Top

Việt Nam cần một cơ quan qui hoạch lãnh thổ quốc gia

Cập nhật 14/12/2008 10:58

Muốn qui hoạch nọ không chồng lấn qui hoạch kia, mỗi dự án không chỉ "cát cứ" riêng mình: xây cầu thì không đường lên, xây cảng - thuyền không tiện ghé, xây cống - nước không biết thoát đi đâu... Tổng Hội Xây dựng Việt Nam cho rằng nước ta cần có một Viện Qui hoạch Quốc gia.

Việt Nam đã có Viện Kiến trúc, Qui hoạch đô thị - nông thôn (thuộc Bộ Xây dựng), có các Hội Qui hoạch phát triển đô thị và Sở Qui hoạch - Kiến trúc... nhưng Tổng Hội Xây dựng Việt Nam vừa cho biết đang tiến hành đề xuất với Chính phủ thành lập thêm Viện Qui hoạch Quốc gia, với kỳ vọng công tác qui hoạch sẽ hết những kêu ca "bất cập, thiếu đồng bộ, chồng chéo, lạc hậu"... Vietnamnet phỏng vấn TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam quanh sự kiện này.

* Thưa ông, thực tế chúng ta vẫn đang lập, phê duyệt và thực thi rất nhiều qui hoạch trong khi chưa có Viện Qui hoạch Quốc gia, ý kiến của ông về việc này?

Hiện nay, các tiểu ngành như: đường bộ, đường thủy, cảng biển, cảng cá, sân bay, giao thông đô thị, cấp - thoát nước... đều lập qui hoạch riêng rẽ mà không quan tâm phối hợp toàn ngành và liên ngành, dẫn đến thiếu đồng bộ, nhiều khi gây trở ngại cho nhau.

Ví dụ như: Nhiều người chung nhận xét rằng, từ khi phát triển mạnh hệ thống đường bộ tại Đồng bằng Sông Cửu Long thì nước lũ ở đó dâng nhanh hơn và rút chậm hơn trước; đường đô thị ngày càng được tôn cao và ao hồ bị san lấp sẽ cản trở việc thoát nước; nước thải đô thị ở thượng lưu các dòng sông làm ô nhiễm nguồn cấp nước đô thị hạ lưu...

Đúng ra, hoạt động qui hoạch dù là qui hoạch không gian hay qui hoạch ngành đều phải tổ chức theo hệ thống nhất quán từ trên xuống thì mới hiệu quả. Song ở ta hiện nay, các qui hoạch được lập riêng rẽ và không theo trật tự nào cả! Qui hoạch lãnh thổ quốc gia chưa có, qui hoạch vùng thì đang mày mò thí điểm...

* Vì vậy mà cần phải có Viện Qui hoạch Quốc gia, thưa ông?

Đúng vậy, tôi cho điều này là rất quan trọng và cần thiết. Đã đến lúc nước ta cần lập Qui hoạch lãnh thổ quốc gia. Kinh nghiệm một số nước bạn cho thấy khi kinh tế phát triển đến trình độ nào đó thì cần có Qui hoạch lãnh thổ quốc gia với rất nhiều mục tiêu toàn diện và đồng bộ. Hàn Quốc chẳng hạn, Qui hoạch lãnh thổ quốc gia của họ đã được lập từ năm 1972, nay đã qua 4 giai đoạn điều chỉnh (mỗi giai đoạn 10 năm), mỗi lần điều chỉnh lại thêm kinh nghiệm và thành tựu.

Nước ta nằm trong nhóm các nước chịu tác động mạnh nhất của nước biển dâng, vì thế mà Qui hoạch lãnh thổ quốc gia càng trở nên cần phải có, vì nó sẽ chỉ đạo mọi qui hoạch cấp thấp hơn. Khi có Qui hoạch lãnh thổ quốc gia rồi thì các qui hoạch vùng sẽ có định hướng rõ ràng hơn... Viện Qui hoạch quốc gia sẽ là viện đầu ngành về qui hoạch, giữ nhiệm vụ lập toàn bộ các qui hoạch quốc gia, qui hoạch vùng và qui hoạch liên ngành này.

Bulgari có Viện Qui hoạch quốc gia và mỗi vùng lại có một Viện Qui hoạch vùng là phân viện của Viện nay, nên qui hoạch của họ thống nhất từ trên xuống dưới.

* Việc qui hoạch vùng đã, đang được các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng tiến hành, như Viện Kiến trúc, Qui hoạch đô thị và nông thôn. Vậy thời gian tới có thế tiến thêm bước nữa, Bộ Xây dựng sẽ chủ trì lập được Qui hoạch lãnh thổ quốc gia?

Viện Qui hoạch Kiến trúc đô thị và nông thôn thì có thể chỉ qui hoạch đô thị và nông thôn, song ở đây cần thấy rằng Viện Qui hoạch quốc gia sẽ sẽ thiết lập hệ thống qui hoạch đồng bộ trên cả nước; khớp nối các qui hoạch lại với nhau; điều phối, phân bổ kinh phí và tập huấn chuyên gia cho nhiều hoạt động qui hoạch nhưng lại trừ qui hoạch đô thị. Các Bộ, UBND cấp tỉnh và cấp đô thị sau đó sẽ tổ chức lập các qui hoạch theo trách nhiệm của mình và sử dụng dịch vụ của các tổ chức tư vấn.

Cần lưu ý rằng, Qui hoạch lãnh thổ quốc gia cần đáp ứng mục tiêu sử dụng toàn diện, phát triển và bảo vệ lãnh thổ quốc gia; phân bố tốt nhất dân cư và công, nông nghiệp... với nội dung phát triển vùng và đô thị, xác định vùng phát triển và trục phát triển (với nước ta còn thêm các vùng cần giảm nghèo); nghiên cứu đất, nước, năng lượng và tài nguyên thiên nhiên; phòng ngừa thảm họa.

* Viện Qui hoạch quốc gia nếu có sẽ độc lập hay thuộc cơ quan nào?

Thuộc ở đâu thì hiện nay đang tranh luận. Viện này có thể thuộc Chính phủ, coi như tham mưu cho Chính phủ. Nhưng lại có người cho rằng nên đặt ở Bộ Kế hoạch & Đầu tư, người khác lại thấy nên trực thuộc Bộ Tài nguyên - Môi trường vì Bộ này phụ trách đất đai cả nước mà đất đai phải kèm hạ tầng, song lại có ý kiến cứ giao Bộ Xây dựng...

Tuy nhiên, thuộc ở đâu sẽ do Bộ Nội vụ tính toán, quyết định - còn chúng tôi chỉ thấy rằng rất cần một Viện Qui hoạch quốc gia, cho dù nó nằm ở đâu, thuộc cơ quan nào...

DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet