Ngày 23-10, tại Kỳ họp thứ 6 QH khóa XIII, một lần nữa các ĐBQH lại thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, trong đó có vấn đề đất đai. Kỳ họp trước, Luật Đất đai (sửa đổi) chưa được thông qua. Tới Kỳ họp này, một số ý kiến chưa đồng thuận vẫn được nêu lên, liên quan trực tiếp đến Điều 54 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, mấu chốt là ở việc thu hồi đất. Đây là vấn đề cực kì quan trọng, liên quan đến đại bộ phận người dân, nhất là nông dân. Thời gian qua, chính vì nhiều quy định của pháp luật liên quan đến đất đai chưa sát thực tế, có những điểm lạc hậu nên đã phát sinh nhiều khiếu kiện, kể cả phát sinh tham nhũng.
Không ít những dự án khi có đất chỉ xây tường bao rồi để đấy
Ảnh: Lê Minh
|
1. Theo ĐBQH Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa), Luật hiện hành quy định bồi thường thoả đáng, nhưng vì sao dân vẫn đi kiện. Đây là vấn đề lớn, là vướng mắc cần phải được tháo gỡ. Trên thực tế, "đền bù thỏa đáng” như một khái niệm, nên vận dụng rất khó, dễ tạo nên sự mâu thuẫn lợi ích giữa chủ thể mất đất và chủ thể được đất. Ông Lợi đề nghị, phải làm rõ việc thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội là gì. Tương tự, ĐBQH Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng, vướng mắc hiện nay dẫn đến việc người dân không đồng tình là vì một số dự án không rõ mục tiêu, không rõ đền bù, dẫn đến khiếu kiện triền miên. ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) cũng bày tỏ băn khoăn khi cho rằng nếu nói thu hồi đất vì mục đích kinh tế-xã hội có thể bị lợi dụng. Có thể cho là đi đến cuối vấn đề, ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.Hồ Chí Minh) nói một cách rõ ràng rằng "dù là thu hồi đất vì mục đích gì, tôi nghĩ dân cũng đồng tình nhưng giá đền bù thì phải như nhau”.
Còn nhớ, trước đó, tại Kỳ họp thứ 5 QH khóa XIII, ngày 17-6, Quốc hội cũng đã thảo luận về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Tại đây, ĐBQH Doãn Thế Cường (Hưng Yên) đã phát biểu: Nếu thu hồi đất vì dự án kinh tế - xã hội sẽ có nhiều thiệt thòi cho người dân và tạo cơ hội cho tham nhũng phát triển.
Góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, phần đất đai, rất nhiều ý kiến đã được nêu lên trong suốt thời gian qua; trong đó nhấn mạnh đến việc phải bảo đảm quyền lợi xác đáng của người dân khi bị thu hồi đất. Không ít ý kiến bày tỏ lo ngại khi mà UBND cấp tỉnh vừa có thẩm quyền quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất; vừa có thẩm quyền quyết định giá đất. Từ đó rất dễ dẫn đến tham nhũng, tạo ra khiếu kiện kéo dài.
Nhìn chung, việc thu hồi đất phải đi đôi với việc giải quyết bồi thường- trong đó việc xác định giá đất là vô cùng quan trọng; hỗ trợ và tái định cư- đặc biệt là khi thu hồi đất cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Đó là các mắt xích trong một sợi dây xích, nếu một mắt xích nào lỏng lẻo sẽ dẫn tới hệ lụy cho toàn cục.
2. Đối với người Việt Nam, đất là điều gì đó rất thiêng liêng, là tài sản quý giá nhất và có lẽ là vô giá mà thế hệ này để lại cho thế hệ khác làm ăn sinh sống. Điều đó lại đặc biệt quan trọng đối với nông dân, người ta làm giàu từ đất mà cũng không bị chết đói nhờ có đất. Trong cuộc tổng khởi nghĩa giành độc lập giữa thế kỉ XX, người dân Việt Nam (trong đó hơn 90% là nông dân) đi theo Đảng CSVN là vì Đảng làm cho người cày có ruộng. Từ thân phận làm thuê cho địa chủ, người nông dân được chia ruộng đất, được canh tác trên mảnh đất của mình. Người nông dân mát mặt vì có đất.
Theo thời gian và sự vận động biến chuyển của xã hội, vấn đề đất đai ngày càng tích tụ những bất cập, nhất là khi bị thu hồi. Khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích an ninh- quốc phòng, người dân không hề kêu ca. Nhưng khi thu hồi đất phục vụ các mục tiêu kinh tế- xã hội thì nảy sinh vấn đề. Thực chất, nhiều vụ thu hồi đất trong lĩnh vực này là để dành cho các dự án, có thể là dự án bất động sản hoặc dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất. Ở đây, mâu thuẫn về quyền lợi giữa bên được đất và bên mất đất bộc lộ. Nói như ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh thì công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hiện đã không được làm tốt. Doanh nghiệp vừa phải mua đất của dân theo giá thị trường, vừa phải nộp tiền sử dụng đất cho Nhà nước một lần nữa- gần như phải mua đất 2 lần. Đây chính là nguyên nhân làm cho mặt bằng giá bất động sản ở ta cao hơn các nước trong khu vực.
Về phía lợi ích doanh nghiệp bất động sản, ông Châu nói có lý. Nhưng nếu đứng về phía lợi ích những người mất đất thì câu chuyện không đơn giản như vậy. Có rơi vào cảnh mất đất mới thấm thía và thương người mất đất. Giá đất mỗi lúc một khác mà phần thiệt thường lại rơi vào người mất đất. Nếu lợi cho người mất đất thì thử hỏi doanh nghiệp nào dám đầu tư? Có khi mất mấy sào ruộng, được "một núi tiền”, nhưng biết làm gì với số tiền đó. Miệng ăn núi lở, đồng tiền không được sử dụng đúng, không sinh lợi, thế là tay trắng, gia đình lục đục, con cái không có tương lai. Còn buồn hơn nữa khi mà người nông dân mất đất không được gieo trồng trên mảnh ruộng vốn là của mình, năm này sang năm khác nhìn những dự án "trùm chăn”, đã thế người ta lại phân lô chia nền, sai hẳn mục đích ban đầu. Nếu người dân mất đất được đền bù thỏa đáng thì làm sao có chuyện khiếu kiện. Thời gian qua, những vụ việc bột phát ở Thái Bình, Hải Phòng, Hưng Yên... và nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cũng chỉ là chuyện đất đai bị thu hồi nhưng đền bù không thỏa đáng, sử dụng sai mục đích. Người dân bất bình vì bị trả giá rẻ đã đành, người dân còn bức xúc vì chuyện "bắt tay đi đêm” của quan chức địa phương với doanh nghiệp để ép người dân, kiếm lợi để chia chác.
Thu hồi đất vì mục đích chính đáng, sử dụng đất thu hồi hiệu quả, không để người mất đất thiệt thòi thì người ta cũng chấp nhận. Tuy nhiên, còn một vấn đề nữa rất đáng quan tam, đó là phải bảo đảm cuộc sống lâu dài cho người mất đất, trong đó trách nhiệm Nhà nước là phải ưu tiên đào tạo nghề, tạo việc làm cho họ. Tránh việc người dân bị thu hồi đất chỉ được tạm bố trí việc làm lúc đầu, sau một thời gian các doanh nghiệp lại tìm cớ sa thải. Nói như ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam thì quy hoạch sử dụng đất đai cần xét một cách toàn diện, tránh chỉ vì mục đích kinh tế. Ngay trong thời gian giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư đã phải có trách nhiệm đào tạo nghề cho gia đình những hộ dân vừa mất đất, trong đó chú trọng đến đối tượng là thanh niên trong độ tuổi lao động.
Chỉ có thế, lòng người mất đất mới yên.
DiaOcOnline.vn - Theo Đại Đoàn Kết