Chuyển nhượng dự án đã trở thành hoạt động quen thuộc trên thị trường BĐS. Rất nhiều chủ đầu tư đang gặp khó khăn về tài chính không thể tiếp tục thực hiện dự án đã chuyển nhượng toàn bộ hay một phần dự án cho đối tác khác.
Tuy nhiên, việc quyết định điều kiện chuyển nhượng như thế nào chỉ diễn ra giữa chủ đầu tư mới và cũ, còn những khách hàng đã bỏ tiền mua nhà tại dự án lại không có tiếng nói gì.
Thị trường BĐS trong thời gian qua tiếp tục rơi vào tình trạng khó khăn kéo dài. Điều này ảnh hưởng đến hoạt động của hàng loạt các DN kinh doanh trên thị trường.
Trước thực trạng này, xu hướng chuyển nhượng dự án xuất hiện. Việc chuyển nhượng dự án có thể diễn ra âm thầm hoặc công khai. Nhưng tại các dự án phát triển nhà ở đã huy động vốn từ phía khách hàng, việc chuyển chủ thường diễn ra khá âm thầm, do chủ đầu tư lo ngại phản ứng từ phía khách hàng. Các nhà đầu tư BĐS vẫn khuyên khách hàng việc chuyển nhượng dự án không đáng lo, mà trong nhiều trường hợp, đó là cứu cánh cho dự án.
Ông Phạm Thanh Hưng – Phó TGĐ Tập đoàn Cengroup: những dự án có vấn đề hiện nay rơi vào nhiều chủ đầu tư lớn, họ có quá nhiều dự án đang làm 1 lúc. Việc cắt bớt 1 phần dự án chuyển nhượng cho chủ khác sẽ giúp dự án được sớm hoàn thành. Các ngân hàng cũng nhiệt tình rót tiền hơn, do xác định được là sẽ rót tiền vào dự án nào.
Tuy nhiên, không phải dự án nào khi được chuyển nhượng cũng thuận buồm xuôi gió. Có những dự án tiếp tục bị đắp chiếu, chờ thời cơ, có dự án chủ đầu tư mới có thể lật lọng thay đổi những điều khoản với khách hàng.
Về mặt lý thuyết, khi khách hàng đã góp vốn cho dự án, họ cũng là một chủ sở hữu tài sản. Tuy nhiên, khi quá trình chuyển nhượng dự án diễn ra, họ không hề được biết và tham gia. Chỉ khi dự án đã thương thảo hoàn thành, khách hàng mới được biết là có sự thay đổi chủ.
Ông Lê Đình Vinh – Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC cho rằng pháp luật của chúng ta mới có, nên đã bỏ ngỏ vai trò của khách, họ không được tham gia gì, nếu chủ mới ko tốt, thì quyền lợi của họ bị ảnh hưởng rất nhiều.
Quy định hiện hành ràng buộc các chủ đầu tư nếu muốn chuyển nhượng dự án thì phải chuyển nhượng toàn bộ dự án nhưng lâu nay việc mua bán các dự án vẫn diễn ra dưới hình thức các doanh nghiệp mua lại cổ phần của nhau, thậm chí mua 80-90% cổ phần để thông qua đó sở hữu dự án bất động sản.
Trong một tòa chung cư, chủ mới chỉ mua mấy chục tầng, những tầng còn lại vẫn thuộc sở hữu của chủ cũ. Như vậy, vô hình chung, cùng một tòa chung cư nhưng khách hàng lại có đến hai chủ, khi xảy ra tranh chấp, chủ đầu tư này đổ lỗi cho chủ đầu tư kia. Đây là bất cập cần được các cơ quan quản lý quy định rõ ràng, tránh thiệt thòi cho những khách hàng mua phải những dự án đã chuyển nhượng.
DiaOcOnline.vn - Theo VITV