Qua một thời gian ấm lên trong những tháng sau Tết Đinh Hợi 2007, hiện nay thị trường nhà đất trên địa bàn thành phố Đà Nẵng lại bắt đầu yên ắng trở lại.
Từ đầu tháng 5/2007 đến nay, các trung tâm dịch vụ địa ốc lớn trên các tuyến đường Lê Độ, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Tất Thành, Phạm Văn Đồng vắng khách hàng đến giao dịch. Ông Phạm Văn Xê, chủ cơ sở kinh doanh địa ốc trên đường Phạm Văn Đồng cho biết: thị trường nhà đất ở khu vực quận Sơn Trà (nơi có vị trí đẹp gần bãi biển) chỉ sôi động lên trong vài tháng, từ sau Tết Nguyên đán, khi có nhiều người dân Đà Nẵng trúng chứng khoán từ Thành phố Hồ Chính Minh về đầu tư vào kinh doanh địc ốc tại Đà Nẵng. Sau cơn khuynh đảo của thị trường chứng khoán OTC ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội không còn thì thị trường nhà đất ở Đà Nẵng bắt đầu chững lại.
Cả tháng qua, tỷ lệ giao dịch chuyển nhượng thành công bất động sản là rất thấp, nhiều trung tâm dịch vụ địa ốc tại Đà Nẵng chưa thực hiện chuyển nhượng thành công được một lô đất, hoặc ngôi nhà nào thông qua dịch vụ môi giới. Đặc biệt, đất ở các khu dân cư được rao bán rất nhiều với giá rẻ "không ngờ" mà vẫn không có khách hàng hỏi mua.
Tại Khu dân cư Hoà Minh, quận Liên Chiểu, đất đã quy hoạch, xây dựng xong cơ sở hạ tầng với mặt đường rộng 5,5 m, chỉ với giá từ 115 triệu đến 120 triệu đồng/ 1 lô (diện tích 76 đến 80 m2), lô đất tại mặt đường rộng 7,5m đến 10,5m thì giá cao hơn chút ít (khoảng từ 150 đến 160 triệu đồng/ 1 lô). Tại tuyến đường du lịch ven biển Nguyễn Tất Thành trong thời gian sốt đất (2003-2004) có giá từ 950 triệu đến 1 tỷ đồng/ 1 lô ( với diện tích 125 m2), nay chỉ còn từ 700 triệu đồng đến 850 triệu đồng/ 1 lô mà vẫn rất ít người hỏi mua. Các tuyến đường và khu dân cư khác, nhà đất cũng rất khó chuyển nhượng.
Nguyên nhân của tình trạng đất ế ẩm, khó chuyển nhượng là do nhu cầu thực về chỗ ở của người dân Đà Nẵng hiện nay là không lớn, trong khi đó thời gian qua, nhiều ban quản lý và các doanh nghiệp của thành phố lại đổ xô nhiều vào hoạt động khai thác quỹ đất.
Theo BTN