Bộ Xây dựng khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với chính quyền địa phương trong việc quản lý người nước ngoài mua nhà ở tại các địa phương.
Số lượng người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam tăng mạnh từ khi Luật Nhà ở năm 2015 có hiệu lực.
Kiến nghị gửi lên Chính phủ trước kỳ họp Quốc hội tháng 10 đang diễn ra, cử tri đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý, kiểm soát tình trạng người nước ngoài mua nhà ở trên địa bàn, tránh gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở các địa phương và cả nước nói chung.
Trả lời về nội dung này, Bộ Xây dựng cho biết, theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 và Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ thì tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở (nhà ở riêng lẻ, căn hộ chung cư) tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại không thuộc khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định.
Theo quy định, thời hạn sở hữu nhà ở là 50 năm; hạn chế về tỷ lệ nhà ở được phép bán cho người nước ngoài tại các khu chung cư, khu đô thị mới; quy định phải thanh toán tiền mua nhà qua tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam...
Theo quy định tại Điều 75 của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP thì Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm xác định cụ thể các khu vực cần bảo đảm an ninh, quốc phòng tại từng địa phương và thông báo cho UBND cấp tỉnh làm căn cứ chỉ đạo Sở Xây dựng xác định cụ thể danh mục dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trên địa bàn không cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở.
Bộ Quốc phòng và Bộ Công an đều đã có Nghị định hướng dẫn thực hiện các quy định trên.
"Như vậy, pháp luật về quản lý người nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam đến nay đã được xây dựng tương đối đồng bộ và đầy đủ", Bộ Xây dựng khẳng định và cho biết, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với chính quyền địa phương trong việc quản lý người nước ngoài mua nhà ở tại các địa phương.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, đến nay có khoảng gần 3.000 tổ chức, cá nhân người nước ngoài, người Việt Nam định cư tại nước ngoài mua nhà tại Nam.
Cụ thể, có 944 tổ chức, cá nhân người nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam, được cấp giấy chứng nhận, cơ quan Việt Nam công nhận; 2.034 người Việt Nam định cư ở nước ngoài mua nhà tại Việt Nam.
Từ khi Luật Nhà ở năm 2015 có hiệu lực, số lượng cá nhân và tổ chức nước ngoài mua nhà ở Việt Nam gia tăng. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều địa phương có khu du lịch, người nước ngoài “núp bóng” người Việt Nam sở hữu bất động sản bất động sản ở Việt Nam chưa thống kê được.
Đáng chú ý, một số dự án nhà đầu tư ngoại quan tâm lại ở một số địa điểm nhạy cảm, ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng như ven biển, gần sân bay, trên sông, sát biên giới như vùng lân cận sông Đồng Nai, gần khu vực sân bay Long Thành, khu vực Vân Đồn, Vân Phong…
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM thậm chí còn chỉ ra rằng, không chỉ có tình trạng người Việt đứng tên mua nhà cho người Trung Quốc mà còn có cả những tập đoàn nước ngoài từng được giao dự án lớn tại vùng ven biển, lại đánh tiếng muốn thuê thêm mở rộng với số lượng từ hàng trăm đến hàng ngàn héc ta đất.
DiaOcOnline.vn – Theo Dân trí