Top

Chủ trương 'thoáng', 'phá rào' của Đà Nẵng trước đây nay thành 'trật đường'

Cập nhật 06/08/2019 09:00

Những chính sách, chủ trương 'thoáng', được coi là 'phá rào' của Đà Nẵng trước đây nhằm thu hút đầu tư và khai thác quỹ đất để đầu tư hạ tầng giờ đây được xem là 'trật đường' đã để lại hậu quả to lớn.

Dự án sân vận động Chi Lăng có nhiều sai phạm đất đai hơn 8 năm vẫn chưa khắc phục xong - Ảnh: V.HÙNG

Điển hình là kết luận Thanh tra Chính phủ số 2852 năm 2013 liên quan đến các sai phạm về quản lý, sử dụng đất ở Đà Nẵng, nhưng đến nay TP không thể tháo gỡ được, cần sự giải quyết từ các cơ quan trung ương, Chính phủ.

Theo kết luận 2852, Đà Nẵng đã có chủ trương sai quy định pháp luật, như giảm 10% tiền sử dụng đất khi nộp một lần; tiền thất thu do tính thiếu diện tích, xác định giá đất thấp hơn giá quy định; cấp sổ đỏ cho đất thương mại dịch vụ, sản xuất kinh doanh với số tiền phải thu hồi hơn 2.300 tỉ đồng.

Một trong những sai phạm được xem như chưa có tiền lệ là dự án Chi Lăng. Trước đây, TP Đà Nẵng chuyển quyền khu đất sân Chi Lăng rộng hơn 5,5ha cho ông Phạm Công Danh, Tập đoàn Thiên Thanh, với giá khoảng 1.200 tỉ đồng.

Thế nhưng, theo kết luận 2852 thì việc giảm 10% tiền sử dụng đất khi giao đất cho Thiên Thanh và không qua đấu giá là sai phạm. Mục đích giao đất là đất thương mại dịch vụ, nhưng khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã xác định thời hạn lâu dài là không đúng quy định, không có cơ sở.

Việc tách diện tích khu đất thành nhiều thửa đất để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi không có quy hoạch là không đúng quy định của pháp luật.

Sau đó, ông Danh bị khởi tố cùng với nhiều vi phạm ở các ngân hàng. Theo Cục Thi hành án dân sự TP Đà Nẵng, bản án tuyên buộc ông Danh, Tập đoàn Thiên Thanh và một công ty khác bồi hoàn chỉ riêng Ngân hàng Xây dựng Việt Nam số tiền gần 4.000 tỉ đồng và tiền lãi khoản vay; tài sản được kê biên để thực hiện nghĩa vụ thi hành án là các lô đất ở sân Chi Lăng.

Thế nhưng TP Đà Nẵng lại cho rằng từ việc giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giảm tiền sử dụng đất là không có căn cứ pháp luật nên phải thu hồi lại sân Chi Lăng, TP hoàn trả tiền sử dụng đất và các khoản khác cho Tập đoàn Thiên Thanh hơn 1.200 tỉ đồng.

Với những sai phạm trên, theo UBND TP Đà Nẵng, việc thực thi bản án vụ án ông Danh liên quan đến sân Chi Lăng là một tài sản thế chấp được đưa ra thi hành án để khắc phục hậu quả do ông Danh gây ra là rất khó khăn và không khả thi. TP cũng đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị cho phép TP được giữ lại sân Chi Lăng thông qua thi hành án bằng cách tự nguyện, thỏa thuận với các bên được thi hành án.

TP sẽ chuyển trả toàn bộ số tiền sử dụng đất mà doanh nghiệp nộp vào ngân sách hơn 1.200 tỉ đồng.

Thế nhưng hiện các bên được thi hành án không đồng ý với số tiền TP Đà Nẵng định bỏ ra để giữ lại sân Chi Lăng vì cho rằng quá ít so với số tiền mà ông Danh và Tập đoàn Thiên Thanh có trách nhiệm trả cho các ngân hàng.

DiaOcOnline.vn – Theo Tuổi trẻ