UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 02/2013/QĐ-UBND nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều trong quy định bồi thường, hỗ trợ tái định cư (TĐC) khi Nhà nước thu hồi đất.
Ngày 19/2, Sở Tài chính có văn bản hướng dẫn số 777/HD- STC, tuy nhiên, tại Hội nghị triển khai tập huấn về Quyết định 02 của UBND TP do Sở Tài chính và Ban chỉ đạo GPMB TP tổ chức ngày 28/2, vẫn còn nhiều ý kiến thắc mắc.
Nếu chính sách trong giải phóng mặt bằng nhận được sự đồng thuận của người bị thu hồi đất, dự án sẽ được triển khai đúng tiến độ. Trong ảnh: Phố Xã Đàn, đường Vành đai 1. Ảnh: Thanh Hải
|
Minh bạch trong xác định giá đất bồi thường
Theo quy định, xác định giá đất ở làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ trên nguyên tắc cho từng dự án (đối với các dự án khác nhau, nhưng cùng thời điểm GPMB và có các vị trí thu hồi đất trên cùng một đoạn đường, phố có cùng mức giá trong bảng giá đất).
Theo ông Đinh Quang Vũ, Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ tư vấn thẩm định giá DATC, cơ sở dữ liệu giá đất thị trường có nghĩa là giá chuyển nhượng phổ biến trên thị trường tại thời điểm Nhà nước giao đất. Đó là giá người dân mua bán, chuyển nhượng cho nhau và Nhà nước cũng căn cứ trên nền đó để xác định. Tuy nhiên, phần lớn hiện nay là giao dịch “ngầm” nên khái niệm "giá thị trường" trong việc thu hồi đất là vấn đề chỉ mang tính tương đối, chưa kể cùng một diện tích thẩm định giá, nhưng 2 đến 3 đơn vị tư vấn vào cũng có kết quả thẩm định khác nhau, sẽ khó đáp ứng được nguyện vọng của người bị thu hồi đất để triển khai các dự án.
Nhà tái định cư B10 tại Khu đô thị Nam Trung Yên.Ảnh: Linh Anh
|
Giải đáp thắc mắc từ các đơn vị, bà Vương Thị Thu Hằng, Trưởng ban giá Sở Tài chính cho biết, các tiêu chí để làm căn cứ thẩm định giá theo phương pháp so sánh trực tiếp, dựa trên ví trí địa lý, thiết bị nội thất của tòa nhà, điều kiện an ninh môi trường. Tài sản so sánh phải là mang tính chất tương đồng. Các đơn vị tư vấn thẩm định phải đảm bảo tính chính xác của số liệu ấy.
Theo quy định mới, đối với những dự án, hạng mục đã chi trả xong việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (TĐC) trước 18/1/2013, không áp dụng hoặc không điều chỉnh theo quy định mới, trừ trường hợp bồi thường chậm do lỗi thuộc cơ quan Nhà nước… Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đăng Quang, Phó Tổng Giám đốc Công ty dịch vụ và thẩm định giá Việt Nam, Nhà nước không hồi tố với những người dân được đền bù trước thời điểm Quyết định 02 có hiệu lực, sẽ khó tránh khỏi tình trạng so bì, khiếu nại của người có đất bị thu hồi trước đó. Về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Chỉ đạo GPMB TP nhấn mạnh: "Nguyên tắc là không hồi tố nhưng sẽ cố gắng vận dụng tối đa có lợi cho người dân..".
Xác định giá đất và nhà tái định cư một thời điểm
Xung quanh vấn đề giá cả và chất lượng nhà TĐC chưa đảm bảo, có ý kiến nêu: Theo quyết định thì khi nào có thu hồi, giao đất mới xem xét đến giá TĐC, thế nên trong khi các bên liên quan đang "vênh" nhau thì người dân có đất bị thu hồi vẫn chưa được an cư. Do đó, nhiều ý kiến đề nghị nên xác định giá bán nhà tái định cư cho dân di dời ngay sau khi lên phương án GPMB.
Về vấn đề này, đại điện Sở Tài chính khẳng định, UBND TP quy định, căn cứ quỹ nhà đất TĐC hiện có, UBND cấp quận, huyện có trách nhiệm phê duyệt quy chế bắt thăm xác định vị trí TĐC, đảm bảo công khai, công bằng, đúng pháp luật.
Giá bán nhà TĐC được xác định sát với giá chuyển nhượng trên thị trường và "đảm bảo không thấp hơn tiền sử dụng đất phân bổ và chi phí thực tế". Đặc biệt, khi thực hiện chính sách giá TĐC theo nguyên tắc trên, người bị thu hồi đất được lựa chọn theo phương án bố trí TĐC của chủ đầu tư hoặc mua nhà ở thương mại. Nếu cá nhân có nguyện vọng tự lo chỗ ở thì được hỗ trợ một khoản 100 triệu đồng/hộ gia đình.
Một số chính sách hiện hành về đất đai, đang được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tế. Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Chỉ đạo GPMB TP khẳng định, nếu những quy định này đi vào cuộc sống sẽ tạo quỹ đất "sạch" cho công tác quy hoạch, là chiếc chìa khóa "vàng" để giải bài toán quy hoạch treo.
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới