Top

Mở cửa thị trường nhà ở cho người nước ngoài tại VN : Có ngại đầu cơ?

Cập nhật 19/06/2008 09:00

Trước những e ngại về khả năng xảy ra tình trạng đầu cơ một khi thị trường nhà ở được mở rộng cho một số đối tượng là người nước ngoài (khi Nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này có hiệu lực vào ngày 1-1-2009), thì một số chuyên gia nêu con số rất đáng chú ý: gần 8 năm qua, mới chỉ có khoảng... 130 Việt kiều mua được nhà tại Việt Nam.

Thị trường không lớn

Theo số liệu của Bộ Xây dựng, hiện có khoảng 25.000 người nước ngoài vào Việt Nam làm việc theo các dự án đầu tư. Ngoài ra, còn có 55.000 người nước ngoài đang làm việc trong các lĩnh vực khác như y tế, giáo dục, văn hóa thể thao, khoa học công nghệ... Hầu hết các đối tượng này hiện phải thuê hoặc “lách luật”, mua nhà để ở nhưng nhờ người Việt Nam đứng tên (trong đó có cả những người đã kết hôn với công dân Việt Nam).

Hà Nội hiện có 1.300 nhà và căn hộ với diện tích khoảng 220.000m² đang cho người nước ngoài thuê, tập trung tại các quận Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Đống Đa, Ba Đình. Giá thuê nhà dao động từ 700 - 1.000 USD/căn/tháng. Tương tự, tại TP Hồ Chí Minh, nhà cho người nước ngoài thuê có tới 4.000 căn, tương đương 660.000m², chủ yếu thuộc khu Phú Mỹ Hưng (quận 7), quận 1, quận 3, quận 5 với giá cho thuê phổ biến ở mức 1.000 - 1.500 USD/căn/tháng.

Tại khu vực trung tâm thành phố, giá thuê lên tới 2.000 - 3.000 USD/căn/tháng. Theo phân tích của các chuyên gia bất động sản, với giá thuê như trên, trong 5 năm sống tại Việt Nam, người nước ngoài phải trả không dưới 50.000 USD. Còn nếu được mua một căn hộ với giá bình quân khoảng 70.000 USD/căn, thì sẽ giảm bớt cho họ một khoản chi phí đáng kể và là một yếu tố góp phần khuyến khích đầu tư vào VN.

Dự báo, có khoảng 10.000 người nước ngoài thuộc diện được mua nhà ở tại VN, nếu mỗi người mua một căn hộ với diện tích 100 - 150m² thì phân đoạn thị trường này cũng chỉ khoảng 10.000 căn hộ với 1,5 triệu m².

Không lo đầu cơ!

Được hỏi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, trong thời gian đầu, do lượng cung về nhà chưa đủ, đặc biệt là chung cư cao cấp, nên chủ trương này có thể sẽ tác động tới giá nhà đất ở Việt Nam, nhưng không lớn, hơn nữa việc mua nhà cũng sẽ diễn ra trong nhiều năm, chủ yếu đối với các loại nhà chung cư cao cấp mà thôi. “Khả năng đối tượng này mua nhà để đầu cơ là rất ít, bởi nghị quyết đã quy định khá chặt chẽ về điều kiện, thủ tục được mua nhà, điều kiện được sang nhượng…”, ông Nam nói.

Đây cũng là nhận định của Công ty Bất động sản CBRE (Mỹ). Trên thực tế, vì nhiều lý do mà sau gần 8 năm thực hiện chính sách cho Việt kiều mua nhà tại VN, đến nay cũng mới chỉ có khoảng... 130 Việt kiều mua được nhà. Bộ Xây dựng cũng đang soạn thảo sửa đổi, điều chỉnh chính sách cho Việt kiều mua nhà, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trong tháng 6-2008 theo hướng mở rộng đối tượng, thủ tục thông thoáng hơn.

Được biết, để hạn chế người nước ngoài đầu cơ nhà ở, Singapore đã áp dụng thuế bất động sản là 4%/năm cho trường hợp mua 1 nhà để ở và 12%/năm cho trường hợp mua nhà từ thứ 2 trở lên (quốc gia này cho phép người nước ngoài sở hữu nhiều nhà ở tại nước mình).

Theo Nghị quyết về việc thí điểm cho người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở có thời hạn tại Việt Nam vừa được Quốc hội thông qua, người nước ngoài được phép mua và sở hữu có thời hạn 1 căn hộ chung cư trong các dự án phát triển nhà ở thương mại không thuộc khu vực hạn chế hoặc cấm người nước ngoài đi lại và chỉ được dùng để ở, không được cho thuê làm văn phòng hoặc sử dụng vào mục đích khác.

Thời hạn sở hữu nhà ở của cá nhân nước ngoài tối đa là 50 năm kể từ ngày được cấp GCN sở hữu và được ghi rõ trên GCN. Doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài hoạt động tại VN cũng có thể mua và sở hữu nhà ở có thời hạn tại VN (thời hạn này tương ứng với thời hạn trong giấy phép đầu tư/hoạt động của DN, tổ chức và được ghi trên GCN sở hữu). Người nước ngoài kết hôn với công dân VN sẽ được phép đứng tên chung đồng sở hữu nhà ở với vợ (chồng) mình.


Theo Sài Gòn Giải Phóng