nghiệp đó ở.



Sở hữu một căn hộ chung cư tại
Việt Nam là điều hoàn toàn có
thể với người nước ngoài .

Chỉ được sở hữu căn hộ chung cư

Các cá nhân thuộc các đối tượng trên muốn mua nhà ở tại Việt Nam "phải đang sinh sống tại Việt Nam, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ một năm trở lên và không thuộc diện được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao theo quy định của pháp luật Việt Nam", Quốc hội quyết nghị.

Đối tượng là doanh nghiệp thì phải có giấy chứng nhận đầu tư hoặc có giấy chứng nhận hoạt động đầu tư tương ứng với hình thức đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư. Nghị quyết cũng quy định rõ: "Tại một thời điểm, các cá nhân chỉ được sở hữu một căn hộ chung cư trong dự án phát triển nhà ở thương mại". Nếu các đối tượng này được tặng, cho hoặc thừa kế nhà ở khác thì chỉ được chọn một căn hộ chung cư trong dự án phát triển nhà ở thương mại; đối với các loại nhà ở khác chỉ được hưởng giá trị của nhà mà không được sở hữu.

Được phép bán sau thời gian 1 năm

Nghị quyết của Quốc hội quy định: "Cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở trong thời hạn tối đa là 50 năm, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở". Trong thời hạn 12 tháng, kể từ khi hết thời hạn sở hữu nhà ở tại Việt Nam, các đối tượng này phải bán hoặc tặng, cho nhà ở đó. Thời gian sở hữu nhà của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tương ứng với thời hạn ghi trong giấy phép đầu tư.

Nghị quyết cũng quy định rõ, các cá nhân, tổ chức chỉ được bán, tặng, cho nhà ở thuộc sở hữu của mình sau thời hạn 12 tháng kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (trừ trường hợp cá nhân không thể tiếp tục cư trú tại Việt Nam thì được bán, tặng, cho trước thời hạn). Các cá nhân sở hữu nhà cũng được thừa kế cho người thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, được thế chấp nhà ở tại tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, trong thời gian đầu thực hiện Nghị quyết này, do lượng cung về nhà chưa đủ, đặc biệt là nhà chung cư cao cấp nên cũng có thể có ít nhiều tác động đến giá nhà đất tại Việt Nam. "Tuy nhiên, do số lượng người nước ngoài có nhu cầu và đủ điều kiện được mua nhà không lớn (khoảng 10.000 người trên tổng số hơn 80.000 người nước ngoài đang sống và làm việc tại Việt Nam), trong khi khả năng cung cấp nhà ở là căn hộ chung cư tại các đô thị của cả nước đang tăng mạnh nên sự tác động về tăng giá cũng sẽ không nhiều", Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản Nguyễn Mạnh Hà cho biết.

Khi thảo luận, một số đại biểu Quốc hội cũng băn khoăn về khả năng lợi dụng sự chưa đầy đủ của pháp luật tại Việt Nam có thể xuất hiện tình trạng đầu cơ nhà, Tuy nhiên, Cục trưởng Nguyễn Mạnh Hà cũng tự tin rằng: "Chính phủ đang tiến hành cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính và hoàn thiện hệ thống pháp luật và các cơ quan chức năng sẽ có những biện pháp để quản lý hiệu quả lĩnh vực này".

* Ông Choi Chul Gyu (Hàn Quốc), Tổng giám đốc Công ty thiết kế - xây dựng Infinity: "Tôi hoan nghênh chính sách cho phép người nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam, tuy nhiên, các điều khoản quy định vẫn chưa thật sự thông thoáng. Theo tôi được biết thì chỉ có những người nước ngoài đủ điều kiện định cư tại Việt Nam mới được mua, và chỉ được mua những căn hộ chung cư chứ không thể sở hữu biệt thự, nhà phố hay villa. Như vậy, theo tôi ước đoán có rất ít người đủ điều kiện và nhu cầu. Chính phủ Việt Nam cần xem xét để mở rộng hơn nữa đối tượng người nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam".

* Ông Jimmy Won (Hàn Quốc), Giám đốc điều hành Công ty Dongjin Việt Nam (Khu công nghiệp Loteco Đồng Nai): "Tôi rất vui được biết Chính phủ Việt Nam bắt đầu cho phép người nước ngoài được sở hữu nhà tại Việt Nam. Bản thân tôi có ý định ở Việt Nam lâu dài nhưng đang phải thuê nhà với chi phí rất cao".


Theo Thanh Niên