Top

Hãy làm và rút kinh nghiệm

Cập nhật 27/08/2013 09:04

Nới rộng điều kiện cho người nước ngoài mua nhà được nhiều hơn mất. Hãy làm và rút kinh nghiệm, nhiều chuyên gia bày tỏ.

Được nhiều hơn mất

Trao đổi với PV , TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, sau khi mua nhà người nước ngoài không thể “mang” căn nhà của họ về nước, mà căn nhà đó vẫn nằm ở nước sở tại. “Chính vì vậy, chúng ta chỉ cần tránh trường hợp người nước ngoài mua cả khu phố là được. Chính sách cho người nước ngoài mua nhà của Singapore cũng chỉ ‘quản’ điều này”, TS. Lê Đăng Doanh cho hay.

Theo TS. Lê Đăng Doanh, việc nới lỏng điều kiện cho người nước ngoài mua nhà được nhiều hơn mất. Cụ thể, thị trường BĐS sẽ có nhiều giao dịch hơn ở phân khúc nhà ở thương mại, nhà ở cao cấp; cải thiện nguồn vốn cho các dự án đầu tư BĐS; kích thích thị trường tăng trưởng ổn định; Việt Nam sẽ thu hút được nhiều lao động chất lượng cao…

“Điều quan trọng là chúng ta cải thiện cơ chế quản lý người nước ngoài thay vì hạn chế điều kiện mua nhà của họ”, TS. Lê Đăng Doanh bình luận.


Nới rộng điều kiện cho người nước ngoài mua nhà, được nhiều hơn mất. Hãy làm và rút kinh nghiệm, nhiều chuyên gia bày tỏ (ảnh: Lê Nguyễn)

Đồng quan điểm này, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, để khuyến khích kiều bào về mua nhà, bất động sản, Việt Nam cần phải có điều kiện thông thoáng hơn, mở rộng các đối tượng được phép mua, sở hữu nhà.

Ông Hiếu cũng đánh giá phân khúc thị trường bất động sản cao cấp trong nước rất phù hợp với nguồn lực tài chính của kiều bào. Nếu khung pháp lý được nới rộng thì việc kiều bào về nước mua, sở hữu nhà, bất động sản sẽ góp phần khơi thông lượng hàng đang tồn ứ với số lượng lớn này.

GS.TSKH Nguyễn Mại, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Hợp tác Nhà nước về Đầu tư cho rằng, xu hướng cho người nước ngoài, Việt kiều mua nhà và sở hữu nhà ở tại Việt Nam cần phải được mở rộng tối đa.

Theo GS. Mại, nhiều địa phương vẫn cấp phép cho người nước ngoài tham gia đầu tư dự án khu đô thị với quy mô hàng trăm ha, thậm chí dự án hàng trăm triệu USD vẫn được sang nhượng thì việc không cho người nước ngoài mua bán một căn hộ vài chục nghìn USD là không thỏa đáng.

Là tổ chức ủng hộ mạnh mẽ chính sách cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, Hiệp hội BĐS TP.HCM (Horea) đã nhiều lần đề xuất và “hối thúc” Bộ Xây dựng nới lỏng chính sách này.

Theo Horea, nếu người nước ngoài được nới quyền mua nhà tại Việt Nam, “đổ” ngoại tệ vào BĐS trong nước thì đây là hình thức xuất khẩu BĐS tại chỗ, giảm lượng BĐS cao cấp tồn kho, thu được các khoản thuế, tạo công ăn việc làm cho lao động trong nước.

Tuy nhiên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Horea nhấn mạnh, chỉ nên cho người nước ngoài mua nhà ở phân khúc cao cấp.

“Với chung cư chỉ được mua dự án từ 1.000 USD/m2 trở lên; với biệt thự, nhà liền kề gắn liền với đất chỉ được mua ở những khu vực nhất định. Khống chế này giúp cho chính quyền địa phương dễ quản lý và tránh trường hợp người nước ngoài cạnh tranh với người trong nước ở phân khúc nhà ở giá thấp”, ông Lê Hoàng Châu nêu quan điểm.

Hãy làm và rút kinh nghiệm

Trả lời câu hỏi của PV về tính đặc thù của thị trường BĐS Việt Nam, chúng ta cần có những quy định cụ thể nào, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, trước mắt học tập kinh nghiệm từ các nước, thực hiện từng bước, từ đó rút ra những kinh nghiệm của riêng mình.

Nhiều chuyên gia cho rằng, mở rộng điều kiện cho người nước ngoài mua nhà là xu hướng tất yếu trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới.

Tại TP.HCM, nhiều khu đô thị mới đã và đang hình thành, rất cần nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài mà không ai khác đó chính là những cá nhân, tổ chức nước ngoài tham gia vào thị trường nhà ở. Cụ thể, khu đô thị mới Thủ Thiêm đang được UBND TP.HCM xúc tiến kêu gọi đầu tư. Nguồn vốn cho dự án này đang là thách thức lớn mà TP phải đối mặt.

Khu đô thị mới Thủ Thiêm là khu đô thị đẳng cấp quốc tế, được quy hoạch mới hoàn toàn, hạ tầng đồng bộ, đối tượng cư dân được chọn lọc từ những người có thu nhập ổn định. Với đặc thù này cho thấy phần lớn đối tượng người mua nhà thuộc dự án này phải là người có thu nhập cao, trong đó không thể không có đối tượng là người nước ngoài.

Hiện khu đô thị Thanh Đa – Bình Quới sau hàng chục năm “bất động” đến nay cũng được UBND TP.HCM chỉ định cho một nhà đầu tư trong nước khởi động dự án. Theo quy hoạch, Thanh Đa – Bình Quới cũng là một khu đô thị đẳng cấp, nằm ngay trong lòng nội thành TP, có vị trị đắc địa và môi trường sống hiện đại. Cũng chính vì đặc thù này, nếu không tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài mua nhà tại đây thì rất khó tạo đầu ra cho dự án này.

Với tư cách là người đứng đầu cơ quan trực tiếp tham mưu cho Chính phủ về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng, việc nới lỏng điều kiện cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam sẽ giúp tiêu thụ được sản phẩm BĐS cao cấp đang tồn kho quá nhiều. Đây là giải pháp cần thiết để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS.

“Viêt Nam sẽ nghiên cứu, tiếp thu kinh nghiệm tiến bộ từ thế giới để áp dụng vào điều kiện cụ thể của mình. Bộ Xây dựng tiếp thu mọi ý kiến, hoàn thiện dự thảo trình Chính phủ, cố gắng ngay trong năm 2013 sẽ trình Quốc hội”, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo điện tử Tổ Quốc