“Khung giá đất chỉ còn được dùng tính thuế trước bạ, đền bù, các mục đích còn lại, việc xác định giá đất căn cứ kết quả thẩm định của cơ quan chức năng” - Cục trưởng Cục Thuế TPHCM Nguyễn Đình Tấn cho biết tại buổi giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM về tình hình thực hiện Luật nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản ngày 6/9.
Do Luật kinh doanh bất động sản còn bất cập, nhiều DN tranh nhau xí phần rồi bỏ hoang. Ảnh: LT.
Giá đất: Rối rắm
Ông Tấn cho biết nợ tiền sử dụng đất tại TPHCM lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Vướng mắc lớn nhất là giá tính tiền sử dụng đất. Chính Cục Thuế cũng lúng túng.
Giá đất được các địa phương ban hành hàng năm rất tốn kém nhưng hầu như không được ứng dụng vì khác biệt so với giá thực tế. Đơn cử: Giá đất ở mặt tiền đường Đồng Khởi (quận 1, TPHCM) khung giá năm 2013 quy định là 81 triệu đồng/m2, trong khi kết quả thẩm định giá lên tới gần 300 triệu đồng/m2.
“Chúng ta đang tự mâu thuẫn. Giá bồi thường giải tỏa căn cứ khung giá Nhà nước nên rất thấp còn giá tính tiền sử dụng đất dựa vào giá thị trường nên rất cao. Bồi thường giá thấp nên thường phải kèm thêm khoản tiền hỗ trợ di dời. Không được hạch toán vào chi phí nên khoản tiền này đi đâu không ai biết. Nhà nước chỉ nên quản lý đất, giao dịch càng nhiều thì càng thu được nhiều tiền, định ra khoản tiền sử dụng đất quá cao ngay từ đầu khiến thị trường đóng băng” – Ông Tấn nói.
TS Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn ĐBQH TPHCM đồng tình: Có dự án ở TPHCM, tiền hỗ trợ di dời cao gấp sáu lần tiền bồi thường mà dân vẫn đi kiện. Giá đất nông nghiệp ở quận 9, theo khung giá đất là 150.000 đồng/m2 người ta chuyển nhượng 3-4 triệu đồng. Khi làm đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây, dù phục vụ công ích nhưng chủ đầu tư bồi thường cho dân hơn 1.000.000 đồng/m2.
“Người dân đang giao dịch theo giá kỳ vọng. Nhà nước có thể bồi thường theo giá này rồi thu lại khoản địa tô” - Ông Lịch nhận định. Theo ông Tấn, thời điểm xác định giá đất rối rắm không kém. Ban đầu là tính giá đất tại thời điểm nộp hồ sơ. Khi thấy các DN “chạy” thời hạn nộp thì Nhà nước quy định tính giá theo thời điểm giao đất.
Nhiều lỗ hổng
Đại biểu QH Nguyễn Ngọc Hòa băn khoăn: Luật Nhà ở đặt ra vai trò, nhiệm vụ của Ban Quản trị chung cư (BQT) nhưng BQT không có quyền hạn gì, mọi tranh chấp trong chung cư đều đẩy hết lên UBND phường.
Tổng Giám đốc Tổng Công ty xây dựng Sài Gòn Nguyễn Văn Khởi cho biết: BQT không có tư cách pháp nhân nên quản lý rất khó. Ở quận Bình Thạnh vừa xảy ra việc một số thành viên BQT ôm 3 tỷ đồng của cư dân bỏ trốn. Trước khi trốn, họ đánh nhau suốt ngày.
Đại tá Lê Đông Phong, Phó Giám đốc Công an TPHCM băn khoăn: Việc phòng ngừa các chủ đầu tư yếu năng lực được giao dự án nhiều nơi có làm nhưng xử lý còn lúng túng, đặc biệt, việc yêu cầu các DN chứng minh năng lực tài chính còn mang nặng hình thức.
Theo đại diện Sở Kế hoạch- Đầu tư TPHCM, nhiều DN chỉ đủ năng lực thực hiện một nhưng lại đăng ký thực hiện hàng chục dự án. Cũng một tài sản, nguồn vốn đó, DN kê khai xoay tua cho một loạt dự án để đối phó. Một kẽ hở nữa là Luật Kinh doanh bất động sản được đánh đồng với nhiều ngành nghề khác với số vốn điều lệ tối thiểu chỉ 6 tỷ đồng, dẫn đến người người, nhà nhà lao vào kinh doanh bất động sản với hơn 4.200 tổ chức, cá nhân đăng ký kinh doanh.
DiaOcOnline.vn - Theo Tiền phong