Top

Mặt bằng hạ tầng phục vụ thị trường bán lẻ: Vẫn nóng!

Cập nhật 02/04/2009 13:20

Năm 2009, mặt bằng phục vụ thị trường bán lẻ đầy hấp dẫn của Hà Nội vẫn nóng lên bất chấp việc đối mặt với những khó khăn trước mắt do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Xu hướng tiêu dùng hiện đại phát triển

Tại hội thảo “Chiếm lĩnh thị trường nội địa” do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức ở TPHCM vào trung tuần tháng 3 vừa qua, ông Trương Đình Tuyển, Thành viên Hội đồng tư vấn quốc gia, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại nhấn mạnh: Không phải ngẫu nhiên mà hãng tư vấn A.T Kearney đánh giá Việt Nam vượt qua Trung Quốc và Ấn Độ để trở thành thị trường bán lẻ có sức hấp dẫn nhất thế giới (do GDP tăng cao liên tục nhiều năm, dân số trên 86 triệu người…). Đặc điểm dân số trẻ chiếm số đông; nền kinh tế đang phát triển; đời sống của người dân đang dần cải thiện, thu nhập bình quân năm 2008 ở mức 835 USD/năm, tăng 23% so với 2007 là những điều kiện thuận lợi để thị trường bán lẻ phát triển.

Trong hai tháng đầu năm 2009, dù tình hình kinh tế toàn cầu suy thoái, xuất khẩu bị sụt giảm nhưng doanh thu bán lẻ và dịch vụ vẫn tăng 20,6%, cao hơn nhiều so với tăng trưởng kinh tế. Thương mại trong thị trường nội địa tạo ra giá trị trên 15% GDP và thu hút khoảng 5,4 triệu lao động, chiếm hơn 10% tổng lao động toàn xã hội. Vì vậy, thị trường nội địa là cơ sở cho sự phát triển bền vững của cả nền kinh tế.

Đặc biệt, số liệu khảo sát cũng cho thấy xu hướng tiêu dùng hiện đại đang phát triển. Hàng hóa bán qua hệ thống phân phối hiện đại chiếm 19,4% tổng doanh thu. Có thể thấy tác động không nhỏ của việc phát triển các cửa hàng tiện lợi đến thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Kết quả là có đến hơn nửa các hộ gia đình ở thành thị đã đi mua sắm theo hình thức thương mại hiện đại hàng tháng.

Kết quả điều tra của TNS cho thấy, tính đến tháng 6/2008, thương mại hiện đại ở Việt Nam đã chiếm 18%. Các cửa hàng trên phố chiếm 61%, hình thức chợ chiếm 13%, các hình thức còn lại chiếm 7%. Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, một chuyên gia trong lĩnh vực này dự báo đến 2009, thương mại hiện đại sẽ tăng trưởng nhanh và chiếm gấp đôi so với hình thức chợ. Thống kê cũng cho thấy, nếu như năm 2000, chi tiêu cho bán lẻ tại Việt Nam chỉ đạt mức 15 tỉ USD, thì năm 2006 đạt mức 36 tỉ USD và dự kiến đến năm 2010 dự kiến con số này sẽ vượt mức 50 tỉ USD.

Riêng tại địa bàn Hà Nội, thu nhập của người dân thủ đô đã ngày một cải thiện. Đó cũng là tiền đề cho các nhu cầu cao hơn trong mua sắm, tạo nên những điều kiện hết sức thuận lợi cho hoạt động bán lẻ. Theo số liệu báo cáo mới nhất tại tháng 12/2008, với mức tăng GDP của Hà Nội là gần 10,6%, năm nay thu nhập bình quân đầu người của người dân Hà Nội ở mức 1.500 USD, cuộc sống ngày càng cải thiện.

Vậy người tiêu dùng suy nghĩ như thế nào về hình thức thương mại hiện đại? Điều tra của TNS Việt Nam cho thấy người dân Việt Nam, đặc biệt là những người sống ở các thành phố lớn, đã nhận thấy thương mại hiện đại đã làm cho cuộc sống của họ được dễ dàng hơn: 83% thích chất lượng sản phẩm; 83% thích sự đa dạng; 82% đổi mới và khuyến mại; 76% thoải mái và sạch/an toàn. Cũng có người tiêu dùng không thích thương mại hiện đại mà 70% cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do đắt hơn.

Mặt bằng cho bán lẻ: Cung – cầu chưa tương xứng?

Tổng diện tích mặt bằng bán lẻ của Hà Nội hiện nay có khoảng 100.000m2 diện tích sàn cho thuê trên các trung tâm thương mại cao cấp chính của thành phố nổi bật như Vincom City Tower, Trang Tien Plaza...

Hầu hết các dự án hiện có đều tập trung ở khu vực trung tâm với mật độ dân số cao như các quận Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm. Tỉ lệ lấp đầy diện tích bán lẻ gần như tuyệt đối tại các thương mại cao cấp tại trung tâm với giá thuê dao động 65 - 150 USD/m2/tháng, tại các vị trí không trung tâm có giá thuê khoảng 25 - 60 USD/m2/tháng.

Đáng chú ý nhất trong năm 2009 chính là việc TTTM Vincom Galleries thuộc tòa nhà căn hộ cao cấp 25 tầng - Vincom Park Place - của Công ty CP Vincom sẽ chính thức khai trương vào tháng 8. Tòa nhà này được nối liên thông với tòa tháp đôi Vincom City Towers (VCT) bằng hệ thống hành lang trên không và hầm ngầm, đưa tổng diện tích TTTM Vincom lên tới trên 35.000m2, biến nơi đây thành một thiên đường mua sắm – giải trí cao cấp ngay giữa trung tâm Thủ đô Hà Nội.

Ngoài ra, rất nhiều tập đoàn bất động sản lớn hiện cũng đã bắt đầu nhập cuộc trong phân khúc thị trường này. Từ nay đến 2011, dự tính Hà Nội sẽ đón nhận hơn 400.000m2 diện tích bán lẻ của hơn 15 dự án đang được triển khai trên địa bàn, trong đó các dự án của tập đoàn Keangnam, Charmvit, Coralis, Gamuda, Citra Westlake, IndochinaLand, Savico… là bằng chứng cho thấy sự hấp dẫn còn rất lớn đối với các nhà đầu tư cho phân khúc mặt bằng bán lẻ.

"Theo thông tin của Công ty CP Vincom, TTTM Vincom Galleries, với thiết kế sang trọng, được bố trí một cách chuyên biệt với tầng một dành cho các sản phẩm thời trang phụ kiện cao cấp. Tầng hai dành cho thời trang công sở nữ, tầng ba với đa dạng thời trang nam, giầy dép và dụng cụ thể thao dành riêng cho nam giới. Tầng trên nữa là thế giới kì diệu của trẻ ở mọi lứa tuổi gồm quần áo, giày dép, đồ chơi, sách vở và dụng cụ âm nhạc. Tầng năm sẽ là một thế giới với các trò chơi điện tử và giải trí. Bên cạnh đó, tại Vincom Galleries còn có khu vực đặc biệt dành riêng cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp với tiêu chuẩn 5 sao...

Cùng với khu ẩm thực và hệ thống rạp chiếu phim Megastar bên TTTM VCT, nơi đây sẽ trở thành một tổ hợp vui chơi – giải trí – thư giãn thực sự hoàn hảo. CBRE Việt Nam là đại lý độc quyền cho thuê diện tích tại đây."



DiaOcOnline.vn tổng hợp