Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) đến năm 2030. Theo đó, đảo Phú Quốc sẽ trở thành một trung tâm du lịch và dịch vụ cao cấp, trung tâm khoa học công nghệ của quốc gia và khu vực Đông Nam Á.
Đảo Phú Quốc với tổng diện tích tự nhiên khoảng 593 km2 là khu kinh tế - hành chính đặc biệt; trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, trung tâm giao thương quốc gia và quốc tế; trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học công nghệ; trung tâm tài chính, ngân hàng tầm cỡ khu vực; là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và giao lưu quốc tế; có vị trí đặc biệt quan trọng về an ninh và quốc phòng.
Hướng phát triển không gian đảo được điều chỉnh trên nguyên tắc bảo vệ các khu vực cần bảo tồn, khai thác hiệu quả các khu vực có địa hình thuận lợi. Đồng thời, xác định cấu trúc không gian đảo Phú Quốc gồm: vùng phát triển đô thị, vùng sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, vùng nông nghiệp, vùng bảo tồn thiên nhiên... Không phát triển đô thị trong các khu vực bảo tồn thiên nhiên, dự trữ sinh quyển của đảo Phú Quốc.
Quy hoạch đảo Phú Quốc theo các phương án điều chỉnh phân khu và vùng chức năng gồm: hệ thống các trung tâm đô thị, trung tâm tổng hợp, trung tâm chuyên ngành (văn hóa, đào tạo, nghiên cứu khoa học, y tế, thể dục thể thao, du lịch nghỉ dưỡng, hội nghị, tài chính, ngân hàng...), các khu dân cư đô thị và nông thôn...
Hiện nay, mỗi năm đảo Phú Quốc đón khoảng 150.000 lượt khách đến thăm quan. Dự báo, đến năm 2020, đảo sẽ đón khoảng 2 - 3 triệu lượt khách/năm, trong đó khách quốc tế chiếm khoảng 35 - 40% và sẽ tăng lên 5 - 7 triệu lượt khách/năm với khoảng 45 - 50% khách quốc tế vào năm 2030.
>Xây dựng Phú Quốc thành khu kinh tế hành chính đặc biệt
DiaOcOnline.vn - Theo TTXVN