Giới chức nhiều thành phố nhận được thông điệp, thậm chí là cảnh báo mạnh mẽ từ cấp lãnh đạo về việc phải hạ nhiệt giá nhà
Thị trường nhà đất tại Trung Quốc đang quá nóng, dẫn đến nỗi lo về nguy cơ “bong bóng” bất động sản.
Ngân hàng thiệt hại nặng?
Theo tạp chí Forbes, một số thành phố lớn của nền kinh tế số 2 thế giới chứng kiến mức tăng 2 con số trên thị trường bất động sản trong những tháng gần đây giữa lúc giới đầu tư loay hoay tìm kiếm những thị trường có khả năng sinh lời cao hơn. Giá nhà mới bình quân tại khắp 70 thành phố lớn trong tháng 8 tăng 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Cục Thống kê quốc gia. Con số này tại Thượng Hải và Thiên Tân thậm chí tăng tới 31,2% và 43,8%.
Tỉ phú Trung Quốc Vương Kiến Lâm - người làm giàu từ thị trường bất động sản nước này - hồi cuối tháng 9 đã cảnh báo tình trạng giá nhà nhảy vọt nói trên là “bong bóng lớn nhất trong lịch sử”.
Người dân tham quan một dự án bất động sản tại TP Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam - Trung Quốc Ảnh: REUTERS
|
Trong khi đó, theo trang Bloomberg, giới quan sát đang bắt đầu ước tính về tổn thất mà các ngân hàng Trung Quốc phải gánh trong trường hợp thị trường bất động sản trong nước sụp đổ. Theo Công ty DBS Vicker Hongkong Ltd., mức giảm 30% của giá nhà sẽ khiến 4% tổng giá trị cho vay - lên đến 4.100 tỉ nhân dân tệ (615 tỉ USD) - thành nợ xấu. Trong khi đó, Công ty Quản lý đầu tư Pacific Investment Management (Mỹ) dự tính tỉ lệ nợ xấu sẽ tăng từ 1,75% hiện nay lên 6% trong vài năm tới giữa lúc có những rủi ro trong thị trường nhà đất.
Ngay cả Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng vừa bày tỏ lo ngại về nguy cơ giá nhà vượt tầm kiểm soát, buộc chính quyền hàng loạt thành phố thực thi nhiều biện pháp làm nguội thị trường địa ốc. Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), nhà chức trách tại ít nhất 21 thành phố, trong đó có Bắc Kinh, Thâm Quyến, Tô Châu…, đột ngột siết chặt các quy định thanh toán đặc cọc đối với việc mua nhà, như yêu cầu thanh toán tới 35% giá trị đối với mua căn nhà đầu tiên và 70% đối với căn nhà thứ hai. Thậm chí, tại các thành phố Châu Hải, Đông Hoản và Phúc Châu (thuộc tỉnh Quảng Đông), mỗi người chỉ được mua tối đa 2 ngôi nhà.
Áp lực từ cấp cao
Các chuyên gia phân tích cho rằng các biện pháp can thiệp khá gấp gáp và thời điểm diễn ra rất bất thường bởi chúng xảy ra trong “tuần lễ vàng” - kỳ nghỉ lễ Quốc khánh, khi hầu hết các văn phòng công quyền và ngân hàng đều đóng cửa. “Hành động đồng loạt của quá nhiều thành phố cho thấy không mang tính tự nguyện mà là kết quả của một áp lực lớn từ cấp rất cao” - chuyên gia phân tích cấp cao Zhang Dawei của Công ty Bất động sản Centaline Property (Hồng Kông) nhận định.
SCMP dẫn nguồn tin cho biết quan chức tại những thành phố có thị trường bất động sản tăng trưởng quá nóng đã được gọi đến Bắc Kinh để họp khẩn hôm 30-9. Tại đó, họ nhận được thông điệp và cảnh báo mạnh mẽ về sự cần thiết phải hạ nhiệt giá nhà nếu không sẽ chịu trách nhiệm trong trường hợp “bong bóng vỡ”.
Trong lúc hiệu quả của những biện pháp trên vẫn là câu hỏi, tờ The Wall Street Journal cảnh báo “bong bóng” bất động sản ở Trung Quốc có thể lan sang Hồng Kông khi những rào cản mới nói trên sẽ thúc đẩy nhà đầu cơ kéo sang đặc khu hành chính này. Chính quyền Hồng Kông từng dùng biện pháp áp thuế cao đối với người mua nhà không phải cư dân hòn đảo hồi năm 2012 để đối phó cơn khát nhà ở của dân đại lục. Tuy nhiên, số người đại lục mua nhà ở Hồng Kông trong quý II vừa qua đã lên tới mức cao nhất kể từ khi mức thuế trên được đưa ra.
Báo cáo hồi tháng trước của Ngân hàng UBS (Thụy Sĩ) đã cảnh báo nguy cơ bong bóng hiện hữu trong thị trường bất động sản Hồng Kông khi giá nhà ở đây được xếp vào loại đắt nhất thế giới.
Giúp Ai Cập xây thủ đô mới
Các công ty nhà nước Trung Quốc vừa đồng ý rót vốn để giúp Ai Cập xây dựng thủ đô mới - hiện vẫn chưa rõ tên gọi. Theo đài CNN, Công ty China Fortune Land Development (CFLD) đã chịu chi 20 tỉ USD sau cuộc gặp giữa lãnh đạo công ty này và Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi. Trước đó, một công ty nhà nước Trung Quốc khác cam kết đầu tư 15 tỉ USD, giúp dự án gần đạt mức 45 tỉ USD cần thiết để tiến hành giai đoạn đầu.
Giới chức Ai Cập mô tả dự án này, được công bố hồi tháng 3-2015, là giải pháp cho vấn đề ô nhiễm, tình trạng dân số đông đúc và giá nhà tăng cao ở thủ đô Cairo hiện nay. Quá trình xây dựng thủ đô mới dự kiến kéo dài ít nhất 7 năm. Khi hoàn thành, thành phố có diện tích 700 km2 này sẽ là nơi làm việc mới của các cơ quan chính phủ, có nhiều không gian xanh dành cho người dân, đồng thời liên kết với khu vực kênh đào Suez. Theo một số đề xuất, thành phố sẽ cung cấp nơi ở cho khoảng 5 triệu người, bên cạnh hơn 1.000 đền thờ, các ngôi làng thông minh, khu công nghiệp, trung tâm hội nghị, trường học…
Tuyến đường chính nối Cairo với trung tâm hành chính mới đã được khởi công xây dựng. Giai đoạn đầu tiên của dự án dự kiến được hoàn thành trong vòng 5 năm và những cư dân đầu tiên sẽ dọn đến đó ở.
DiaOcOnline.vn - Theo NLĐ