Top

Cho người nước ngoài mua nhà: Nhìn ra thế giới

Cập nhật 27/08/2013 08:47

Hầu hết các nước có chính sách thông thoáng cho người nước ngoài mua nhà đều có thị trường BĐS tăng trưởng ổn định. Theo các chuyên gia, Việt Nam nên ‘mở’ hơn là ‘thắt’ về chính sách này.

Theo nhiều chuyên gia, Việt Nam có thể học tập ngay từ Singapore và Malaysia – hai nước lân cận và cùng khối ASEAN – có các điều kiện kinh tế - xã hội tương đồng.

Nới điều kiện cho người nước ngoài mua nhà, Việt Nam chỉ được lợi mà không mất gì (ảnh: L.Nguyễn)

Tại Singapore, trừ nhà ở xã hội, nước này gần như không hạn chế cho người nước ngoài mua nhà ở thương mại. Không những thế, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn, đầu tư giảm, sức mua yếu, Singapore đã mạnh dạn cho phép người nước ngoài mua cả biệt thự gắn liền với đất ở những khu vực được quy hoạch. Với chính sách này, Singapore còn thu được nhiều khoản thuế từ việc đánh thuế nhà ở và đất ở hàng năm.

Thực tế cho thấy, từ khi có chính sách tự do hóa giao dịch BĐS cho người nước ngoài, thị trường BĐS tại Singapore nhanh chóng vượt qua khủng hoảng, giá nhà ở tăng trưởng ổn định.

Không những thế, Singapore còn đón nhận làn sóng người nước ngoài đến sinh sống và làm việc mà phần lớn là lực lượng lao động chất lượng cao. Ước tính, mỗi quý thị trường BĐS thương mại tại Singapore đạt từ 1.000 – 2.000 giao dịch mua nhà của người nước ngoài. Đây là kết quả “trong mơ” mà Singapore đã làm được.

Còn tại Malaysia, nước này là một trong những nước đưa ra chính sách nới lỏng nhất về vấn đề cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở. Malaysia chỉ quy định giá tối thiểu của căn hộ mà người nước ngoài được phép mua mà không hề hạn chế loại hình BĐS cũng như số lượng căn hộ mà người nước ngoài có thể mua.

Từ những chính sách nới lỏng này, thị trường BĐS tại Malaysia nhanh chóng vượt qua khó khăn, đi vào chu kỳ tăng trưởng ổn định. Nhà đầu tư nước ngoài ngày càng tin tưởng khi đầu tư tại Malaysia. Ngành BĐS Malaysia đóng góp rất lớn vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Thị trường BĐS Nhật Bản vốn là một trong những thị trường bị khủng hoảng tồi tệ nhất sau thời gian phát triển quá nóng. Để xoay chuyển tình thế, Chính phủ nước này cho phép người nước ngoài không phân biệt quốc tịch đều có thể mua và sở hữu nhà ở hợp pháp tại Nhật Bản. Nhật Bản cũng không đưa ra bất kỳ điều kiện nào về tình trạng cư trú. Bên cạnh đó, với chính sách cho phép người nước ngoài có thể chuyển nhượng BĐS một cách rất đơn giản, thị trường BĐS Nhật Bản thu hút đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường.

Còn chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, Việt kiều Mỹ cho biết, tại các nước phương Tây, việc bán nhà, bất động sản cho người nước ngoài là bình thường. Chính phủ các quốc gia này luôn khuyến khích người nước ngoài mua nhà của họ. Khủng hoảng kinh tế 2008, Mỹ còn khuyến khích người nước ngoài mua nhà, bất động sản của nước này thông qua các cơ quan ngoại giao.

Tại Mỹ, điều kiện để người nước ngoài mua nhà không khó khăn gì, cũng không bắt buộc người mua phải thường trú tại nước này.

Luật của Mỹ chia làm hai loại gồm người nước ngoài thường trú tại Mỹ và không thường trú tại Mỹ.

Với người nước ngoài thường trú tại Mỹ thì rất dễ dàng để mua nhà, chỉ cần TIN (tax payer identification number - số nhận dạng người nộp thuế) – mà thẻ này thì đương nhiên họ có, hoặc sử dụng số thẻ an sinh xã hội là có thể mua được nhà.

Đối với người nước ngoài không thường trú tại Mỹ, họ phải đến sở thuế nộp đơn xin được cấp TIN, khi đó sẽ đủ điều kiện mua, sở hữu nhà, bất động sản tại nước này. Sau đó, nếu không có nhu cầu ở, người sở hữu nhà, bất động sản cũng có thể cho thuê.

Chính vì vậy mà một người Việt Nam cũng đã mua được thị trấn Buford ở Mỹ một cách dễ dàng.

Chia sẻ với phóng viên, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, Việt Nam có thể học tập ngay các nước ở thủ tục đơn giản. “So với các nước trong khu vực, Việt Nam hiện là quốc gia có những quy định ngặt nghèo nhất về chính sách cho người nước ngoài mua nhà, tháo gỡ chính sách này ngoài mở rộng điều kiện, quan trọng nhất vẫn là đơn giản thủ tục”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, người từng có ý định mua nhà tại Việt Nam khi về nước kinh doanh cũng thừa nhận, việc người nước ngoài hoặc kiều bào mua, sở hữu nhà là hết sức khó khăn.

Theo ông Hiếu, chính khung pháp lý là nguyên nhân lớn giới hạn kiều bào, người nước ngoài về Việt Nam mua nhà. Ngoài ra, còn nhiều lý do khác như thị trường địa ốc ở Việt Nam không minh bạch. Giá cả không ổn định và rõ ràng.

“Chẳng hạn tại Mỹ, nếu cần mua nhà tại khu nào đó chỉ cần kích chuột vào website của khu đó là có giá chuẩn, trong khi tại Việt Nam đây là vấn đề thiếu minh bạch. Bộ phận môi giới chưa chuyên nghiệp…Đây là những lý do cho thấy bất động sản Việt Nam chưa đi vào trật tự”.

Từ những kinh nghiệm này, theo các chuyên gia, Việt Nam sẽ được nhiều hơn, nếu không nói là không mất gì khi mở rộng điều kiện cho người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Điện tử Tổ quốc