Từ ngày 22 - 23/6, UBND TP đã tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt thành phố triển khai Nghị định 84/NĐ-CP về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Tại đây, nhiều vấn đề "nóng" liên quan đến nhà, đất đã được đưa ra mổ xẻ…
Cấp "sổ đỏ" được "cởi" nhiều nút
Ông Bùi Ngọc Tuân, Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ TN&MT) cho biết, trước đây,quy định về xác định nguồn gốc đất, tài sản (để cấp "sổ đỏ" và bồi thường hỗ trợ, tái định cư) còn bất cập, không rõ ràng, gây ảnh hưởng trong việc xem xét phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư cũng như cấp GCN. Song Nghị định 84/NĐ-CP sửa chữa thiếu sót này với một điều nói về "đất sử dụng ổn định".
Theo đó, không quan tâm tới việc đất đã chuyển nhượng bao nhiêu lần, mà chỉ tính đất đã được sử dụng liên tục cho một mục đích chính nhất định kể từ thời điểm bắt đầu sử dụng tới thời điểm được cấp GCN. Có 10 loại giấy tờ để xác định thời điểm sử dụng đất như: biên lai nộp thuế sử dụng đất; biên bản hoặc quyết định xử phạt vi phạm hành chính; quyết định giải quyết tranh chấp... Người dân chỉ cần có 1 trong 10 loại giấy tờ này là có thể chứng minh được nguồn gốc đất, đảm bảo được quyền lợi hợp pháp và cũng tiện cho cơ quan quản lý.
Trả lời câu hỏi của các quận, huyện về một vấn đề rất mới, rất nhạy cảm (cấp "sổ đỏ" cho đất không có giấy tờ), ông Bùi Ngọc Tuân cho biết: Đây có thể nói là trường hợp phổ biến nhất hiện nay. Nghị định 84/NĐ-CP phân ra làm 2 loại đối tượng sử dụng đất mà không có một trong các loại giấy tờ quy định tại khoản 1, Điều 50 Luật Đất đai: sử dụng trước và sau ngày 15/10/1993. Theo đó, nếu sử dụng ổn định, không có tranh chấp (không thuộc diện lấn chiếm) trước 15/10/1993, phù hợp với quy hoạch, chưa có quyết định thu hồi đất (trong trường hợp phải thu hồi) thì được cấp GCN. Tương tự, các trường hợp sử dụng sau ngày 15/10/1993 tới 1/7/2004, thỏa mãn các tiêu chí trên cũng được cấp GCN. Tuy nhiên, sẽ phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định. Các trường hợp lấn, chiếm bất hợp pháp sau ngày 1/7/2004 sẽ không được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, không cấp GCN và thu hồi toàn bộ. Không chỉ có đất không giấy tờ, đất được giao trái thẩm quyền trước 15/10/1993 cũng sẽ được xem xét cấp "sổ đỏ" theo quy định mới.
Dân lợi hơn khi bị thu hồi đất
Ông Nguyễn Đức Biền, Trưởng ban chỉ đạo GPMB thành phố cho biết, do không quy định rõ trách nhiệm của nhà đầu tư, Nhà nước và người dân trong quá trình thu hồi đất nên nhiều dự án GPMB kéo dài, gây lãng phí, bức xúc trong dư luận. "Sau khi có quyết định thu hồi đất 3 năm, dự án vẫn chưa GPMB xong, người dân thì khiếu kiện, doanh nghiệp cũng sống dở chết dở. Không chỉ có thế, vấn đề công khai, dân chủ trong quá trình bồi thường hỗ trợ, tái định cư ở chỗ này chỗ khác chưa được thực hiện nghiêm túc, còn mang tính hình thức..." - ông Biền nói.
Đại diện Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết, vấn đề này sẽ được xử lý tương đối thấu đáo với những quy định cụ thể, chi tiết tại Nghị định 84/NĐ-CP. Theo đó, mỗi khâu, mỗi giai đoạn đều có yêu cầu về tính công khai cũng như đặt ra mốc thời gian cụ thể để thực hiện chứ không nói chung chung. Thậm chí, người bị thu hồi đất và những người có liên quan còn được tham gia ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư...
Về những bất hợp lý trong tính giá bồi thường đối với đất ở không có giấy tờ, ông Bùi Ngọc Tuân cho biết, quan điểm xử lý lần này là đất có cùng tình trạng pháp lý như nhau thì xử lý như nhau, không phân biệt đã được cấp giấy hay chưa. Đất ở sử dụng trước 15/10/1993 không có giấy tờ (nhưng không thuộc một trong các vi phạm khiến không được cấp "sổ đỏ" như đất lấn chiếm, vi phạm quy hoạch...) khi thu hồi sẽ được bồi thường như đất có giấy tờ, diện tích tối đa không vượt quá hạn mức giao đất ở. Phần vượt hạn mức được bồi thường theo quy định đối với đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư. Đất ở sử dụng sau 15/10/1993 thì giá bồi thường phải trừ đi tiền sử dụng đất phải nộp (đối với phần trong hạn mức), phần vượt hạn mức được bồi thường như đất nông nghiệp. Tương tự, đất được giao không đúng thẩm quyền trước ngày 15/10/1993 cũng sẽ được bồi thường khi thu hồi đất...
Khó thực hiện được Điều 48
Điều 48 này quy định về bồi thường bằng đất ở khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp. Theo đó, khi hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp trong trường hợp không được Nhà nước bồi thường bằng đất nông nghiệp tương ứng mà không có nguyện vọng nhận bồi thường bằng đất làm mặt bằng sản xuất hoặc kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Nghị định số 17/2006/NĐ-CP thì được bồi thường bằng giao đất ở có thu tiền sử dụng đất tại khu tái định cư hoặc tại vị trí trong khu dân cư phù hợp với quy hoạch...
Nhiều đại biểu cho rằng, thu hồi đất nông nghiệp rồi bồi thường bằng đất ở thì quá tốt đối với người dân, song với quỹ đất tái định cư hạn hẹp của Hà Nội, thì lấy đâu ra để đền bù?
Phó Chủ tịch UBDN TP Lê Quý Đôn khẳng định luôn: Hà Nội khó mà thực hiện được theo đúng quy định của Điều này. Theo ông Đôn, UBDN TP yêu cầu trong tháng 7 tới, Sở TNMT&NĐ xây dựng xong quy định để thực hiện NĐ 84 về cấp GCN và quy định thực hiện cơ chế xã hội hóa theo tinh thần của Thông tư 05; Sở Tài chính: bổ sung Quyết định 26 của UBND TP để phù hợp với NĐ 84; Ban chỉ đạo GPMB TP ràsoát, bổ sung quy định về GPMB. Đồng thời, giao Sở TNMT&NĐ và Văn phòng UBND TP tổng hợp để báo cáo một số vấn đề "nóng", khó khăn trong quá trình thực hiện trước Chính phủ như Điều 6, Điều 48…
Nguyên Đào
(Theo HanoiNet)