Hạ thuế phải đến được người thu nhập thấp, học sinh, sinh viên. |
Chính phủ đề xuất: doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội được hạ mức thuế suất thuế giá trị gia tăng, hưởng ưu đãi cao nhất về thuế thu nhập doanh nghiệp. Nhưng nhiều ý kiến tại Thường vụ QH lại đề nghị hỗ trợ trực tiếp cho sinh viên, người thu nhập thấp…
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế Giá trị gia tăng ( GTGT), Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đã được Thường vụ Quốc hội cho ý kiến sáng nay (15/10).
Giảm 50% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng
Theo Chính phủ, việc sửa đổi Luật Thuế GTGT và Luật Thuế TNDN nhằm khuyến khích mạnh hơn các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, tạo cơ hội cho người có thu nhập thấp, học sinh sinh viên, công nhân… có chỗ ở ổn định, tạo điều kiện giảm bớt khó khăn trong cuộc sống.
Cụ thể, theo qui định của Luật Thuế GTGT hiện hành thì mức thuế suất áp dụng đối với tất cả các loại nhà là 10%. Chính phủ đề nghị áp dụng thuế suất 5% đối với nhà ở cho học sinh, sinh viên, công nhân tại các KCN và người có thu nhập thấp.
Theo báo cáo, hiện nay chúng ta mới chỉ đáp ứng được khoảng 20 số sinh viên có nhu cầu ở kí túc xá. Tại các khu công nghiệp mới chỉ có khoảng 20% tổng số công nhân lao động có chỗ ở ổn định. Tại các khu đô thị vẫn còn hàng vạn hộ gia đình thuộc các thành phần kinh tế đang có khó khăn về nhà ở. |
Theo qui định của Luật Thuế TNDN hiện hành thì chỉ các dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho học sinh, sinh viên, công nhân tại khu công nghiệp và người có thu nhập thấp tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mới được hưởng ưu đãi về thuế TNDN với mức ưu đãi cao nhất (thuế suất 10%, miễn thuế 4 năm và giảm thuế tối đa 9 năm tiếp theo).
Nay Chính phủ đề nghị qui định, mọi dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp, không phụ thuộc vào địa bàn đầu tư, đều được hưởng ưu đãi về thuế TNDN với mức cao nhất.
Góp ý với dự thảo luật, Chủ nhiệm UB Kinh tế, Hà Văn Hiền cho rằng, hỗ trợ trực tiếp cho học sinh, sinh viên, công nhân, người có thu nhập thấp có thể khả thi hơn so với hỗ trợ qua doanh nghiệp. Bởi lẽ, nhà nước giảm thuế, nhưng nếu doanh nghiệp được quyết giá bán, giá thuê, các đối tượng học sinh, sinh viên chưa chắc đã được hưởng lợi.
Chia sẻ với ông Hiền, bà Thu Ba, Chủ nhiệm UB Tư pháp cũng nhìn nhận, những năm qua, nhiều hỗ trợ cho người nghèo đã thực hiện thông qua doanh nghiệp, trong khi doanh nghiệp lại vì lợi nhuận, quản lí của nhà nước còn lỏng lẻo, dẫn tới không kiểm soát được. “Phải hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng mới phát huy được tác dụng”, bà Thu Ba nhấn mạnh.
Đừng đề người thu nhập cao “hưởng”
Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cho rằng, Chính phủ qui định không được tính phần ưu đãi của nhà nước vào giá bán. Về nhà cho thuê, chỉ tính đủ chi phí đầu tư, quản lí… UBND tỉnh có trách nhiệm thẩm định giá bán nhà, giá thuê nhà.
Về việc hỗ trợ trực tiếp, ông Ninh lí giải, giá nhà trên thị trường lúc lên lúc xuống nên việc hỗ trợ cho các đối tượng sẽ rất khó. Hơn nữa, khi đó cũng sẽ không thực hiện được việc quản lí giá bán ra.
Giải thích của ông Ninh chưa làm Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng hết lo ngại. Theo ông Vượng, chủ trương của Chính phủ nghe rất hay, nhưng có tới được đối tượng quan tâm hay không là vấn đề không đơn giản. “Cái gì cứ qua nhiều tầng nấc là có vấn đề”, ông Vượng nhận định.
Ông Vượng dẫn chứng, không ít trường hợp nhà tái định cư không đến được với người bị thu hồi đất mà họ phải mua lại của người khác. Cũng có nhiều trường hợp, người có thu nhập thấp phải mua lại “nhà cho người thu nhập thấp” từ người có thu nhập cao.
Chủ nhiệm UB Văn hóa, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Đào Trọng Thi cho rằng, thực tế vừa qua, nhà giá rẻ, nhưng chỉ dành cho người thu nhập khá hay nhà ở cho sinh viên cũng phải con nhà giàu mới ở được.
Ông Thi dẫn chứng, làng sinh viên Hacinco, một phòng 2 - 4 người, ngay từ đầu, phải con nhà giàu mới có thể thuê. Sau khi một số tòa nhà tại đây được nâng cấp phục vụ SEAGames, trang thiết bị hiện đại được đưa vào, chỉ sinh viên quốc thế mới thuê được.
Vì thế, ông đề nghị, điều kiện dịch vụ trong nhà ở sinh viên phải phù hợp với người nghèo thì người nghèo mới đến được. Tiêu chuẩn xây dựng, dịch vụ phù hợp với người nghèo, tránh việc người trung bình khá, người giàu vào thuê.
“Chốt” lại buổi thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh, dự thảo luật cần hoàn thiện theo hướng, việc hỗ trợ về nhà ở, chỗ ở cho các đối tượng phải thực hiện đồng bộ, cùng với các chính sách là thanh tra, kiểm soát, đảm bảo vừa khuyến khích doanh nghiệp, vừa đảm bảo đối tượng được hưởng phải thực sự đúng…
DiaOcOnline.vn - Theo Dân Trí