Hiện trường vụ sập 800 mét vuông sàn bê tông tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng cuối năm 2008 - Ảnh: TL. |
Các chuyên gia xây dựng kiến nghị cần tổ chức thi sát hạch rồi mới cấp chứng chỉ cho nhà thầu.
Đây là những ý kiến được nêu ra tại hội thảo Việt - Nhật lần thứ 2 về quản lý dự án và chất lượng xây dựng tại Việt Nam. Hội thảo do Bộ Xây dựng phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Bộ Đất đai Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản tổ chức ngày 13-10 tại TPHCM.
Cấp phép tràn lan không thẩm định năng lực
Việc cấp phép kinh doanh hành nghề xây dựng cho các tổ chức cá nhân, cùng với năng lực thật sự của các công ty xây dựng là vấn đề được nhiều công ty xây dựng đặt ra tại buổi hội thảo. Ông Lê Quang Hùng, Cục trưởng Cục giám định nhà nước về chất lượng xây dựng (Bộ Xây dựng), nêu một bất cập hiện nay là việc cấp đăng ký cho các nhà thầu quá dễ, nhà thầu cứ đến sở kế hoạch và đầu tư của địa phương mình xin đăng ký kinh doanh là xong. Còn năng lực của các nhà thầu này thì chưa có ai thẩm định.
Hiện nay, các chủ đầu tư chỉ dựa vào bản kê khai của nhà thầu. Việc thiếu các thông tin chính xác về năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu đã khiến nhiều công ty không chọn được nhà thầu tốt, điều đó cho thấy tuổi thọ công trình cũng phụ thuộc rất nhiều vào nhà thầu thi công.
Một bất cập nữa được ông Hùng nêu lên là năng lực quản lý dự án của chủ đầu tư, đặc biệt là chủ đầu tư vốn ngân sách nhà nước. Theo ông Hùng, việc giao cho các ban quản lý hưởng vốn ngân sách nhà nước làm chủ đầu tư các dự án là bất hợp lý. Việc này dẫn đến chủ đầu tư xem nhẹ công tác giám sát chất lượng công trình nội bộ. Vì thế, dẫn đến tình trạng công trình đưa vào sử dụng thời gian ngắn đã xuống cấp.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng năm 2010 có tổng số khoảng trên 50.000 công trình được xây dựng. Tổng số vốn đầu tư cho xây dựng công trình năm 2010 khoảng 40 tỉ đô la Mỹ. Trong đó đầu tư từ ngân sách khoảng 25 -30%. |
Tại hội thảo, ông Masamitsu Waga, Phó vụ trưởng Vụ quản lý các vấn đề xây dựng thuộc Bộ Đất đai Hạ tầng Giao thông và Du lịch Nhật Bản chia sẻ, ở Nhật Bản các nhà thầu phải trải qua kỳ thi sát hạch, khi vượt qua cuộc kiểm tra sát hạch thì nhà thầu mới được Bộ Xây dựng cấp giấy phép hành nghề. Vì thế, sẽ tạo ra sự cạnh tranh nên nhà thầu không đủ năng lực sẽ khó được chọn.
Còn ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, nói: “Hiện nay số lượng chứng chỉ hành nghề xây dựng tại TPHCM chiếm 1/3 của cả nước”. Ông Hiệp than phiền việc ban hành quá nhiều văn bản pháp luật trong lĩnh vực xây dựng dẫn đến chồng chéo, khó xử lý khi nhà thầu vi phạm hoặc khi xảy ra sự cố. Điển hình nhất là việc xuất hiện các “hố tử thần” tại TPHCM cách đây 1 năm do văn bản chồng chéo nên khó quy trách nhiệm cụ thể cho một đơn vị.
Cần siết chặt việc cấp phép kinh doanh cho nhà thầu
Trước những bất cập nói trên, theo ông Hùng, cần phải sửa đổi quy trình đăng ký kinh doanh và cấp phép chứng chỉ hành nghề xây dựng để kiểm soát năng lực của nhà thầu. Đã đến lúc cần phải tổ chức các kỳ thi sát hạch để chọn được những nhà thầu có năng lực và công bố trên phương tiện truyền thông để các chủ đầu tư có thêm thông tin trong quá trình chọn nhà thầu.
Đồng tình với ông Hùng, ông Đặng Trung Thành, Phó Cục trưởng Cục quản lý xây dựng và chất lượng công trình, Bộ Giao thông vận tải, kiến nghị cần phải thống nhất về thời gian, nội dung và chương trình đào tạo đối với tư vấn giám sát.
"Việc cấp chứng chỉ hành nghề nên có tiêu chí phân loại các tổ chức tư vấn, giám sát để chủ đầu tư dễ lựa chọn. Trong quá trình xây dựng các công trình nếu nhà thầu nào vi phạm thì phải bị thu hồi chứng chỉ, khi bị thu hồi thì cơ quan chức năng không cấp lại cho những nhà thầu này", ông Thành nói.
Sau buổi hội thảo, đại diện Bộ Xây dựng cho biết sẽ tổng hợp những ý kiến được đề cập tại hội thảo để trình Chính phủ sửa đổi những điều còn bất cập trong thực tế của ngành xây dựng.
DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG