Khu Đông TP.HCM cần được phát triển mạnh hơn nữa hạ tầng giao thông để theo kịp sự tăng trưởng của các dự án bất động sản.
Bất động sản khu Đông đang có cơ hội lớn khi cùng song hành với sự đi lên của hạ tầng đô thị. Ảnh: HOÀNG GIANG
Đòn bẩy về phát triển hạ tầng mạnh mẽ của khu Đông đã khiến thị trường bất động sản (BĐS) nơi đây trở nên sôi động. Khu vực này đang là nơi tập trung đầu tư của rất nhiều công ty BĐS hàng đầu trong và ngoài nước. Ngoài ra không thể không kể đến thông tin có tính cổ vũ cao là TP.HCM đã kiến nghị Bộ Chính trị cho thành lập chính quyền đô thị (TP trực thuộc TP.HCM) tại khu Đông gồm các quận 2, 9, Thủ Đức thuộc khu đô thị sáng tạo phía đông.
Khu Đông sẽ mọc thêm cánh
Ngay từ năm 2018, thị trường khu Đông đã luôn thuộc nhóm sôi động nhất tại TP.HCM. Trong năm 2019, khi thị trường chung có dấu hiệu chậm lại thì giá BĐS khu Đông vẫn tăng. Các nhà đầu tư cho rằng chính sự phát triển của hạ tầng giao thông, thuận lợi gần trung tâm TP, kết nối tốt với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu… là thế mạnh của nhà đất nơi đây.
Ông Đức Anh, giám đốc một công ty môi giới BĐS tại khu Đông, cho biết nguồn cung BĐS trong năm 2019 khan hiếm khiến mặt bằng giá tại các dự án càng có lý do leo thang. Giá bán căn hộ tại một số dự án ở quận 9 thời điểm mở bán năm 2018 chỉ 30-35 triệu đồng/m2 thì bây giờ đã tăng lên 40-45 triệu đồng/m2. Có những dự án căn hộ thu hút nhà đầu tư, các sản phẩm nhà phố giá còn tăng gấp đôi hoặc hơn nữa so với thời điểm mở bán.
Đồng tình với chủ trương xây dựng chính quyền đô thị, cụ thể là thành lập một TP khu Đông trực thuộc TP.HCM, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), đánh giá đây là bước đi hợp lý và cần thiết để tạo động lực thúc đẩy TP phát triển hơn nữa. Theo ông, khu Đông là đầu mối của các tuyến giao thông huyết mạch giữa TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ.
Ngoài ra, khu Đông còn có các điểm sáng như quận 9 với Khu công nghệ cao lớn thứ nhì cả nước; quận Thủ Đức có 12 trường đại học với hàng chục ngàn giảng viên, sinh viên; quận 2 có khu đô thị Thủ Thiêm cung cấp hạ tầng cơ sở và nhiều tiện ích khác nhau.
Khu vực này đang hưởng lợi trực tiếp từ nhiều dự án hạ tầng tầm cỡ như cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đường vành đai 2, cầu Thủ Thiêm 2, dự án bốn tuyến đường quanh khu đô thị Thủ Thiêm, sắp tới là cầu Cát Lái, tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), Bến xe Miền Đông mới, tuyến đường sắt đô thị số 3b… Những yếu tố thuận lợi trên đã giúp thị trường BĐS khu Đông vô cùng nhộn nhịp và tăng giá đều đều. TP khu Đông nếu được thành lập sẽ làm thay đổi bộ mặt đô thị rất lớn, tác động tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của TP.
Tăng sức cho hạ tầng
Với hấp lực của khu Đông, hiện hầu hết đại gia địa ốc đều nhanh chân có dự án quy mô lớn tại đây như Đại Quang Minh, Vingroup, Novaland, Hưng Thịnh… Cùng với đó là sự có mặt của các chủ đầu tư hàng đầu trong lĩnh vực này như Thủ Đức House, Khang Điền, Đất Xanh, Phúc Khang, Nam Long...
Thế nhưng nhiều chuyên gia cho rằng cơ sở hạ tầng giao thông ở khu Đông vẫn chưa bắt kịp tốc độ và quy mô ngày càng tăng tốc của các dự án BĐS. Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty BĐS Việt An Hòa, cho biết khu Đông đang có hàng trăm dự án, phần lớn là có quy mô vừa phải, phù hợp năng lực chủ đầu tư nên đều được triển khai rầm rộ. Hơn nữa, khu Đông phát triển BĐS nghiêng về thương mại dịch vụ mà sản phẩm này lúc nào cũng có sức hấp dẫn hơn. Quỹ đất rộng lớn, được triển khai sau nên quy hoạch ở đây đồng bộ hơn các khu vực khác.
“Về giá thì mức độ tăng giá trong 10 năm qua của khu Đông luôn đạt mức cao so với các khu khác, trung bình 50%-70%. Thị trường này cũng thu hút mạnh dòng vốn đầu tư ngoại” - ông Quang thông tin.
Với sự phát triển mạnh mẽ của BĐS, kéo theo lượng lớn dân số tăng vọt, ông Quang cho rằng TP cần đẩy nhanh xây dựng và hoàn thành các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, giải quyết ùn tắc và dần khép kín hệ thống hạ tầng giao thông đô thị trên địa bàn.
Lo ngại việc tăng nóng, ăn theo BĐS tại khu Đông, ông Lê Hoàng Châu cho rằng không đáng lo ngại vì thị trường sẽ tự quyết định. Điều quan trọng là chính sách từ cơ quan quản lý nhà nước phải công khai, minh bạch để đảm bảo công bằng, cạnh tranh lành mạnh.
Quy hoạch hạ tầng để giải quyết giao thông cho khu Đông đã có nhưng vốn để phát triển không đáp ứng, phụ thuộc vào ngân sách, ODA. Trong khi đó, các dự án căn hộ thương mại thì doanh nghiệp huy động được vốn từ rất nhiều nguồn nên ngày càng nở rộ, vượt xa hạ tầng. Do đó, khu Đông cần được hỗ trợ vốn về chính sách để phát triển hạ tầng phù hợp với sự phát triển của BĐS, đà gia tăng dân số và đòi hỏi thực tế của một thành phố trực thuộc TP.HCM trong tương lai
DiaOcOnline.vn – Theo PLO