Top

Quy hoạch hai bên sông Hồng: Phù hợp với đô thị hiện hữu và không gian Hà Nội mới

Cập nhật 09/08/2008 13:00

Ngày 8-8, tại cuộc tọa đàm giữa Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội với Hội Kiến trúc sư Việt Nam, giới kiến trúc sư đã sôi nổi đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, xây dựng Đồ án quy hoạch hai bên sông Hồng.

Theo ông Đỗ Viết Chiến, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội, những ý kiến đóng góp quý báu trên sẽ được Tổ công tác Hà Nội - Xơ-un tổng hợp, bổ sung để hoàn thiện đồ án trước khi báo cáo xin ý kiến các bộ, ngành và Thủ tướng Chính phủ.

Liên kết sông Hồng và đô thị hiện hữu

Theo PGS Nguyễn Quốc Thông, Tổng biên tập Tạp chí Xây dựng, nên nghiên cứu điều kiện địa lý truyền thống trong không gian của khu vực, ở đây là mặt nước và cây xanh. Vì vậy, chức năng chính của khu vực nên là văn hóa, giao lưu chứ không nên quá coi trọng không gian kinh tế, đô thị.

Đồng tình với quan điểm này, ông Phó Đức Tùng, Đại học Lâm nghiệp cho rằng, một trong những nội dung trọng tâm của Đồ án là nhấn mạnh không gian thiên nhiên, đưa sông Hồng thành một dải thiên nhiên.

Do đó, nếu dàn trải đô thị trên 40km sông Hồng là chưa thực sự thuyết phục. Những giải pháp do tư vấn đề xuất chưa làm bật cái hồn của sông Hồng; các thiết kế thiếu đề cập đến hiện trạng dân cư đang sinh sống hai bên sông, mặc dù cấu trúc này là sự phát triển tự phát.

Nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội Đào Ngọc Nghiêm nhận xét, xu hướng chung của các đồ án quy hoạch là bảo tồn, gìn giữ truyền thống, trong khi nội dung Đồ án lại chưa đề cập đến khu dân cư hiện hữu, trong đó có những làng cổ nổi tiếng như Bát Tràng hay Tứ Liên.

Mặt khác, việc trị thủy để bảo đảm an toàn rất quan trọng, nhưng các con số tính toán dường như chưa thật sự chính xác. Ví dụ như khi hoàn thành xong dự án thủy điện Sơn La, chắc chắn các thông số thoát lũ trên sông Hồng sẽ khác rất nhiều và phải tính toán lại.

Còn theo PGS.TS.KTS Doãn Minh Khôi, Phó Chủ nhiệm Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Đại học Xây dựng Hà Nội, đặc trưng của Hà Nội chính là mặt nước và cây xanh. Vì vậy nếu tạo ra một hệ thống nhà cao tầng ở khu vực bãi hiện hữu sẽ là “ba-ri-e” ngăn cản sự gắn kết giữa đô thị mới và đô thị cũ, giữa sông Hồng với thành phố.

Khu vực 2 (khu vực giữa sông Hồng và Hồ Tây theo sự phân chia của Tư vấn) được ông Khôi nhận xét là khu vực đẹp nhất Hà Nội hiện hữu, nhưng đầu tư vào đây chưa chắc đã đắc địa vì giao thông, hạ tầng kém sẽ gây nên sự chất tải.

Đặc biệt, địa chất giữa sông và hồ không phù hợp với nhà cao tầng. Đề cập đến vấn đề thời sự là việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, ông Khôi đề xuất: Hà Nội đang mở về phía Tây, do đó khu vực phát triển mạnh về kinh tế nên nằm ở phía Tây thành phố. Ngược lại, khu vực Hồ Tây-sông Hồng nên là khu vực tĩnh.

Hơn 1.700ha đất là nguồn vốn

Phó Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội Đỗ Viết Chiến cho biết, các ý kiến đóng góp sẽ được tổng hợp, bổ sung, hoàn thiện đồ án trước khi báo cáo 7 bộ, ngành liên quan vào đầu năm 2009.

UBND thành phố cho phép triển lãm đồ án quy hoạch này để nhân dân đóng góp ý kiến. Đặc biệt, trong khuôn khổ triển lãm, sở sẽ tổ chức hội thảo mời các hội nghề nghiệp tham gia ý kiến, bởi quy hoạch là bộ môn nhiều nội dung mang tính chất chuyên sâu.

Giải thích một số vấn đề đang được dư luận quan tâm, ông Chiến cho biết: riêng việc chỉnh trị sông Hồng, Đồ án đặt mục tiêu bảo đảm an toàn lên hàng đầu.

Vì vậy, bên cạnh những đoạn đề xuất thu hẹp dòng chảy để tạo quỹ đất, có nhiều đoạn bắt buộc phải mở rộng như đoạn cầu Long Biên, mặt cắt đề xuất khoảng 1,2km, (mở về phía quận Long Biên) hay thượng lưu cầu Thăng Long, mặt cắt lên tới 1,5km.

Ngoài nghiên cứu của chuyên gia Hàn Quốc, phía Việt Nam cũng mời chuyên gia thủy lợi trong nước tham gia, cũng như áp dụng nhiều phương pháp mà các nước tiên tiến trên thế giới áp dụng nghiên cứu về dòng chảy, hành lang thoát lũ. Và đáp án cuối cùng các bên đưa ra cơ bản là phù hợp, thống nhất.

Khi có hành lang thoát lũ, chuyên gia sẽ đề xuất xây dựng tuyến đê mới. Việc di dời dân sẽ căn cứ trên cơ sở pháp luật chứ không phải trên cơ sở nghiên cứu của chuyên gia, nên chắc chắn số lượng hộ phải di dời phải tính toán lại.

Trong Luật Đê điều quy định rất rõ 2 đối tượng phải di dời nên dù có hay không có dự án thì rất nhiều người dân cũng phải thực hiện di dời ra khỏi hành lang thoát lũ. Đối tượng còn lại sẽ lập quy hoạch chi tiết, sau đó quyết định phần nào di dời, phần nào giữ lại.

Đây chính là thời điểm thích hợp để nghiên cứu đồ án này, bởi hiện số dân đã xấp xỉ 20 vạn người, nếu để lâu chắc chắn sẽ tăng nhanh nữa.

Mặt khác, toàn bộ công trình phát triển tự phát ngoài đê đang thu hẹp dòng chảy của sông Hồng, không bảo đảm an toàn thoát lũ; gây ra thảm họa môi trường thực sự chứ không phải chỉ là chuyện “khuất mắt trông coi” như hiện nay.

Về nguồn lực, chuyên gia cũng đề xuất phương án khả thi lấy chính dự án nuôi dự án. Hơn 1.700 ha đất khai thác sau khi xác định hành lang thoát lũ chính là nguồn vốn thực hiện dự án này - ông Chiến nói.

Gắn quy hoạch hai bên sông Hồng với quy hoạch Hà Nội

Liên quan đến việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Đỗ Viết Chiến cho biết: Đồ án này vẫn nghiên cứu song song với đồ án quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, tất nhiên là có sự lồng ghép bảo đảm phù hợp. Còn việc có kéo dài vượt khỏi phạm vi nghiên cứu 40 km (đoạn qua Hà Nội cũ) hay không, Sở QH-KT sẽ trao đổi với tư vấn nước ngoài và báo cáo UBND thành phố xin ý kiến.


Theo Hà Nội Mới