Đây là đề xuất của GS Đặng Hùng Võ - chuyên gia phân tích độc lập về chính sách đất đai tại Bàn tròn trực tuyến, nhằm góp ý xây dựng Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), tổ chức ngày 31.10 tại Hà Nội.
Tham gia Bàn tròn trực tuyến có 4 khách mời: Tiến sĩ Nguyễn Duy Lượng - Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội NDVN, GS-TSKH Đặng Hùng Võ - chuyên gia phân tích độc lập về chính sách đất đai, ông Phạm Văn Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cộng đồng nông thôn và ông Nguyễn Văn Phấn– người dân tỉnh Hòa Bình tham gia khảo sát góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai 2003 (sửa đổi).
Vì sao lược bỏ “quyền tài sản”?
Đề xuất sửa nội dung Luật Đất đai để những người bị thu hồi đất (mà đại bộ phận là hội viên nông dân) bớt thiệt thòi, tiến sĩ Nguyễn Duy Lượng – Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội NDVN nêu quan điểm: “Chúng tôi đề nghị cần quy định rõ thời gian ra quyết định thu hồi đất, thời gian kiểm đếm tài sản trên đất và thời gian đền bù cho người dân. Giá đền bù đất nông nghiệp phải được xác lập dựa vào sản phẩm bình quân trên đất đó, chứ không nên chỉ áp giá từ trên xuống, rẻ và bất hợp lý như tình trạng hiện nay”.
Đại diện Báo (phải) tặng hoa các khách mời tại buổi giao lưu trực tuyến.
|
Người dân cần được thuê chuyên gia định giá đất
“Thu hồi, trưng thu, trưng mua là những cụm từ người dân muốn Luật Đất đai (sửa đổi) lần này cần làm rõ. Vì hiện nay ở một số địa phương đã xuất hiện một nhóm lợi ích trục lợi từ cụm từ này. Theo ý kiến của tôi, khi Nhà nước thu hồi đất hay trưng thu, trưng dụng đất và tài sản trên đất vào quy hoạch đô thị, hay vào mục đích phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội, người dân cần được quyền thuê chuyên gia định giá tài sản, định giá đất đai để thỏa thuận giá cả với chính quyền trước khi đất, tài sản của họ bị thu hồi hoặc trưng thu. Nếu hai bên không thỏa thuận được thì tòa án sẽ xác định giá trị thị trường của mảnh đất và tài sản”.
Ông Nguyễn Văn Phấn (tỉnh Hòa Bình)Nên cô đọng thay vì “chẻ nhỏ”câu chữ
Tôi cho rằng, người Việt Nam nói chung rất thích “dùng chữ trong luật”. Đây là cách tiếp cận không minh bạch. Đương nhiên thu hồi đất vì mục đích công là bình thường, nhưng trong trường hợp không phải là lợi ích công thì không thu hồi đất... Các cụm từ như "an ninh, quốc phòng”, về mục đích thì không có gì khác nhau, vậy tại sao mình phải chẻ nhỏ ra làm gì? Lợi ích quốc gia, lợi ích công thì khác nhau ở chỗ nào? Chúng ta cứ đi chẻ nhỏ câu chữ, để rồi lại bàn bạc, cãi vã?
Chỉ cần ghi “Nhà nước thu hồi đất trong trường hợp sử dụng vào mục đích công”. Tuy nhiên, trong luật sẽ tất giải thích: Quốc phòng là mục đích công, an ninh cũng là mục đích công, để sản xuất điện cũng là mục đích công, làm đường giao thông cũng là vì mục đích chung… Chúng ta đáng nhẽ ra phải cô đọng câu chữ lại thì lại cứ đi tẽ ra để sau đó lại phải đi giải thích, cần phải cải cách việc này.
GS Đặng Hùng Võ
DiaOcOnline.vn - Theo Dân Việt